Nga - Nhật đối thoại "gỡ rối" cho đảo Kurils

Ngoại trưởng của Nga và Nhật Bản sẽ gặp nhau tại Mátxcơva vào hôm nay (11.2) để cùng tìm kiếm những giải pháp cho những tranh chấp ngày một căng thẳng xung quanh chủ quyền lãnh thổ của chuỗi quần đảo Kurils.
Ngoại trưởng của Nga và Nhật Bản sẽ gặp nhau tại Mátxcơva vào hôm nay (11.2) để cùng tìm kiếm những giải pháp cho những tranh chấp ngày một căng thẳng xung quanh chủ quyền lãnh thổ của chuỗi quần đảo Kurils.
[links()]

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và người đồng nhiệm Ngoại trưởng Nhật Bản Seiji Maehara gặp nhau tại Hội nghị thượng đỉnh APEC ở Yokohama.

Trên thực tế, cuộc gặp gỡ trong khuôn khổ khép kín giữa Ngoại trưởng Nhật Bản Seiji Maehara và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã được thông báo từ tháng 12 trong bối cảnh vấn đề đảo Kurils chưa được "đào xới" lại mạnh mẽ như hiện nay.

Tuy nhiên, chuyến thị sát tới chuỗi quần đảo Kurils của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Anatoly Serdyukov hôm 4.2 đã châm ngòi cho một cuộc khẩu chiến giữa Mátxcơva và Tokyo xung quanh chủ quyền quần đảo Kurils.

Thủ tướng Nhật Naoto Kan gọi việc Tổng thống Nga Medvedev và một số quan chức nước này tới thăm đảo Kurils là "sự xâm phạm không thể tha thứ được". Còn ông Medvedev trong ngày 9.2 đã ra lệnh điều động thêm vũ khí hiện đại tới quần đảo Kurils để củng cố an ninh quốc phòng tại khu vực này.

Đảo Kunashir thuộc chuỗi quần đảo Kurils đang tranh chấp giữa Nga và Nhật.

Ngoại trưởng Nhật Maehara khẳng định: "Bất kể có bao nhiêu quan chức cấp cao của Nga đến đảo Kurils, bất kể người đó là ai hay bất kể quân đội Nga có tăng hay giảm sự hiện hữu của họ ở khu vực này đi chăng nữa, quan điểm của Nhật Bản không hề thay đổi. Quan điểm của Tokyo vẫn hoàn toàn không bị lung lay".

Tại những cuộc gặp trước đó, Nga và Nhật cố gắng gạt vấn đề tranh chấp lãnh thổ đảo Kurils sang một bên để tìm kiếm những đồng thuận về quan hệ thương mại tại khu vực Thái Bình Dương. Trong khi Nga đề xuất thành lập một đặc khu kinh tế chung, một khu vực mậu dịch tự do ở đảo Kurils để thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản thì Nhật Bản bác bỏ đề xuất trên và không đưa ra một giải pháp nào để xoa dịu căng thẳng lãnh thổ giữa hai bên.

"Trước hết và trên hết chúng tôi hy vọng những người đồng nhiệm bên phía Nhật Bản thay đổi cơ bản quan điểm của họ với Nga", Alexander Lukashevich, phát ngôn viên  Bộ Ngoại giao Nga cho biết.
Theo Lao Động

Đọc thêm