Nhật Bản phản ứng mạnh mẽ khi tổng thống Nga tuyên bố sẽ viếng thăm một chuỗi đảo tranh chấp giữa Nga và Nhật.
|
Tổng thống Nga Dmitry Medvedev trong cuộc họp báo với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào hôm 27/9. Ảnh: AFP.
|
Nhật không phản đối chủ quyền của Nga ở các đảo phía bắc, tuy nhiên tranh cãi về chủ quyền của 4 hòn đảo cực nam của quần đảo Kuril. Bốn hòn đảo này có tên là Iturup, Shikotan, Habomai và Kunashir trong tiếng Nga, còn Nhật gọi chung là Vùng lãnh thổ phía bắc. Hiện các đảo này do Nga kiểm soát kể từ khi Liên Xô chiếm đóng ở đây từ năm 1945.
Hôm qua, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev công bố kế hoạch đến thăm quần đảo Kuril trong chuyến thăm vùng Viễn Đông.
“Đây là một vùng lãnh thổ quan trọng của chúng ta”, Medvedev phát biểu tại thành phố chính của bán đảo Kamchatka.
Tổng thống cho biết thời tiết sương mù hiện nay khiến ông chưa thể thực hiện chuyến thăm. “Nhưng chúng tôi sẽ tiến hành, chúng tôi chắc chắn sẽ đến đó trong tương lai gần”, Medvedev khẳng định. Tuy nhiên, ông không nói rõ sẽ viếng thăm những hòn đảo nào trong quần đảo.
Đây được coi là phát ngôn mạnh mẽ nhất kể từ khi nhậm chức năm 2008 của Tổng thống Nga Medvedev liên quan đến vấn đề tranh chấp Kuril với Nhật.
Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Seiji Maehara ngay lập tức cảnh báo rằng một chuyến viếng thăm của tổng thống Nga đến quần đảo sẽ gây “tổn hại nghiêm trọng quan hệ”, AFP dẫn tin báo chí Nhật cho hay.
“Chúng tôi đã trao đổi quan điểm của Nhật với phía Nga qua nhiều kênh”, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshito Sengoku phát biểu.
Khi được hỏi có phải Nhật muốn Medvedev tránh xa quần đảo, Sengoku khẳng định: “Nói tóm lại là đúng”.
Konstantin Kosachev, người đứng đầu Ủy ban đối ngoại của hạ viện Nga, nói ông ngạc nhiên với phát ngôn của bộ trưởng Ngoại giao mới của Nhật Bản và cho rằng chúng “gay gắt và không thích hợp”.
“Tổng thống Nga và công dân chúng tôi có mọi quyền để đến các hòn đảo này mà không cần bất cứ sự đồng ý nào, kể cả của phía Nhật Bản”, Kosachev nói.
Kosachev khẳng định ông chắc chắn Medvedev sẽ thăm quần đảo Kuril ngay khi thời tiết cho phép.
Tranh cãi chủ quyền đối với 4 hòn đảo cực nam của chuỗi Kuril là nguyên nhân khiến Liên Xô và Nhật không ký hiệp ước hòa bình, kết thúc chính thức chiến tranh thế giới II. Quan chức hai nước đều nhận định đây là vấn đề khiến quan hệ hai bên không thể đạt được hết tiềm năng, tuy nhiên các cuộc gặp thượng đỉnh trong các năm qua đều không đạt được tiến triển nào về vấn đề này.
Mới đây, Trung Quốc và Nhật Bản cũng căng thẳng xung quanh một vụ va chạm tàu ở một chuỗi đảo tranh chấp mà Nhật gọi là Senkaku, Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Bắc Kinh tuyên bố cắt đứt tiếp xúc cấp cao với Tokyo vì bắt thuyền trưởng đánh cá của nước này. Nhật đã thả thuyền trưởng nhưng Trung Quốc vẫn đòi có một lời xin lỗi chính thức.
Theo Hải Minh
VnExpress