Để “tích” được nguồn ngoại tệ mong muốn, nhiều ngân hàng điều chỉnh lãi suất huy động USD chạm "trần". Thực tế này khiến chênh lệch lãi suất giữa USD và VND trở nên đáng ngại.
Trong thời điểm giá USD “nhạy cảm”, nhiều ngân hàng thương mại đã tăng lãi suất huy động USD ở cả kỳ hạn ngắn và dài hạn từ 20/8.
Đua lãi suất huy động
Ngân hàng thương mại CP Á Châu (ACB) tăng lãi suất huy động USD ở các kỳ hạn 1- 9 tháng 0,15% - 0,2% một năm, dao động 3,65% - 4,45 % một năm. Ngân hàng thương mại CP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) điều chỉnh tăng lãi suất huy động USD ở nhiều kỳ hạn, từ 1 tháng đến 12 tháng, và mức huy động cao nhất lên đến 4,45% một năm.
Trước đó, Ngân hàng thương mại CP Đông Nam Á (SeABank) cũng đã điều chỉnh lãi suất huy động USD ở mức rất cao, kỳ hạn một tháng có lãi suất 4,2%, 6 tháng lên 5,1%. Một số ngân hàng khác như An Bình (ABBank), Ngân hàng Phát triển nhà TP HCM (HDBank)… cũng “chạy trước” để huy động USD với lãi suất cao, hấp dẫn.
Áp lực căng thẳng cung cầu ngoại tệ sẽ tạo sức ép cho tỷ giá. Ảnh: TNLinh. |
Không chỉ tăng lãi suất, các ngân hàng còn “đua” cả về dịch vụ với khách hàng. ACB thưởng thêm 0,1% (kỳ hạn 36 tháng) cho khách hàng gửi USD theo hình thức thả nổi từ 22/9. Còn khách hàng gửi USD của Eximbank có thể nhận thêm lãi suất thưởng bậc thang, nếu giữ đúng hạn. Và mức thưởng bậc thang này (tính theo số dư) có thể lên đến 2% một năm.
Từ tháng 9, các khoản vay USD đầu năm của các doanh nghiệp sẽ dồn dập “đáo hạn”. Trong khi lượng USD huy động ở mức thấp, là nguyên nhân khiến các ngân hàng tăng lãi suất USD. Ông Nguyễn Thanh Toại, Phó Tổng Giám đốc ACB, thừa nhận: “Lý do khiến chúng tôi tăng lãi suất huy động USD vì tình hình huy động USD đang không thuận lợi, khách gửi USD ít”. ACB cho biết, nhu cầu vay USD không diễn biến bất thường nhưng với hiện tại, nếu không bổ sung lượng USD huy động thì khó đáp ứng.
Sức ép lên tỷ giá
Ông Vũ Viết Ngoạn, Phó Chủ Nhiệm Ủy ban kinh tế QH, cho rằng, với lãi suất giữa VND và USD tại thời điểm các ngân hàng chưa tăng lãi suất huy động USD thì VND đang có lợi. Nếu giữ mức chênh lệch đó sẽ kích thích nhu cầu tín dụng tiền đồng nhiều hơn.
Chuyên gia kinh tế Lê Thẩm Dương, ĐH Ngân hàng TP HCM phân tích, hiện cho vay tín dụng VND trung bình ở mức 13,7% một năm và lãi suất huy động VND ở mức cao nhất là 11%. Lãi suất huy động USD cao nhất hiện tại là 4,45% một năm, trừ đi tiền “trượt giá” của USD thì lãi suất huy động USD và VND chênh lệch không nhiều. Tuy nhiên, ông Dương e rằng, từ nay đến cuối năm, với áp lực căng thẳng cung cầu ngoại tệ, sẽ tạo nên sức ép cho tỷ giá. “Khi các khoản vay của doanh nghiệp đáo hạn và nhu cầu thanh toán bằng ngoại tệ gia tăng, dễ dẫn đến căng thẳng USD. Hiện tượng này rất dễ làm lệch cán cân giữa giá USD trong và ngoài ngân hàng. Nếu tình hình đó diễn ra, lượng cầu lớn, cung ít, thì tỉ giá khó giữ được mức ổn định như hiện tại”, tiến sĩ Dương nói.
Giá USD trên thị trường tự do ngày 23/8 có sự điều chỉnh đi xuống, ở mức 19.490 - 19.510 đồng một USD, thấp hơn trước đó khoảng 20 đồng. Trong hệ thống ngân hàng thương mại, giá USD mua - bán vẫn giữ nguyên, từ 19.465 - 19.480 đồng một USD. |