Ngân hàng “khóc” khi thu hồi nợ xấu bất động sản

(PLO) - Dựa vào việc ngân hàng thường rất… “sợ” mất hình ảnh trước khách hàng. Lợi dụng tâm lý này, đến hạn thì không trả nợ khách hàng không những không trả nợ mà còn sẵn sàng ăn vạ và lợi dụng dư luận để trốn tránh thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng của mình.
4-5 cháu bé khoảng 9- 10 tuổi, đeo bìa carton ghi khẩu hiệu “Ngân hàng Techcombank thu giữ tài sản trái phép, đàn áp khách hàng” trước cửa ngân hàng.
4-5 cháu bé khoảng 9- 10 tuổi, đeo bìa carton ghi khẩu hiệu “Ngân hàng Techcombank thu giữ tài sản trái phép, đàn áp khách hàng” trước cửa ngân hàng.

Quyền của… “thượng đế”

Chiều 23/10/2014, tại ngân hàng TMCP Techcombank ở khu vực Vincom Bà Triệu (191 Bà Triệu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) xuất hiện 4-5 cháu bé khoảng 9- 10 tuổi, đeo bìa carton ghi khẩu hiệu “Ngân hàng Techcombank thu giữ tài sản trái phép, đàn áp khách hàng”.

Trao đổi với PV về vụ việc, bà Nguyễn Thu Lan, Tổng Giám đốc Công ty Quản lý nợ và Khai thác tài sản, Techcombank AMC cho hay: người đứng sau chính là vợ chồng bà Phan Thị Hồng và ông Phan Ích Trí (ở huyện Thạch Thất, Hà Nội). Đây là 1 ca nợ xấu mới được giải quyết.  

Theo bà Nguyễn Thu Lan, ngày 23-8-2011, bà Phan Thị Hồng và ông Phan Ích Trí đã tự nguyện thế chấp tài sản đảm bảo tại Thạch Thất để đảm bảo nghĩa vụ tại Ngân hàng theo hợp đồng đã ký kết. Trong quá trình vay vốn, bà Hồng và ông Trí không hoàn trả bất kỳ khoản nợ lãi hay nợ gốc nào cho Ngân hàng, vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trả nợ, không thực hiện nghĩa vụ quy định tại hợp đồng đã ký.

Đến 12/12/2011, Ngân hàng gửi bà Phan Thị Hồng và Ông Phan Ích Trí thông báo vi phạm nghĩa vụ và thu hồi toàn bộ khoản nợ. Tiếp đó, Ngân hàng đã nhiều lần thông báo, đôn đốc khách hàng trả nợ nhưng hai ông bà vẫn không thực hiện và bỏ đi khởi nơi cư trú trong một thời gian dài.

Không còn cách nào khác, ngày 02/03/2012, trước sự chứng kiến của chính quyền địa phương, Ngân hàng đã thực hiện thu giữ tài sản bảo đảm xử lý nợ, dán thông báo và niêm phong nhà cửa, công trình xây dựng trên đất. Tiếp đó, Ngân hàng xử lý tài sản bảo đảm bằng phương thức bán đấu giá để thu hồi nợ. Trình tự thủ tục bán đấu giá tài sản đều được niêm yết công khai và tuân thủ đúng quy định pháp luật.

Tuy nhiên, khi phiên đấu giá thành công, Ngân hàng tiến hành bàn giao tài sản bảo đảm cho người trúng đấu giá theo quy định pháp luật thì bà Hồng lại xuất hiện và có những hành vi chống đối, cản trở người thi hành công vụ, có những hành động không chỉ dừng lại ở mức độ bất hợp tác mà còn mang tính côn đồ, ăn vạ, vu khống cán bộ ngân hàng thực thi nhiệm vụ, công nhiên chiếm đoạt tài sản, gây mất an ninh trật tự khu vực.

Việc xuất hiện tại hội sở Ngân hàng, sử dụng trẻ em làm công cụ “ăn vạ” chỉ là một trong nhiều “chiêu” bà Hồng dùng để lợi dụng dư luận, phục vụ cho mục đích riêng của mình.

Ngân hàng “khóc” khi thu hồi bất động sản

Theo bà Lan, Techcombank AMC: “Trường hợp của KH Phan Thị Hồng là điển hình “con sâu làm rầu nồi canh”, khiến công tác xử lý dư nợ của chúng tôi bị ách tắc rất lớn. Bà Hồng đã gửi đơn thư tố cáo một cách vô căn cứ về trình tự xử lý tài sản bảo đảm của Ngân hàng, nhằm mục đích quấy nhiễu, kéo dài thời gian chuyển nhượng tài sản”.

Qua tìm hiểu, đây không phải trường hợp duy nhất khách hàng có nợ xấu tố ngược lại ngân hàng. Có không ít khách hàng không những không trả nợ mà khách hàng còn sẵn sàng ăn vạ và lợi dụng dư luận để trốn tránh thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng của mình.

Nói về nợ xấu, một đại diện ngân hàng khác cũng than phiền: “Thị trường chỉ nhìn thấy con số nợ xấu được xử lý chậm, nhưng có mấy ai thấu hiểu nỗi khổ của các ngân hàng. Ngân hàng gặp rất nhiều khó khăn trong việc thu hồi tài sản của mình. Nhiều món nợ xử lý phải mất 3 - 5 năm, thậm chí 8 - 10 năm mới giải quyết xong”

Đến nay, ngân hàng có “vũ khí” trong tay là hệ thống văn bản pháp luật làm căn cứ để xử lý tài sản đảm bảo khá đầy đủ như: Nghị định 163 về giao dịch bảo đảm, Nghị định 83 sửa đổi bổ sung nghị định 163, Thông tư liên tịch số 16/2014, Thông tư 20 về đăng ký giao dịch bảo đảm…

Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những vướng mắc, điển hình như, muốn xử lý Tài sản bảo đảm là bất động sản, cần có sự phối hợp của các cơ quan nhà nước có liên quan như: Toà án, Thi hành án, Văn phòng nhà đất, Chi cục thuế, Công an, Uỷ ban nhân dân... mà cách hiểu áp dụng pháp luật của các cơ quan lại vênh nhau, tạo nên sự ách tắc trong việc xử lý tài sản bảo đảm của các ngân hàng.

Nhiều trường hợp khách hàng chống đối, bất hợp tác, cố tình không thực hiện nghĩa vụ, phủ nhận ý chí đồng thuận của mình theo hợp đồng đã ký, có hành động chây ỳ, kéo dài thời gian xử lý tài sản đảm bảo, tẩu tán tài sản, gây tổn thất cho ngân hàng, tăng chi phí xử lý tài sản, thâm hụt vào khoản vay cần được thu hồi.

Mặt khác, do đặc thù của thủ tục chuyển nhượng bất động sản, khi phát sinh bất kỳ đơn thư khiếu nại nào, mọi giao dịch liên quan đến tài sản đều có thể bị tạm đình chỉ cho đến khi giải quyết được đơn thư, mà thời gian này có khi kéo dài đến hàng năm. Việc này kéo theo rất nhiều trở ngại cho ngân hàng trong việc trực tiếp xử lý tài sản đảm bảo không thông qua con đường thi hành án. Để theo đuổi một vụ kiện dân sự để ra được bản án rồi đến quyết định thi hành án thì ngân hàng lại phải mất ít nhất từ 3 đến 5 năm. 
Với những bất cập và khó khăn khi xử lý nợ như thế này việc các ngân hàng thận trọng khi cho vay đã lẽ tất yếu, và chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới việc tăng trưởng tín dụng và kích thích tiêu dùng hiện nay. 

Đọc thêm