Việc cách chức một lãnh đạo đứng đầu huyện là hy hữu. Thực tế có chuyện sau khi phát hiện sai phạm của những người đảm đương chức vụ này thì sẽ có hình thức kỷ luật tương ứng, song họ rất ít khi phải bị cách hết chức vụ trong Đảng mà chỉ là “cho thôi chức” để sau đó, đối tượng bị kỷ luật sẽ chuyển sang một chức vụ khác tương đương ở trên tỉnh. Dư luận nhận diện kiểu kỷ luật này như một hình thức “đánh bùn sang ao”.
Việc cách chức Bí thư Huyện ủy này của Hà Nội cho thấy đã có một sự chuyển biến tích cực trong xử lý cán bộ sai phạm. Đặc biệt là việc sai phạm có dấu hiệu “tư bản thân hữu”, “sân sau” hoặc “cánh hẩu” như trường hợp của ông này.
Thêm nữa, đây là câu trả lời trực diện và mạnh mẽ cho phát biểu của một ông Bí thư Tỉnh ủy tại Quốc hội: “Xử lý cán bộ dân bầu là rất khó”. Ông Bí thư huyện vừa bị xử lý kia đương kim Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện thì vẫn xử lý được đó thôi! Xử lý trong Đảng trước và cái chức vụ Chủ tịch Hội đồng nhân dân kia cùng tư cách đại biểu của ông bị xử lý miễn nhiệm chỉ còn là vấn đề thủ tục.
Sau trường hợp xử lý kỷ luật, cách chức một cán bộ lãnh đạo thế này thì đừng có ai kêu là khó nữa nhé và đây chính là tấm gương để các vị đó soi vào mình. Trình tự để xử lý cán bộ sai phạm là thi hành các hình thức kỷ luật Đảng, miễn nhiệm chức danh dân bầu, rộng cửa để cơ quan điều tra vào cuộc và rất có thể một vòng quay tố tụng bắt đầu. Ông Bí thư vừa bị cách chức kia cũng sắp đến tuổi hưu (sinh năm 1963), nhiệm kỳ cũng sắp kết thúc, “hạ cánh” được như thế này cũng có thể coi là an toàn nếu như cỗ máy pháp luật không cuốn ông vào.
Cùng thời điểm này, việc từ chức của ông Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam cũng gây sự chú ý của dư luận. Ông này quá nhiều tai tiếng, cơ quan cũ mà ông làm Giám đốc đang bị thanh tra, ông cũng chẳng đóng góp được gì từ khi đánh bật 3 ứng cử viên sáng giá để giữ cương vị này. Tuy nhiên, từ chức còn vớt vát được chút thể diện trước khi bị cách chức, tuy chỉ là ở một tổ chức xã hội - nghề nghiệp chứ không phải trong đội ngũ cán bộ nhà nước!