Nga: Vụ kiện đòi quyền sở hữu điện Kremlin

Dư luận nước Nga đang bàn tán xôn xao về vụ kiện gây chấn động, hi hữu, ngộ nghĩnh và khó tin nhất trong suốt lịch sử xứ bạch dương thời đương đại sau khi Tòa án trọng tài Moskva thụ lý đơn kiện của ông Valery Kubarev...

Dư luận nước Nga đang bàn tán xôn xao về vụ kiện gây chấn động, hi hữu, ngộ nghĩnh và khó tin nhất trong suốt lịch sử xứ bạch dương thời đương đại sau khi Tòa án trọng tài Moskva thụ lý đơn kiện của ông Valery Kubarev, Chủ tịch Quỹ Các hoàng tử vì tiến bộ của sự đồng lòng quốc gia và tôn giáo (Quỹ Công quốc).

Mô tả ảnh.

Chủ tịch Valery Kubarev.

Cho đến nay Chính phủ Nga, Bộ Văn hóa và Cơ quan Di sản Liên bang Nga đều chưa có phản ứng gì xung quanh đơn kiện của ông Valery Kubarev. Về phần mình, luật sư của Chính phủ Nga coi đây là một trò hề ngớ ngẩn.

Trong đơn kiện, ông Valery Kubarev yêu cầu Chính phủ Nga trả lại Điện Kremlin cùng những công trình kiến trúc ở Kremlin. Vụ việc càng trở nên “hấp dẫn” sau khi Chủ tịch Valery Kubarev đưa ra tuyên bố lúc kết thúc phiên làm việc đầu tiên (để xem xét đơn kiện) với Tòa án trọng tài Moskva - Tòa chấp thuận yêu cầu của nguyên đơn về việc đòi bị đơn xuất trình các chứng thư và hồ sơ địa chính của các chủ thể trên đất Kremlin ở Moskva. Và tòa tuyên bố rằng (hôm 16/8), bị đơn (gồm Chính phủ Nga, Bộ Văn hóa và Cơ quan Di sản Liên bang) phải đệ trình những giấy tờ kể trên ở phiên tranh tụng và tiếp theo, dự kiến diễn ra vào ngày 18/10 tới đây.

Ông Valery Kubarev cho rằng, Điện Kremlin chưa bao giờ được mua lại hay bị lấy đi một cách chính thức khỏi tay dòng họ Rurik, do đó chính quyền Liên bang không có quyền sở hữu hợp pháp đối với nó.

Theo giới truyền thông, từ nay đến thời hạn 18/10 (theo như lời ông Valery Kubarev), Quỹ Công quốc sẽ kiện để đòi thêm một số chủ thể bất động sản lịch sử khác như đòi thừa nhận quyền của gia tộc Quận vương đối với đa số các thành trì cổ ở Nga. Trong đó đáng chú ý nhất là các tòa lâu đài Volokolamski, Dmitrovski, Mozhaiski, Kolomenski. Theo tờ Rossikaya Gazeta, ngày 18/8, Tòa án trọng tài Moskva đã yêu cầu Cơ quan Di sản Liên bang và Bộ Văn hóa đưa ra các tài liệu chứng minh quyền sở hữu Điện Kremlin trước ngày 14/9.

Giới luật gia cho rằng, Quỹ Công quốc đã chuẩn bị khá đầy đủ những giấy tờ cần thiết trước khi đâm đơn kiện. Nhưng điều đáng nói là Quận vương không có bất cứ quyền gì đối với những chủ thể kể trên. Hơn nữa, những tài sản này chưa từng thuộc về dòng họ Riurikovich, do đó không thể có chuyện bồi hoàn. Xét về lịch sử, triều đại gia tộc Riurikovich là hậu duệ của những tên cướp biển thuộc xứ Scandinavo đã kết thúc vai trò thống trị từ đầu thế kỷ XVII. Kể từ đó đến nay, hậu duệ của họ chỉ  là những cá thể thuộc dòng dõi quý tộc. Ngay từ thời Sa hoàng cũng chưa có ai đưa ra ý tưởng này.

