Ngẫm từ câu chuyện văn hóa gây tranh cãi

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Một chuyện không đâu và không nên có đã diễn ra vào mấy ngày Tết. Từ một bài viết trên trang cá nhân của một nghệ sỹ tên tuổi và được nhiều người yêu mến, nhiều người cho rằng câu chuyện này “mang tính ngụ ngôn”, thể hiện thái độ của nghệ sĩ phản ứng trước sự chê bai tác phẩm của anh từ khán giả.
Nhà văn viết truyện ngụ ngôn nổi tiếng thế giới La Phong-ten có những tác phẩm để đời bởi trong những câu chuyện của ông đầy tính nhân văn
Nhà văn viết truyện ngụ ngôn nổi tiếng thế giới La Phong-ten có những tác phẩm để đời bởi trong những câu chuyện của ông đầy tính nhân văn

Lời lẽ trong bài viết khiến nhiều người bất bình. Ngoài những phát biểu, ý kiến, bình luận theo kiểu “ném đá” phong trào thì rất đáng chú ý là có những bài viết nghiêm túc từ những người có tiếng hoạt động trong lĩnh vực văn hóa – nghệ thuật hoặc các nhà văn, học giả, trong đó có cả những đồng nghiệp của anh. Họ phê phán sự ngạo mạn, coi thường khán giả và không đồng tình với thái độ đó.

Cũng có một số ít ý kiến bênh vực người nghệ sỹ này. Tuy nhiên, sự bênh vực đó rất yếu ớt, không đủ ngăn cản một cơn bão bất bình từ phía dư luận với đông đảo người “góp gió”. Đáng nói là có ý kiến bênh vực từ phía một luật gia, cho rằng bài viết của nghệ sĩ trên “không đủ căn cứ” để cho rằng anh “chửi” khán giả “ăn cháo đá bát”. Luật sư đã lấy những nguyên tắc của luật hình sự để “bào chữa” cho nghệ sĩ trên, kêu gọi mọi người hãy “suy đoán vô tội”. Tuy nhiên, có ít người đồng cảm với ý kiến đó và cho rằng luật sư không nên áp dụng những nguyên tắc của luật hình sự để lý giải chuyện ứng xử thuộc đạo đức nghề nghiệp.

Trước áp lực từ dư luận xã hội và cả cấp trên, người nghệ sỹ viết câu chuyện được cho là “ngụ ngôn” gây tranh cãi trên đã lên tiếng xin lỗi, song lời xin lỗi ấy như “đổ dầu vào lửa”, bởi anh chỉ xin lỗi việc gây ra “hiểu lầm” với một số khán giả.

Sự việc này khiến người ta liên tưởng đến trường hợp xảy ra cách đây chưa lâu với một nghệ sỹ khá tên tuổi, cũng chỉ vì vài dòng viết trên Facebook mà anh mất cả chức vụ lẫn sự tin yêu từ công chúng.

“Sự cố” này đã để lại một bài học về văn hóa ứng xử, về thể hiện cái tôi, về cách tôn trọng người khác. Từ câu chuyện không đáng có này, nhiều người cũng cần xem lại việc tiếp nhận sự khen chê một cách cầu thị và khiêm nhường.

Nhà văn viết truyện ngụ ngôn nổi tiếng thế giới La Phong-ten có những tác phẩm để đời bởi trong những câu chuyện của ông đầy tính nhân văn và dạy người ta cách xử thế đúng đắn, cũng như việc phân biệt tốt xấu. Học được từ ông, dù một phần thôi cũng rất khó!

Đọc thêm