Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã gặp gỡ Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh trong ngày đầu của chuyến công du New Delhi nhằm hướng đến những thỏa thuận quân sự và hạt nhân với một trong những nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Ngày 21-12, Nga và Ấn Độ đã ký kết các thỏa thuận về quốc phòng, hạt nhân, vũ trụ, trong đó có hợp tác phát triển từ 250 - 300 máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm trong vòng 10 năm và mở rộng công suất của nhà máy điện hạt nhân ở bang miền nam Tamil Nadu. Các quan chức cho biết, hợp đồng này trị giá khoảng 35 tỷ USD.
|
Tổng thống Dmitry Medvedev (trái) và Thủ tướng Ấn Độ |
Nga vốn là đối tác chính trị và kinh tế thân thiết của Ấn Độ từ thời Xô viết và độc quyền thị trường quốc phòng của nước này trong nhiều thập niên. Tuy nhiên, New Delhi muốn giảm phụ thuộc vào một nước để thể hiện ảnh hưởng của mình đang ngày càng tăng trên trường quốc tế nên cũng vươn mình sang các đối tác khác. Thực tế, vị thế Ấn Độ hiện thay đổi rõ rệt. Thủ tướng Anh David Cameron, Tổng thống Mỹ Barack Obama, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo - những thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) - đều dồn dập đến New Delhi trong 6 tháng qua và muốn “bắt tay” với nền kinh tế mới nổi này với những hợp đồng tổng trị giá khoảng 50 tỷ USD.
Lần này, Tổng thống Medvedev cùng với một phái đoàn gồm 100 lãnh đạo các doanh nghiệp gặp gỡ Thủ tướng Manmohan Singh và Chủ tịch Đảng Quốc đại cầm quyền Sonia Gandhi ở thủ đô New Delhi. Theo Reuters, Nga xem Ấn Độ là một đối trọng với Trung Quốc và là đồng minh tiềm năng ở Afghanistan. Song, mối quan hệ đang gia tăng giữa Ấn Độ với Mỹ, được thể hiện bằng một thỏa thuận hạt nhân dân sự mới đây, đã làm Mátxcơva khó chịu. Trong khi đó, theo các nhà phân tích, Ấn Độ có thể đang tìm kiếm sự ủng hộ rõ ràng của Nga cho tham vọng giành ghế thường trực ở Hội đồng Bảo an LHQ.
Nga cung cấp 60% vũ khí và phương tiện quân sự truyền thống của Ấn Độ, nhưng hiện Mátxcơva gặp khó khăn khi vấp phải sự cạnh tranh mạnh mẽ từ Mỹ và châu Âu. Từ nay đến năm 2016, quốc phòng của Ấn Độ dự kiến chi 112 tỷ USD mua các trang thiết bị vũ khí. Song, New Delhi đang đa dạng hóa các nguồn cung và khó tính hơn về giá cả cũng như chất lượng.
Trả lời phỏng vấn trên tờ Thời báo Ấn Độ một ngày trước khi bắt đầu chuyến công du, Tổng thống Medvedev nói rằng, Mátxcơva sẵn sàng cạnh tranh công bằng. Nga cũng muốn tiếp tục cung cấp công nghệ hạt nhân cho quốc gia đói năng lượng Ấn Độ khi nước này tham vọng đạt đến công suất 63.000 megawatt vào năm 2032 từ công suất hiện tại là 4.560 megawatt để hỗ trợ phát triển kinh tế.
Reuters dẫn lời Điện Kremlin cho hay, thương mại giữa Nga với Ấn Độ đạt 10 tỷ USD trong năm 2010; trong khi thống kê chính thức cho thấy thương mại giữa Mátxcơva với Liên minh châu Âu đạt 246 tỷ USD trong 10 tháng năm nay, và thương mại với Trung Quốc là 47,5 tỷ USD. Nga - Ấn đều hy vọng sẽ thúc đẩy thương mại song phương lên 20 tỷ USD trong 5 năm tới.
Hôm nay (22-12), nhà lãnh đạo Nga sẽ đến thăm đền Taj Mahal, biểu tượng của Ấn Độ ở Agra, và trung tâm tài chính Mumbai.
BÌNH YÊN