Ngày 26-3, Tổng thống Nga Đmitơri Métvêđép và Tổng thống Mỹ Barắc Ôbama hoàn tất hiệp ước "lịch sử" mới về cắt giảm vũ khí hạt nhân (START mới) của mỗi bên, theo đó kho vũ khí hạt nhân của hai cường quốc hạt nhân này sẽ giảm gần 1/3 trong vòng 10 năm tới.
Sau nhiều tháng tranh luận căng thẳng, lãnh đạo hai nước đã "chốt" lại cái mà Tổng thống Mỹ Ôbama gọi là "thỏa thuận kiểm soát vũ khí toàn diện nhất trong vòng 2 thập niên qua", trong khi Tổng thống Nga Métvêđép đánh giá START mới phản ánh tương quan lợi ích của Nga và Mỹ.
|
Tổng thống Mỹ B.Obama thông báo về START mới |
START mới sẽ được tổng thống hai nước ký tại thủ đô Praha của CH Séc vào ngày 8-4 tới, đồng thời hai ông cho rằng nhiệm vụ trọng tâm sau lễ ký tại Praha là Quốc hội hai nước phê chuẩn START mới. Thư ký báo chí Tổng thống Nga, bà Natalia Timacôva thông báo Tổng thống Métvêđép và Tổng thống Ôbama cũng đã thỏa thuận sẽ thảo luận các vấn đề hợp tác song phương và các vấn đề quốc tế cấp bách trong cuộc gặp tại Praha.
START mới sẽ có hiệu lực trong vòng 10 năm so với thời hạn 15 năm của START-I (ký năm 1991, có hiệu lực năm 1994 và đã hết hiệu lực ngày 5-12-2009), quy định Nga và Mỹ đều sẽ cắt giảm gần 1/3 số đầu đạn hạt nhân, xuống còn 1.550 đơn vị mỗi bên, ít hơn 30% so với quy định trong "Hiệp ước Mátxcơva năm 2002". Hiệp ước mới cũng quy định giảm số phương tiện phóng chiến lược, tên lửa và bom mang đầu đạn hạt nhân của mỗi bên. Theo ước tính của các chuyên gia vũ khí hạt nhân, Mỹ hiện có khoảng 2.150 vũ khí hạt nhân chiến lược đã triển khai và Nga có khoảng 2.600. Ngoài ra, Mỹ còn có khoảng 2.600 đầu đạn dự trữ và 500 vũ khí hạt nhân phi chiến lược.
Tuy nhiên, sự trái ngược trong các tuyên bố của Nga và Mỹ về việc liệu hiệp ước mới có liên quan kế hoạch phòng thủ tên lửa của Mỹ hay không làm dấy lên những lo ngại rằng phe Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ, vốn bảo vệ kế hoạch phòng thủ tên lửa, có thể ngăn cản hiệp ước này. Trong khi Lầu Năm Góc tuyên bố START mới không ngăn cản Mỹ triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD) thì Điện Cremli lại quả quyết văn kiện này quy định trách nhiệm pháp lý của sự gắn kết giữa vũ khí tiến công chiến lược và vũ khí phòng thủ chiến lược. Ngoại trưởng Nga Xécgây Lavrốp nêu rõ rằng Mátxcơva có thể rút khỏi thỏa thuận nếu như Oasinhtơn đi quá xa với kế hoạch phòng thủ tên lửa của mình bằng việc thiết lập NMD tại Đông Âu.