Iran và Nga hôm 26/5 đã có cuộc xung đột nảy lửa xung quanh việc Kremlin ủng hộ các lệnh trừng phạt dự thảo của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, trong cuộc tranh cãi tồi tệ tệ nhất giữa hai quốc gia này từ sau Chiến tranh Lạnh.
|
TT Iran Ahmadinejad. |
Xung đột công khai trên cho thấy lo ngại ngày càng tăng của Tehran sau khi Mỹ tuyên bố Nga và Trung Quốc, hai đồng minh thân thiết của Iran, đã chấp thuận một nghị quyết dự thảo các lệnh trừng phạt đối với Iran vì chương trình hạt nhân của nước này.
Trong lời chỉ trích mạnh mẽ bất thường đối với Nga, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad đã trách móc Kremlin chùn bước trước cái ông gọi là áp lực của Mỹ đồng thời cảnh báo Tổng thống Dmitry Medvedev nên thận trọng hơn.
“Nếu tôi là Tổng thống Nga, khi đưa ra quyết định về những vấn đề liên quan tới một nước lớn (Iran)…tôi sẽ hành động thận trọng hơn và tôi sẽ cân nhắc nhiều hơn”, Ahmadinejad cho biết trong một bài diễn văn trên truyền hình.
Vị Tổng thống Iran khẳng định, sự ủng hộ của Nga đối với Mỹ là không thể chấp nhận được và rằng Moscow nên xem xét lại quyết định của mình hoặc đối mặt với việc bị Tehran coi như kẻ thù.
Vài tiếng sau đó, cố vấn chính sách ngoại giao hàng đầu của Kremlin Sergei Prikhodko đã bác bỏ chỉ trích của ông Ahmadinejad, đồng thời tuyên bố Tổng thống Iran nên kiềm chế “mị dân chính trị”.
“Chưa bao giờ có ai cố gắng bảo vệ chính quyền của mình bằng chính sách mị dân chính trị. Tôi đã bị thuyết phục, lịch sử ngàn năm của Iran đã chứng minh điều đó. Liên bang Nga tồn tại bằng những lợi ích quốc gia dài lâu. Quan điểm của chúng tôi chính là quan điểm của người Nga, nó phản ánh lợi ích của toàn bộ nhân dân Nga chứ không thể là ủng hộ Mỹ hay Iran”, ông Prikhodko nói.
Nhiều nhà phân tích nhận định, đây được xem là xung đột tồi tệ nhất giữa hai nhà sản xuất năng lượng lớn nhất thế giới trong nhiều năm qua.
Mặc dù quan hệ thương mại đã tăng lên đáng kể trong hai thập niên qua, song Nga vẫn mất niềm tin sâu sắc với Iran sau vài cuộc chiến giữa Ba Tư và đế chế Nga hoàng sau mối quan hệ căng thẳng với liên bang Xô Viết.
Nga không hài lòng khi Tehran không công bố chi tiết đầy đủ về chương trình hạt nhân Iran và các nhà ngoại giao nói riêng cho rằng các lãnh đạo Kremlin đã nóng mặt vài lần trong khi nỗ lực thuyết phục lãnh đạo Iran giải quyết vấn đề hạt nhân.
Prikhodko cũng đưa ra chỉ trích rõ ràng đối với Iran.
“Bất kỳ chủ nghĩa cực đoan chính trị khó đoán nào, hay sự thiếu minh bạch hoặc không thống nhất trong việc đưa ra các quyết định có ảnh hưởng và gây quan ngại tới toàn bộ cộng đồng thế giới đều không thể chấp nhận được đối với chúng tôi”, ông nói.
Kế từ sau khi Liên bang Xô viết tan rã năm 1991, thương mại hai chiều đã tăng đáng kể, đạt 3 tỉ đô la Mỹ năm ngoái. Nga đã ký hợp đồng xây dựng nhà máy phát điện hạt nhân đầu tiên mang tên Bushehr cho Iran và bán hàng tỉ đô la vũ khí cho nhà nước Hồi giáo.
Tuy nhiên căng thẳng với Moscow có thể gây tổn hại tới kế hoạch khởi động lò phản ứng hạt nhân do Nga xây dựng ở nhà máy điện hạt nhân Bushehr vào tháng 8 tới và Iran cũng không thể có được hệ thống tên lửa đất đối không S-300 mà nước này đặt hàng từ Moscow.
“Moscow nhiều lần đã cứu Iran khỏi các lệnh trừng phạt cực kỳ cứng rắn, sự bất chấp của Ahmadinejad là hoàn toàn không thể chấp nhận được”, Pyotr Goncharov, chuyên gia về Vùng Vịnh tại Moscow nói với Reuters.
Ahmadinejad cho rằng, thỏa thuận trao đổi nhiên liệu hạt nhân với Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil tuần trước là “cơ hội lịch sử” để phá vỡ bế tắc và rằng Tổng thống Mỹ Barack Obama nên nắm bắt nó.
Mỹ, Nga và Liên minh châu Âu cho biết, họ quan ngại sâu sắc bởi tuyên bố tiếp tục làm giàu uranium của Iran thậm chí khi thỏa thuận đã được triển khai. Các nhà ngoại giao phương Tây cho rằng, điều này cho thấy Iran chỉ đơn giản sử dụng thỏa thuận trên để “câu giờ”.