Nga - đích ngắm mới của WikiLeaks?

Julian Assange lớn tiếng tuyên bố với báo chí toàn cầu rằng những “vụ rò rỉ mới” sẽ không chỉ tập trung vào quân đội Mỹ, mà còn cả về Nga và Trung Quốc.

Julian Assange lớn tiếng tuyên bố với báo chí toàn cầu rằng những “vụ rò rỉ mới” sẽ không chỉ tập trung vào quân đội Mỹ, mà còn cả về Nga và Trung Quốc.

Julian Assange.

Mặc dù đang tìm một chỗ trú thân an toàn, song Julian Assange dường như không sợ hãi điều gì.  Sau khi website của ông công bố những hồ sơ mật của Mỹ ngày 22/10, cho thấy những sự thật xấu xí về cuộc chiến tranh ở Iraq, ông vẫn tiếp tục du ngoạn vòng quanh Châu Âu. Ông còn lớn tiếng tuyên bố với báo chí toàn cầu rằng những “vụ rò rỉ mới” sẽ không chỉ tập trung vào quân đội Mỹ, mà còn cả về Nga và Trung Quốc. Ngay lập tức Mátxcơva đã phát đi tín hiệu cho thấy phản ứng của Nga sẽ không “kiềm chế” như Mỹ.

Trả lời phỏng vấn nhật báo hàng đầu của Nga “Kommersant” ngày 26/10, người phát ngôn của WikiLeaks Kristinn Hrafnsson cho hay: “Độc giả Nga sẽ được biết nhiều về đất nước họ. Chúng tôi sẽ nói cho nhân dân sự thật về những hành động mà các chính phủ của họ đã làm”.

Ít lâu sau, một quan chức của Trung tâm An ninh Thông tin của Lực lượng An ninh Liên bang (FSB) đã lên tiếng cảnh báo rằng Nga sẽ không tế nhị giống như cách mà Mỹ đã phản ứng đối với vụ rò rỉ tài liệu về Iraq. “Cần nhớ là chiểu theo những sắc lệnh liên quan, WikiLeaks sẽ vĩnh viễn bị không truy cập được” - một quan chức không tiết lộ danh tính nói với LifeNews -  website tin tức độc lập của Nga.

FSB đã từ chối bình luận thêm về phát biểu trên, cũng như không khẳng định đây có phải là quan điểm chính thức của mình hay không. Tuy nhiên lịch sử cho thấy FSB đã thực hiện việc đóng cửa những website ba hoa trên Internet không mấy khó khăn. Tháng 6 vừa qua, một website tương tự như WikiLeaks của Nga có tên là “Lubyanskaya Pravda” cho công bố một số tài liệu được coi là “tuyệt mật” của FSB về những chiến dịch của cơ quan này tại Liên Xô trước đây, cũng như mâu thuẫn của nó với các lực lượng an ninh khác.

Website trên tồn tại trên mạng chừng gần 3 tuần - trong suốt thời gian đó một tờ báo nào đăng tải những tài liệu mà nó công bố. Sau đó website ra lời thông báo sửa chữa trang. Với việc website dừng hoạt động và không phát hiện được những người bí mật điều hành nó, việc “rò rỉ”  như vậy đã được chấm dứt.

“FSB dễ dàng tìm ra những ai đứng đằng sau vụ này và thuyết phục họ rằng đó là việc làm không tốt. FSB cũng có khả năng đóng cửa một website như WikiLeaks. Họ có năng lực để làm những việc như vậy” - Andrei Soldatov, một chuyên gia về an ninh Nga, nhận xét.

Nếu FSB nói rằng cơ quan này có khả năng, thì tôi tin lời họ” - Gadi Evron, một chuyên gia về an ninh mạng và chống gián điệp, phát biểu. Theo Evron, không nhất thiết phải tấn công WikiLeaks, bởi sau một dự án Internet bao giờ cũng có con người, mà con người thì có thể bị ép buộc.

Tuy nhiên, theo các nhà quan sát thì WikiLeaks là mối thách thức khá nguy hiểm đối với các cơ quan an ninh của Nga. WikiLeaks đã xây dựng được danh tiếng luôn cung cấp những tài liệu có độ xác thực. Điều đó có nghĩa là báo chí Nga có thể đăng lại những tài liệu này. Bên cạnh đó, một tổ chức bí mật có khả năng xử lý những vấn đề công nghệ với tin tặc là một yếu tố không thể bỏ qua. Còn nhớ trong cuộc xung đột ngắn ngày giữa Gruzia và Nga năm 2008, các website của Chính phủ Gruzia đã bị rớt mạng. Những tin tặc kiểu đó sẽ không cho phép WikiLeaks vắng mặt lâu trên mạng.

Như vậy, nhiều khả năng,  phản ứng của Nga sẽ là: trước hết huỷ hoại tính xác thực của những bí mật bị rò rỉ. “Đó là công cụ chủ yếu - sàng lọc thông qua các phương tiện truyền thông mà nhà nước quản lý. Các cơ quan báo chí này sẽ làm mất thể diện của WikiLeaks và đặt câu hỏi nghi ngờ về độ xác thực của các nguồn tin mà nó sử dụng - ông Nikolai Zlobin, giám đốc Dự án Nga và Eurasia thuộc Viện An ninh Thế giới ở Washington, nhận định - Điều đó sẽ hạn chế bất cứ cuộc tranh cãi nào về sự rò rỉ ra các diễn đàn và báo mạng của Nga vốn lâu nay có phạm vi hoạt động nhỏ trong dân chúng”.

Nếu các thông tin tình báo nước ngoài của Nga bị tiết lộ, thì uy tín của Nga đối với thế giới sẽ bị tổn hại nặng nề. Do Kremlin đang thực hiện chính sách thân thiện với phương Tây, nên cơ quan an ninh của họ sẽ phải nỗ lực để ngăn chặn những sự việc không hay xảy ra. Chưa rõ họ sẽ đi xa đến đâu trong nỗ lực này.

Theo Quỳnh An
Lao Động

Đọc thêm