Ngẫm nghĩ chuyện lương

Chuyện lương hiện nay càng nghĩ càng thấy nhiều chuyện phải suy ngẫm, và càng suy ngẫm càng thấy có quá nhiều chuyện khó giải thích. Cuối năm âm lịch, nhân chuyện thưởng của các doanh nghiệp mà trăn trở vài chuyện nho nhỏ về chuyện lớn là chuyện lương.

Chuyện lương hiện nay càng nghĩ càng thấy nhiều chuyện phải suy ngẫm, và càng suy ngẫm càng thấy có quá nhiều chuyện khó giải thích. Cuối năm âm lịch, nhân chuyện thưởng của các doanh nghiệp mà trăn trở vài chuyện nho nhỏ về chuyện lớn là chuyện lương.

Ai cũng biết lương là khoản trả cho sức lao động đã hao phí của người lao động. Theo lý thuyết, khoản gọi là lương này bao gồm: chi phí đào tạo (tùy theo ngành, nghề, thời gian học tập, trình độ thành thạo…), chi phí mua hàng tiêu dùng nhằm bảo đảm đời sống (vật chất, tinh thần và văn hóa) cho bản thân và gia đình của người lao động…  Khoản thu nhập trên thường xác định bằng thu nhập danh nghĩa gọi là lương, song bao giờ cũng phải được “quy” ra bằng một lượng thu nhập thực tế cho người làm công. Nhà nước và các doanh nghiệp, nói chung đều phải vận dụng để bảo đảm việc trả lương theo nguyên tắc cơ bản nói trên. Việc trả lương chính là duy trì hoạt động bình thường của bộ máy.

Tuy nhiên trên thực tế có một nghịch lý tồn tại lâu nay mà ai cũng biết, nhưng việc sửa đổi xem ra chưa thể sớm và căn bản được. Trước hết, là chi phí cho việc đào tạo và khoản tiền lương của người lao động được nhận. Không tính phần phí tổn của giai đoạn phổ thông, riêng thời gian học đại học trong điều kiện bình thường và phổ biến hiện nay, nếu nhà có con đi học ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, thì mỗi tháng ít nhất cũng phải tốn bình quân 3 triệu đồng, không kể tiền tàu xe hằng năm. Còn nếu ai đi học nước ngoài, nếu không có học bổng thì tùy theo nước, chí ít học phí cũng phải tốn khoản 10 lần mức trong nước nói trên. Ấy là số may mắn trúng tuyển đại học. Bốn năm đèn sách, với biết bao gian khó, bao nhiêu tốn kém, nhưng điều lạ là khi ra trường, cái khoản lương này mới thật là điều suy ngẫm.

Nếu may mắn được tuyển vào một cơ quan Nhà nước nào đó, thì mức lương khởi điểm hiện nay là 2,34 lần mức lương căn bản (hiện nay là 730.000 đồng), và năm đầu chỉ nhận 85% của mức khởi điểm trên. Vị chi mỗi tháng được nhận khoảng hơn 1,8 triệu đồng/tháng. Hiện nay, tùy theo cơ quan, mức trả lương nói trên có một số ưu đãi nhất định. Song trên phạm vi chung, thì cái bất hợp lý của việc tính toán để trả lương như nói trên, có lẽ phải là điều cần sớm khắc phục.

Việc thu hút người giỏi vào trong cơ quan Nhà nước, đã đến lúc phải đối mặt với một thực tế: Người giỏi sẽ không mặn mà, trong khi đó các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nước ngoài đang ngày đêm mong ngóng những Sinh viên giỏi và ngay từ khi còn ở giảng đường đại học, họ đã âm thầm hoặc công khai cấp học bổng và tạo điều kiện thuận tiện trong việc tiếp cận môi trường làm việc mới. Nếu không cải tiến căn bản tiền lương, cái bất hợp lý giữa chi phí đào tạo với thu nhập thực tế sẽ dẫn tới nhiều hệ quả không tích cực. Tình trạng năng suất lao động thấp, tính chuyên nghiệp và nhất là sự toàn tâm toàn ý cho công việc, cho việc phục vụ của công bộc sẽ khó cải thiện nếu lương vẫn như hiện nay. Dĩ nhiên, đây mới nói về thu nhập người mới ra trường, chứ còn những bất hợp lý của lương sẽ còn nhiều chuyện rất đáng bàn nữa.        

Nghị Văn

Đọc thêm