Từ cuối năm 2000, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình thành phố “5 không”, trong đó có chương trình “Không có người lang thang xin ăn”. Đến nay, chương trình đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, thỉnh thoảng lại nổi lên vấn nạn ăn xin trá hình, con số không nhiều và hoạt động lẻ tẻ, nhưng lại ảnh hưởng đến quá trình thực hiện chương trình này.
|
|||
Một hình thức ăn xin trá hình ở ga Đà Nẵng. |
Những đối tượng của nạn ăn xin trá hình thường là người hành nghề đánh giày, bán sách báo, bán vé số dạo và bán hàng rong. Họ lợi dụng những nơi đông người, thường là các điểm dịch vụ ăn uống, giải khát, khu vui chơi, khu du lịch, nhà ga, bến xe, bệnh viện, chùa chiền, các trục đường chính của thành phố…, vừa bán vừa xin, hoạt động rất tinh vi và di chuyển liên tục, gây phiền hà cho khách và khó khăn cho cả lực lượng chức năng trong việc phát hiện, xử lý.
Theo Phòng Bảo trợ xã hội - Bảo vệ chăm sóc trẻ em thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, từ năm 2001-2009, Sở đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng và Đội Cảnh sát Trật tự - Cơ động thuộc Công an thành phố và Công an các địa phương tổ chức tập trung đối tượng lang thang xin ăn một cách thường xuyên, liên tục. Cùng với công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức, công tác ngăn ngừa tình trạng người lang thang xin ăn cũng được lồng ghép vào chương trình kinh tế-xã hội của các địa phương như: Chương trình xóa đói giảm nghèo, chương trình dạy nghề và tạo việc làm, chương trình giải quyết trẻ em lang thang, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh khó khăn…; giải quyết các chính sách xã hội đối với người già cô đơn, người tàn tật, trẻ mồ côi, người trong các hộ nghèo kết hợp các hoạt động từ thiện, nhân đạo.
Tuy vậy, việc quản lý các đối tượng lang thang xin ăn hiện tại vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn, nhất là các đối tượng xin ăn trá hình. Các đối tượng này chủ yếu đến từ các địa phương khác. Ban ngày họ đi bán dạo, “kết hợp” xin ăn, tối về thuê phòng trọ hoặc ra các vùng ngoại thành để ngủ nhằm đối phó với việc tập trung của các ngành chức năng. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, tại các chùa lớn trên địa bàn thành phố, có một số người già yếu, tàn tật hoặc giả tàn tật trà trộn với những người bán hàng rong trong khu vực các chùa để lợi dụng xin ăn.
Khi lực lượng chức năng hoặc Tổ thường trực 550 đến thì số đối tượng này lại chuyển sang buôn bán nhang hoặc vé số nên rất khó cho công tác tập trung, phân loại đối tượng. Thêm vào đó, vấn đề quản lý các nhà trọ, quản lý hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng vẫn còn nhiều vấn đề phức tạp; sự phối hợp của các tỉnh bạn trong công tác ngăn ngừa, giải quyết người lang thang xin ăn chưa chặt chẽ, có nơi sau khi tiếp nhận đối tượng về địa phương không có biện pháp quản lý, dẫn đến tình trạng tái diễn lang thang xin ăn ở địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Nhằm giải quyết có hiệu quả hơn tình trạng này, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố vừa tổ chức cuộc họp với các ngành chức năng và địa phương để bàn biện pháp phối hợp xử lý đối tượng ăn xin biến tướng trên địa bàn thành phố. Sau khi bàn bạc các phương án, cuộc họp đã đi đến thống nhất việc xây dựng một kế hoạch liên ngành: Lao động-Thương binh và Xã hội, Công thương và Công an để phối hợp xử lý nhằm tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục, quản lý địa bàn, quản lý đối tượng; phát hiện và xử lý kịp thời đối tượng trên để bảo đảm an ninh trật tự, mỹ quan đô thị trên địa bàn thành phố. Nội dung chủ yếu của kế hoạch này là đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến Nghị định 39/2007/NĐ-CP, Chỉ thị 22/2007/CT-UBND, Chương trình thành phố “5 không”, Đề án “Không có người lang thang xin ăn đến năm 2015” đến mọi người dân; triển khai đăng ký cam kết không để xảy ra tình trạng buôn bán hàng rong kết hợp xin ăn trong các cơ sở kinh doanh, dịch vụ, du lịch, nơi công cộng trên địa bàn; kiểm tra, quản lý tạm trú, tạm vắng tại các nhà trọ, nhà cho thuê… ngăn chặn tình trạng người ngoài địa phương đến thành phố để bán hàng rong kết hợp xin ăn; rà soát, phân loại, nắm danh sách đối tượng buôn bán hàng rong ở các địa phương để tuyên truyền nâng cao nhận thức và quan trọng là hướng dẫn, giúp đỡ họ chuyển đổi ngành nghề, ổn định cuộc sống; thành lập tổ phối hợp liên ngành thường xuyên kiểm tra, kiểm soát trên địa bàn, đặc biệt tại các đường phố chính, các khu du lịch, bến xe, bến tàu, nơi công cộng…
Tất cả các lực lượng đều được huy động để tham gia vào quá trình xóa bỏ hoàn toàn nạn lang thang xin ăn trong thành phố vào năm 2015. Tuy nhiên, để có được kết quả này không phải dễ, đòi hỏi không chỉ cố gắng của chính quyền và các lực lượng có liên quan mà phải có sự kết hợp mạnh mẽ của người dân. Vì mục tiêu chung, mỗi người dân cũng cần góp phần ngăn chặn có hiệu quả hơn những hiện tượng biến tướng của “lang thang xin ăn”.
Bài và ảnh: LOAN PHƯƠNG