Sáng qua (24/2), đại diện của hơn 60 nước đã nhóm họp tại Tunis, Tunisia để xác định kế hoạch trợ giúp nhân đạo quốc tế đối với nhân dân Syria và tăng sức ép lên Damas. Tuy nhiên, Nga và Trung Quốc đã tẩy chay hội nghị quốc tế này.
Ngoại ô thành phố Homs bốc cháy trong bom đạn hôm 22/2. |
Do Liên đoàn Ả rập tổ chức, hội nghị quốc tế nói trên tụ hội tất cả các quốc gia Ả rập và phương Tây liên quan tới “hồ sơ Syria”, cũng như đại diện của phe đối lập ở Syria. Theo một bản thảo tuyên bố cuối cùng, hội nghị kêu gọi chính quyền Damascus thực hiện ngừng chiến ngay lập tức và cho phép các tổ chức nhân đạo vào giúp đỡ nhân dân Syria, đặc biệt tại Homs, nơi bị bắn phá không dứt kể từ hơn 20 ngày nay.
Một bản kế hoạch trợ giúp quốc tế cũng được đề xuất và chính quyền Syria sẽ phải trả lời vấn đề này, một quan chức cấp cao Mỹ cho biết. Trong khi đó, Ngoại trưởng Pháp Alain Juppé nhấn mạnh rằng mục tiêu của hội nghị ở Tunis là “đưa ra vấn đề trợ giúp nhân đạo”. Pháp vẫn giữ quan điểm về “hành lang nhân đạo” mà không được Nga đồng tình.
Theo các tổ chức phi chính phủ, hơn 7.600 người đã thiệt mạng ở Syria kể từ 11 tháng qua. Hội nghị Tunis lần này mong muốn khẳng định sự ủng hộ với kế hoạch của Liên đoàn Ả rập, trong đó dự kiến những giai đoạn chuyển tiếp dân chủ ở Syria. Tuy nhiên, sự vắng mặt của đại diện Nga và Trung Quốc bao trùm lên không khí của hội nghị. Hai nước này luôn ủng hộ Damascus và đã hai lần phong tỏa nghị quyết lên án cuộc trấn áp ở Syria tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc,.
Hôm 23/2, Nga và Trung Quốc vẫn tái khẳng định quan điểm cứng rắn của mình, đồng thời phủ nhận mọi sự “can thiệp” vào Syria. Trước thềm hội nghị, Nga đã tiến hành nhiều cuộc vận động quốc tế: Tổng thống Nga Dmitry Medvedev điện đàm với Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad và hai bên cùng nhất trí chỉ có thể giải quyết khủng hoảng Syria bằng các biện pháp hòa bình và phản đối can thiệp nước ngoài vào công việc nội bộ của Syria; Tổng thống Medvedev điện đàm với Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki và hai bên khẳng định không chấp nhận nước ngoài can thiệp vào Syria.
Trong khi đó, hôm trước hội nghị ở Tunis, Liên Hợp Quốc và Liên đoàn Ả rập đã cùng bổ nhiệm cựu lãnh đạo Kofi Annan làm đặc phái viên về Syria vào nhằm gây sức ép lên chính quyền của Tổng thống Bachar al-Assad để ngăn chặn vòng xoáy bạo lực leo thang ở nước này. Thông cáo chung của hai tổ chức này cho biết, đặc phái viên Kofi Annan sẽ là đại diện cấp cao của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon và Tổng thư ký AL Nabil el-Arabi.
Trong bối cảnh phẫn nộ về cái chết của hai nhà báo phương Tây và những báo cáo về tình hình dân thường thiệt mạng, ông Annan đã kêu gọi chấm dứt “bạo lực và vi phạm nhân quyền, cũng như thúc đẩy một biện pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng ở Syria”.
Trên “chiến trường” Syria, sáng qua các cuộc bắn phá vẫn diễn ra không dứt khiến ít nhất 2 dân thường thiệt mạng tại khu nổi dậy Baba Amr, thuộc thành phố Homs, nơi bị bom dội suốt gần 3 tuần nay. Như vậy, riêng tại Homs, số người chết trong các cuộc không kích lên tới hàng trăm người.
Phúc Lợi (Theo AFP, AP)