Ngân hàng, doanh nghiệp cùng "đau đầu" với lãi suất

Tổng giám đốc một NHTMCP thừa nhận rằng NH ông niêm yết LS cao nhất chỉ là 12,8%/năm, nhưng nhân viên có thể thỏa thuận với khách tăng LS tiền gửi lên đến 14%/năm.
 

Tổng giám đốc một NHTMCP thừa nhận rằng NH ông niêm yết LS cao nhất chỉ là 12,8%/năm, nhưng nhân viên có thể thỏa thuận với khách tăng LS tiền gửi lên đến 14%/năm.

Ngân hàng không đưa lãi suất tiền đồng lên cao thì không huy động được, nhưng khi lãi suất cho vay tăng cao thì doanh nghiệp gặp khó khăn. Lãi suất đang là bài toán khó đối với cả ngân hàng và doanh nghiệp.

Lãi suất huy động thi nhau tăng

Từ đầu tháng 11, các ngân hàng bắt đầu tung ra nhiều sản phẩm khuyến mãi, tặng lãi suất, tặng tiền… khiến mặt bằng lãi suất huy động tăng cao.

Ngân hàng SeABank đã đưa ra sản phẩm tiết kiệm thông minh, cho phép khách hàng chuyển tiền qua lại giữa tài khoản thanh toán và tài khoản tiết kiệm, trong đó lãi suất huy động không kỳ hạn đối với sản phẩm này khá hấp dẫn là 8%/năm đối với số tiền dưới 50 triệu đồng, và từ 50 triệu đồng trở lên sẽ hưởng lãi suất không kỳ hạn lên đến 11%/năm.

Tại Ngân hàng Việt Á, mặc dù mức lãi suất niêm yết bên ngoài ngân hàng cao nhất chỉ là 12%/năm, nhưng biểu lãi suất phát cho khách hàng bên trong ngân hàng thì cao hơn rất nhiều vì được cộng thêm nhiều loại lãi suất.

Theo đó, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 2 tháng của ngân hàng này là 13,5%/năm, kỳ hạn 3 tháng là 13,7%, và từ 14% đối với các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Lãi suất tiền gửi của Việt Á sẽ tăng cao hơn nếu khách hàng gửi số tiền trên 500 triệu đồng, cao nhất là 14,5%/năm cho kỳ hạn 13 tháng với số tiền gửi trên 3 tỉ đồng.

Tuy nhiên, Việt Á là ngân hàng khá công bằng khi đưa ra các mức lãi suất rõ ràng cho khách hàng, đảm bảo khách gửi tiền cùng được hưởng mức lãi suất như nhau. Trong khi đó, nhiều ngân hàng khác chỉ niêm yết lãi suất quanh mức 12%/năm nhưng nếu khách hàng trả giá thì mức này có thể lên đến 14-15%/năm. Như vậy, những khách hàng gửi tiền không trả giá sẽ bị thiệt thòi.

Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần thừa nhận rằng ngân hàng ông niêm yết lãi suất cao nhất chỉ là 12,8%/năm, nhưng ông cho phép nhân viên có thể thỏa thuận với khách tăng lãi suất tiền gửi lên đến 14%/năm. Tuy nhiên, vị này cho biết việc huy động cũng chưa được như ý muốn của ngân hàng với mức lãi suất 14%/năm và ông đang dự kiến cho phép nâng lãi suất thỏa thuận lên cao hơn mức này.

Trong khi các ngân hàng cổ phần thi nhau tăng lãi suất, các ngân hàng lớn lại thận trọng đưa mức lãi suất không quá cao và gặp thiệt thòi. Giám đốc phòng giao dịch của một ngân hàng quốc doanh cho biết nguồn vốn huy động của ngân hàng ông đang bị ảnh hưởng mạnh bởi các khách hàng gửi tiền đòi tăng lãi suất trong khi ông không thể đưa lãi suất lên cao hơn 12%/năm. Ông cho biết đã báo cáo xin cấp trên được thực hiện lãi suất thỏa thuận.

Doanh nghiệp khổ với lãi suất cao

Vì lãi suất huy động tăng nhanh và tăng cao, nên lãi suất cho vay của ngân hàng theo đó cũng tăng lên, và các doanh nghiệp là người gánh chịu. Bà T, chủ một cơ sở dệt tại TPHCM, cho biết cách đây một tháng ngân hàng mà bà vay tiền đã tăng lãi suất cho vay từ 1,25% lên 1,38%/tháng, tức 16,56%/năm. “Lúc đó lãi suất thấy đã cao mà bây giờ so ra không ăn nhằm gì với lãi suất hiện nay. Cán bộ tín dụng của ngân hàng nói là tôi may rồi vì bây giờ lãi suất của ngân hàng này lên đến 1,5%/tháng, tức 18%/năm”, bà T. nói.

Hiện nay sau khi trả lãi, ngân hàng phải trả chi phí hoạt động, trích lập các loại dự trữ, và cộng cổ tức cho cổ đông…, ít nhất phải cộng thêm 3% vào lãi suất huy động để cho vay. Cho nên với mức huy động 14% thì lãi suất cho vay tiền đồng thấp nhất cũng là 17%/năm. Có ngân hàng hiện nay đã đẩy lãi suất lên đến 20-21%, có thể do muốn hạn chế nhu cầu cho vay cũng hoặc do phải huy động vốn với lãi suất quá cao.

Tổng giám đốc một ngân hàng cho biết nhiều doanh nghiệp vì đã lỡ vay hoặc đang trong mùa làm ăn, vẫn phải chấp nhận vay tiền đồng với lãi suất cao. Trong khi đó, để tránh lãi suất cao nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đã chuyển sang vay đô la Mỹ, vị này nói.

Tuy nhiên, lãi suất cho vay tăng cao hiện nay cũng là hệ quả của chính sách thắt chặt tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhằm kiềm chế lạm phát theo chủ trương của Chính phủ.

Khoảng đầu tháng, sau khi NHNN tăng lãi suất cơ bản và phát đi tín hiệu thắt chặt tiền tệ, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng, nơi các ngân hàng vay mượn lẫn nhau, đã lên đến 21%/năm. Sau đó, NHNN buộc phải can thiệp, cho vay qua nghiệp vụ thị trường mở với kỳ hạn dưới 2 tuần để đảm bảo thanh khoản cho các ngân hàng. Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng sau đó đã giảm xuống quanh mức 13%. Tuy nhiên, lãi suất huy động dân cư của ngân hàng vẫn không giảm.

Sáng ngày 19-11, đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã họp với UBND TPHCM và đại diện một số doanh nghiệp lớn của thành phố. Lãnh đạo NHNN cho Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online biết NHNN đã yêu cầu NHNN chi nhánh TPHCM giám sát chặt chẽ việc huy động của các ngân hàng và nhắc nhở đối với các ngân hàng huy động vi phạm Luật Dân sự, tức cao hơn 150% lãi suất cơ bản. Lãi suất cơ bản hiện nay là 9% nên các ngân hàng không thể huy động tiền đồng cao hơn 13,5%/năm. Các ngân hàng hiện cho vay theo lãi suất thỏa thuận nhưng lãi suất huy động vẫn phải theo Luật Dân sự, vị lãnh đạo này nói.

Ông cũng cho rằng NHNN chỉ đảm bảo cho các khoản vay nông nghiệp, nông thôn, các dự án có hiệu quả của doanh nghiệp xuất khẩu được vay vốn ở mức hợp lý là 13-14%/năm.

Theo Thủy Triều
TBKTSG

CafeF

Đọc thêm