Ngẫm từ chuyện ca sĩ “sa lưới” pháp luật

(PLVN) - Câu chuyện một ca sĩ “thần tượng” ở Trung Quốc vừa “sa lưới” pháp luật đã gây xôn xao làng giải trí châu Á. Đây cũng là sự cảnh tỉnh cho những ngôi sao trẻ đang được tung hô nổi tiếng nhưng không trau dồi tài năng và đạo đức.
Người hâm mộ đòi hỏi các “ngôi sao” cần trau dồi cả tài năng và đạo đức.

Ở những quốc gia có ngành giải trí phát triển hàng đầu châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, sự nổi tiếng mang lại cho nghệ sĩ những “quyền lực vô hình”: được các nhà sản xuất săn đón, thu nhập khổng lồ và sức ảnh hưởng lớn trong cộng đồng người hâm mộ...

G-Dragon, nam ca sĩ thần tưọng của Hàn Quốc lập kênh Youtube, dù không đăng một video nào vẫn có hơn 2 triệu người theo dõi - một con số nhiều người đổ tiền phát triển kênh Youtube cũng phải mơ ước. Ngô Diệc Phàm, nam ca sĩ thần tượng Trung Quốc vừa dính lùm xùm vi phạm pháp luật mới đây, từ năm 2015 đã lập kỉ lục Guiness vì có lượng người bình luận nhiều nhất trong bài viết ca sĩ này đăng tải.

Nhưng càng là “sao” lớn, sự đòi hỏi của người hâm mộ về đạo đức, hành xử chuẩn mực với họ càng cao hơn. Dư luận đã chứng kiến hàng loạt “sao” như Ji Soo, Na Eun, Yunho, Seungri... bị tẩy chay vì có hành vi bạo lực học đường, quấy rối tình dục, vi phạm các quy tắc xã hội...

Tại Trung Quốc, các hình phạt dành cho những ngôi sao thiếu đạo đức ngoài sự tẩy chay của công chúng còn là các lệnh “phong sát” được ban hành từ các cơ quan quản lý. Lệnh “phong sát” chính là cách trừng phạt triệt để nhất khi các ngôi sao hầu như bị đẩy ra khỏi làng giải trí và khó có đường về. Có thể thấy qua các trường hợp của Phạm Băng Băng sau scandal trốn thuế, Trịnh Sảng sau scandal phi đạo đức, mới đây là Ngô Diệc Phàm với tố cáo liên quan đến lạm dụng tình dục....

Tại Việt Nam, có không ít nghệ sĩ cũng được hưởng “đặc lợi” từ sự nổi tiếng. Lượng người hâm mộ lớn, sức ảnh hưởng trên mạng xã hội, thu nhập “khủng” từ các hợp đồng quảng cáo... Tuy nhiên, một số nghệ sĩ thời gian qua đã lộ dấu hiệu bất ổn trong đạo đức và lối sống.

Có người lợi dụng sự hâm mộ của công chúng để trục lợi bán hàng lậu, hàng giả, nhận tiền quảng cáo những sản phẩm kém chất lượng. Một số bị nghi trục lợi từ hoạt động từ thiện, tạo scandal để nổi tiếng, lôi kéo người hâm mộ tham gia cờ bạc, tiền ảo, phát ngôn thiếu trách nhiệm, tung tin giả, gây hoang mang, chia rẽ cộng đồng.

Một số nghệ sĩ trẻ, hoặc không phải nghệ sĩ nhưng vẫn tham gia “làng” giải trí, có chút tiếng tăm nhưng có lối sống lệch lạc và cổ súy cho lối sống ấy, tôn vinh giá trị vật chất, sao chép, đạo nhái, biến tác phẩm nghệ thuật của người khác thành của mình... Một số nghệ sĩ đã phải đứng trước sự phẫn nộ của dư luận, phải trả giá cho hành vi của mình.

Người hâm mộ thời nay không mù quáng tôn sùng “thần tượng”. Họ có nhiều kênh để kiểm tra thông tin, tìm kiếm sự thật, đẩy mạnh các làn sóng tẩy chay, có các cơ quan quản lý văn hóa sẵn sàng vào cuộc trước những sai phạm lớn nhỏ của nghệ sĩ. Không nghệ sĩ nào có thể “bình chân như vại” một cách lâu dài nếu đã có hành vi lệch chuẩn đạo đức, vi phạm pháp luật. Thời đại càng phát triển, nghệ sĩ muốn tồn tại trong lòng người hâm mộ càng phải bồi dưỡng tài năng và giữ chuẩn mực trong đạo đức, lối sống.

Đọc thêm