Thời gian gần đây, tại các hội chợ, triển lãm hay các ngày lễ Tết, những ông đồ cho chữ xuất hiện ngày càng nhiều. Không ồn ào, náo nhiệt nhưng đã thu hút rất đông những người đến xin chữ, nhất là giới trẻ, điều đó cho thấy nghệ thuật thư pháp đang dần trở lại.
|
|||
Hình ảnh ông đồ cho chữ xuất hiện ngày càng nhiều ở các lễ hội, góp phần làm phong phú và đa dạng các sắc màu văn hóa dân tộc. |
Nói đến thư pháp, người ta thường nghĩ đến việc viết chữ Hán bằng kiểu cách đặc biệt với cây bút lông, mực mài và giấy dó. Trong những nét văn hóa cổ xưa mà nhân dân ta gìn giữ và lưu truyền lại, thư pháp đang ngày càng được giới trẻ quan tâm. Thuở xưa, vào mỗi dịp xuân về, người dân hay đến nhà thầy đồ để “xin chữ” về treo trong nhà như một bức tranh, với nội dung là lời chúc tụng hay giáo dục nhân cách sống ở đời. Thư pháp là nghệ thuật viết chữ xuất phát từ Trung Hoa và được lưu truyền sang các nước Nhật, Triều Tiên, Việt Nam… Qua thời gian, thư pháp đã trở thành một thú chơi hết sức tao nhã, được nhiều người trên thế giới ngưỡng mộ. Hiện nay, các ông đồ còn thể hiện nét thư pháp trên chữ quốc ngữ nên rất dễ đọc, dễ thưởng thức và rất phù hợp với mọi lứa tuổi.
Thư pháp gia Văn Chi, Chi hội trưởng Chi hội Thư pháp thuộc Hội nghệ thuật Hoa viên Đà Nẵng cho biết, hiện nay, nghệ thuật thư pháp được thể hiện rất phong phú trên mọi chất liệu như giấy, đá cuội, trên gỗ… Người ta thường trang trí chữ thư pháp trong phòng khách hoặc nơi học tập. Ngoài việc trang trí cho đẹp, lồng trong thư pháp còn có ý nghĩa của những câu đối, danh ngôn, chúc tụng, người ta treo để lấy hên. Ông cho biết, so với gần 10 năm trước, hiện nay giới trẻ đang dần dần trở lại và có những người trẻ rất đam mê bộ môn nghệ thuật này. Tại các hội chợ, triển lãm hay ngày lễ, ngày Tết, có những người trẻ đứng dưới cái nóng gay gắt hàng giờ đồng hồ để xin chữ.
Hiện nay, ngoại trừ một số vị cao niên, còn lại rất ít người đọc và viết được chữ Hán, nên lối viết thư pháp bằng chữ Hán được thay thế dần bởi thư pháp Việt. Theo quan điểm nhiều người, chữ Việt vẫn đẹp như chữ Hán. Thư pháp Việt phổ biến nhất là trên điện thoại (tải qua mạng điện thoại), trên đá cuội (đá viên dùng để chằn giấy nơi bàn làm việc, học tập) hoặc trên tập giấy… Em Phạm Lam Vy và em Hoài Thị Thu - học sinh lớp 11, Trường THPT Phan Châu Trinh cho biết: “Chúng em rất thích thư pháp, nên đã xin chữ về dán ở bàn học với mong muốn được nhiều may mắn trong học tập và cuộc sống”. Ở Đà Nẵng hiện nay, việc viết và trưng bày thư pháp cũng đã được đưa vào trong các lễ hội truyền thống hằng năm và sản phẩm thư pháp cũng đã có mặt ở nhiều nhà sách lớn nhỏ trên địa bàn thành phố.
Tuy nhiên, theo đa số các nhà thư pháp tại Đà Nẵng, giới trẻ hiện nay chỉ có thể thưởng thức loại hình nghệ thuật này mà rất ít người học được, rất khó tìm ra người thừa kế. Bởi, muốn viết được đòi hỏi người viết phải am hiểu về ngôn ngữ Hán, biết nguyên tắc viết và phải có hoa tay và điều quan trọng là phải qua một sự khổ luyện...
Bài và ảnh: VĂN NỞ