Việc tẩy xóa hàng Trung Quốc rồi “đóng dấu” Việt Nam không có gì mới, từ thực phẩm, trái cây đến hàng điện tử, song cách mà Asanzo “chế biến” là cả một công nghệ, dây chuyền khép kín và không những lừa dối được người tiêu dùng mà còn “qua mặt” một loạt các cơ quan chức năng của Nhà nước. Điều đáng chú ý ở đây là thái độ của những người có trách nhiệm trước cái giả này.
Cũng như các vụ tham nhũng, cơ quan chức năng chống tham nhũng ít phát hiện ra mà phần lớn là do báo chí thì vụ hàng Tàu giả Việt này cũng vậy. Các cơ quan chức năng làm gì và ở đâu trước việc công nghệ làm giả này?
Ở Hiệp hội đã vinh danh Asanzo là “Hàng Việt Nam chất lượng cao” đã có một động thái tích cực là tuyên bố thu hồi danh hiệu này. Một việc làm kịp thời, đúng đắn, hài lòng dư luận nhưng cũng phải biện minh cho việc vinh danh “nhầm”, tạo điều kiện để mặt hàng này trở thành thương hiệu là “hồ sơ quá sạch, không thể phát hiện”. Ngay đến cả chuyên viên cấp bộ cũng khó phân biệt được hàng Tàu và hàng ta thì việc “nhầm lẫn” này có gì đáng kể?
Tại một diễn biến khác, Chủ tịch một hiệp hội lập ra để bảo vệ người tiêu dùng và chống hàng giả thì đưa ra một khẳng định: “Đố ai tìm được mặt hàng nào không bị làm giả tại Việt Nam”. Đây không chỉ là một lời thách đố mà nó phơi bày hiện trạng hàng giả ở nước ta cũng như sự bất lực, không làm được gì của các cơ quan chức năng cũng như các hiệp hội có nhiệm vụ chống hàng giả này.
So với vụ Khaisilk cắt mác Trung Quốc, dán nhãn mác của mình vào khăn lụa bị dư luận phản ứng quyết liệt thì vụ Asanzo này quy mô gian dối lớn hơn rất nhiều và mức độ nguy hiểm cho xã hội cũng lớn hơn, làm băng hoại cả một chủ trương lớn “người Việt dùng hàng Việt”.
Thế nhưng, ông chủ của nó vẫn cho rằng mình đúng khi phải thừa nhận là linh kiện Trung Quốc lắp ráp nên hàng họ của ông chỉ ghi là “xuất xứ tại Việt Nam” chứ không phải là “Made in Vietnam”. Sự kháng cự yếu ớt này tỏ ra hơi bị “cùn”.
Một vụ làm hàng giả “đánh” thẳng vào người nông dân và an ninh lương thực nước nhà là vụ Công ty Thuận Phong sản xuất phân bón giả mà chẳng bị xử lý gì cả. Sự đồng lõa với cái giả là có thật, điều đó có thể pháp luật không động đến nhưng đạo lý thì kết án, coi đó là một hành vi vô lương tâm!