Được biết, dòng họ Rurik đã cai trị nước Nga từ thế kỷ thứ IV đến năm 1598 và từng sở hữu Điện Kremlin. Công tước Rurik đã sáng lập ra quốc gia Kievan Rus, tiền thân của nước Nga và con cháu của ông đã cai trị đến năm 1598 trước khi bị thay thế bởi vương triều Romanov. Đây là vương triều cầm quyền đầu tiên ở Nga.

Luật sư của Quỹ Các hoàng tử vì tiến bộ của sự đồng lòng quốc gia và tôn giáo Igor Rodnov khi được hỏi cũng thừa nhận rằng, thân chủ của mình không có cơ may để thắng kiện. Ông Valery Kubarev là một trong những hậu duệ của đế chế Nga cổ  Riurikovich (có chứng nhận của Hoàng gia  Riurikovich thuộc vương triều Tây Ban Nha) và những thứ được liệt kê trong danh sách đòi tài sản lên tới con số 89 và số bất động sản không những nằm trên lãnh thổ Nga, mà cả ở Ukraina và Ba Lan.

Ngay sau khi thông tin về vụ kiện được loan tải, giới bình luận cho rằng, mục đích của vụ kiện nhằm tạo danh tiếng và uy tín cho cá nhân Chủ tịch Valery Kubarev cũng như Quỹ Công quốc được thành lập cách đây hơn 1 năm (tháng 5/2009) và tới nay chẳng ai biết tới sự tồn tại của nó sau khi có vụ kiện của Chủ tịch Valery Kubarev. Một luật sư cho rằng, Chủ tịch Valery Kubarev đã phát đơn kiện sau khi Chính phủ Nga tiến hành trao trả một số tòa nhà và cơ ngơi cho Giáo hội Chính thống Nga. Có người cho rằng, ông Valery Kubarev muốn cảnh báo về tình trạng "biến mất" của các tòa pháo đài cổ ở Nga. Chỉ riêng trong năm 2010, “bà hỏa” đã thiêu trụi 2 trong số 7 tòa tháp của Kremlin Pskov. Trước đó, nhiều vụ cháy cũng đã xảy ra tại một số di tích thành cổ.

Mô tả ảnh.

Điện Kremlin ở Moskva.

Tờ Rossiiskaia Gazeta dẫn lời một luật sư cho biết một thực tế: Điện Kremlin tuy là tài sản của Nhà nước Nga, nhưng cho tới thời điểm hiện tại, công trình kiến trúc lịch sử này vẫn chưa đăng ký quyền sở hữu và đây là một điểm được Chủ tịch Valery Kubarev theo bám. Thậm chí có tài liệu còn nói, xét về mặt pháp lý thì Điện Kremlin không thuộc tài sản của ai. Điện Kremlin là một pháo đài kiên cố được xây dựng từ năm 1475 và là nơi dừng chân của Nga hoàng khi đến Moskva. Nói tới Điện Kremlin không thể bỏ qua Quảng trường Đỏ bởi đây được coi là trung tâm văn hóa và chính trị qua nhiều giai đoạn lịch sử của nước Nga.

Theo sử sách, Quảng trường Đỏ (chữ Đỏ có nghĩa là đẹp) được xây dựng từ thế kỷ XVI. Phía trong khuôn viên của Điện Kremlin có rất nhiều tòa đại giáo đường. Điện Kremlin tạm thời không phải là trung tâm quyền lực sau khi Peter Đại đế dời đô về Saint Petersburg năm 1711. Nhưng dưới thời Catherine Đại đế, Điện Kremlin một lần nữa trở thành đối tượng chú ý. Sau cuộc cải cách hệ thống pháp lý năm 1763, Moskva là thủ đô thứ hai, được chỉ định là trụ sở của hai trong số những cơ quan pháp lý tối cao. Và kể từ năm 1918 đến nay, Điện Kremlin một lần nữa trở thành trung tâm quyền lực ở nước Nga

Theo antg-cand.com.vn

Đọc thêm