(PLO) - Những khó khăn khi sống trên những "tổ chim" giữa biển khơi bao la, đối mặt với bão tố, cuồng phong hay hoạt động xâm lấn của tàu lạ không vì vậy mà khiến nụ cười của những người lính Hải quân ở khu vực nhà giàn DK1 bớt tươi khi nhìn thấy những chuyến tàu từ đất liền ghé thăm.
DK1 là viết tắt của cụm Dịch vụ - Kinh tế - Khoa học - Kỹ thuật được xây dựng dưới dạng các nhà giàn, trên thềm lục địa phía Nam của Việt Nam, cách đất liền khoảng 250 - 350 hải lý.
Những cụm nhà giàn (DK) được hiểu như công trình phục vụ mục đích dân sự trên biển. Số 1 chỉ những nhà giàn ở vòng ngoài cùng, xa nhất, so với phía gần đất liền hơn là hệ thống DK2.
Cụm nhà giàn DK1 đóng chốt trên các bãi cạn Quế Đường, Phúc Nguyên, Tư Chính, Phúc Tần, Ba Kè. Khu vực biển DK1 có đáy là một bãi thoải từ bờ kéo dài ra đến độ sâu 200, sau đó độ sâu đáy biển biến đổi nhanh, có 9 vị trí bãi ngầm được đặt tên: Tư Chính, Phúc Nguyên, Phúc Tần, Huyền Trân, Quế Đường, bãi Vũng Mây, bãi Ba Kè, bãi Đất, bãi Đinh.
|
Những nhà giàn cắm chân giữa trùng khơi, canh giữ thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Mỗi nhà giàn như vậy cao hơn 30m so với mực nước biển, độ sâu từ chân nhà giàn trên mặt biển tới đáy san hô chừng 20-25m. Hệ thống cọc móng của nhà giàn cắm sâu từ bề mặt đáy san hô xuống 30-40m nữa để giữ vững cho nhà giàn, |
"
Chúng tôi mãi không thể nào quên sự hung dữ và sức tàn phá khủng khiếp của bão tố đại dương vào những năm 1990, 1996, 1998 và năm 2000 đã làm đổ một số nhà giàn, nơi cán bộ, chiến sỹ Hải quân chúng ta đang có mặt thực thi nhiệm vụ...", Chuẩn đô đốc Đỗ Minh Thái, trưởng đoàn công tác số 6 không kìm được nước mắt khi nói về sự hy sinh của hàng chục cán bộ, chiến sỹ Hải quân canh giữ nhà giàn khi tàu KN 490 neo lại ở bãi Phúc Tần, đưa đoàn công tác lên thăm DK1/17 và DK1/18, ngày 26/4/2016.
Những hình ảnh về cuộc sống của người lính Hải quân ở nhà giàn được PLO ghi lại:
|
Để tiếp cận nhà giàn là việc đặc biệt khó khăn do sóng lên xuống không ổn định. Rất nhiều chuyến tàu vào mùa mưa bão khi ra tới đây đã không thể tiếp cận, và những tiếng hát được cất lên giữa trùng khơi gửi lời chào từ đất liền tới cán bộ, chiến sỹ cắm chốt ở nhà giàn chỉ có thể truyền qua... bộ đàm. |
|
Vì vậy, vào mùa tháng 4 đến tháng 6 hàng năm, các chuyến công tác ra Trường Sa mọi người đều cố gắng ghé thăm. Một thuyền trưởng đi biển lâu năm ở vùng 2 Hải quân cho hay, đến được với nhà giàn còn nhờ rất nhiều vào sự may mắn nữa. |
|
Những bậc cầu thang dựng ngược, nằm trên mực nước biển chừng 5 - 10m. Khi sóng dềnh lên là tay phải bắt chặt vào bậc cầu thang sắt, chân trèo lên vội. Nếu chỉ cần một giây ngần ngại thì sóng biển sẽ ném người xuống biển, nếu chân không kịp rời thuyền chuyển tải. |
|
Vì vậy mỗi chuyến xuồng đưa người lên nhà giàn luôn là một cuộc cân não với thiên nhiên. |
|
Nhưng khi đã bước chân lên tới nhà giàn, bạn sẽ gặp những nụ cười tươi rói của lính Hải quân. Đối với họ, tình cảm nồng ấm của người từ đất liền ra là món quà lớn nhất. Mỗi chuyến tàu tới gần với nhà giàn nghĩa là đất liền đang ở rất gần với họ. |
|
Để tiếp cận được với cuộc sống của nhữn người lính ở nhà giàn, luôn là thử thách đối với những người sợ độ cao |
|
Chênh vênh trên những "tổ chim" giữa trùng khơi, dưới chân họ chỉ có biển. Một cuộc sống xoay quanh vài chục m2 mỗi tầng hằng ngày và mấy trăm bậc cầu thang sắt lên xuống quanh năm. |
|
Những cây ớt trổ quả khiến khung cảnh trở nên yên bình hơn. |
|
Rau xanh luôn là một thử thách đối với những người sống trong vùng khí hậu chỉ có muối, nước mặn, và nắng rát quanh năm, khi lượng nước ngọt quá hiếm hoi. |
|
Nên mọi khoảng diện tích đều được tận dụng để trồng rau, tự cung tự cấp tại chỗ. |
|
Một chú lợn hiếm hoi được nuôi lớn ở nhà giàn. |
|
Đoàn kiều bào từ Hàn Quốc, gồm những du học sinh, nghiên cứu sinh rất trẻ, đã hiện thực hóa ý tưởng của họ sau chuyến đi 2015: Tặng cho các điểm đảo chìm, nhà giàn, những tấm pin mặt trời cung cấp năng lượng để chạy máy hút ẩm không khí tạo nước ngọt. |
|
Nguyễn Văn Chính, thành viên Quỹ vì chủ quyền biển đảo Việt Nam, từ Hàn Quốc về, kiêm luôn nhiệm vụ lắp đặt thiết bị cho các điểm đảo chìm, và nhà giàn. Công việc của Chính sau mỗi lần lên đảo không phải là đi thăm thú hay chụp ảnh, mà là lăn lưng ra lắp ráp thiết bị, vì thời gian lên thăm các điểm đảo hay nhà giàn thường rất hạn chế do phụ thuộc vào giờ lên xuống của thủy triều. |
|
Cuộc sống của hàng chục người đi canh thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc giản dị như thế này. |
|
Muốn đến gần được với cuộc sống của người lính giữ nhà giàn, buộc mọi khách từ 22 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đoàn kiều bào của chuyến công tác số 6 (năm 2016), phải chấp nhận thử thách leo trèo liên tục trên những bậc cầu thang hẹp, gần như dựng đứng. |
|
Sóng biển dưới chân nhà giàn luôn thường trực nguy hiểm, vì không ai đoán định trước được, thay đổi hàng giờ. Trong khi tiếp cận nhà giàn chỉ có "điểm sống và điểm chết", theo cách gọi của lính hải quân. |
|
Mang được máy hút độ ẩm không khí tạo nước ngọt ra Trường Sa đã là một kỳ công của đoàn kiều bào Hàn Quốc. Trần Hải Linh (áo đỏ), Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc cho biết, những món quà mà các anh mang ra Trường Sa tặng các điểm đảo và nhà giàn đang là bước thử nghiệm thực tế cho một ước mơ lớn hơn và lâu dài hơn giành cho Trường Sa. |
|
Sống cheo leo giữa biển khơi, những người lính nhà giàn luôn "sẵn sàng hy sinh" để giữ vững cột một chủ quyền của Tổ quốc trên thềm lục địa phía Nam. |