Theo chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Hải Phòng, thực hiện định hướng mở rộng tín dụng phù hợp với mục tiêu tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng tín dụng của ngành, các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn thành phố mở rộng cho vay và tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng.
Xuất khẩu, nông nghiệp là ưu tiên hàng đầu
Hầu hết chi nhánh ngân hàng trên địa bàn thành phố đều có các chương trình tín dụng ưu đãi tập trung hàng đầu vào các lĩnh vực xuất khẩu và nông nghiệp. Cụ thể Agribank Hải Phòng cho vay sản xuất nông nghiệp và khu vực nông thôn, ngoài các ưu đãi của Chính phủ và thành phố về lãi suất, các đối tượng bình thường khác có thể được vay vốn với lãi suất thấp nhất là 12%/năm. Vietinbank Hải Phòng, Eximbank Hải Phòng, Habubank Hải Phòng, BIDV Hải Phòng, Vietcombank Hải Phòng… đều dành mức lãi suất thấp nhất cho các doanh nghiệp vay vốn xuất khẩu hàng hóa. Có ngân hàng áp dụng lãi suất 8-10%/năm cho một số khách hàng đặc biệt.
|
SHB Hải Phòng có thể cho vay đến 100% giá trị xe, 90% giá trị nhà. |
Tính đến cuối tháng 9, dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố ước đạt 49.500 tỷ đồng, tăng 16% so với đầu năm. So với tổng vốn huy động, dư nợ cho vay tăng 6.000 tỷ đồng. Điều này thể hiện sự phát triển kinh tế và tăng trưởng tín dụng trên địa bàn thành phố khá cao so với nhiều địa phương khác. Chính vì vậy, ngoài nguồn vốn huy động trên địa bàn, Hải Phòng còn hút một lượng vốn lớn từ các địa phương khác. Trong đó, dư nợ cho vay xuất khẩu và nông nghiệp tăng trưởng cao. Dư nợ cho vay khu vực nông thôn của Agribank Hải Phòng đến cuối tháng 8 là 4.201 tỷ đồng, trong đó có 58% là cho vay khu vực nông nghiệp, nông thôn, tăng 352 tỷ đồng so với đầu năm. Chi nhánh Ngân hàng Chính sách- Xã hội Hải Phòng cho vay hộ nghèo, chủ yếu ở khu vực nông thôn 611 tỷ đồng, giải quyết việc làm 85 tỷ đồng. Ngân hàng ACB, trong đó có ACB Hải Phòng vừa triển khai chương trình “Tín dụng đặc biệt 3000 tỷ đồng” dành cho các doanh nghiệp bao gồm cả doanh nghiệp tư nhân vay vốn bằng VNĐ để sản xuất kinh doanh trong nước phục vụ xuất khẩu… với mức lãi suất ưu đãi đặc biệt, chỉ bằng 80% chi phí lãi vay VNĐ thông thường.
Đẩy mạnh cho vay tiêu dùng
Nếu như các khoản vay xuất khẩu và nông nghiệp được ưu tiên về lãi suất thì vay tiêu dùng được đa số ngân hàng áp dụng lãi suất thỏa thuận khá cao. Mức lãi suất vay tiêu dùng phổ biến 14,5% - 17%/năm. Các ngân hàng tập trung nhiều vào lĩnh vực này là Sacombank Hải Phòng, SeAbank Hải Phòng, Techcombank Hải Phòng, SHB Hải Phòng… Để đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, các ưu đãi được ngân hàng đưa ra như thời gian vay vốn lâu, giá trị vay vốn cao… Chẳng hạn, SHB Hải Phòng cho vay mua ô-tô, mức tài trợ có thể đến 100% giá trị xe; cho vay mua nhà, ân hạn gốc đến 6 tháng; thời hạn vay tối đa 15 năm; mức cho vay đến 90% giá trị nhà, đất; cho vay tín chấp cán bộ, viên chức. SeAbank Hải Phòng có “Vay tiêu dùng có tài sản bảo đảm– SeAMore” dành cho cá nhân có nhu cầu vay tiền phục vụ nhiều mục đích khác nhau như: sửa nhà, mua xe, sắm đồ nội thất. Số tiền cho vay linh hoạt từ 10 triệu đến 5 tỷ đồng; thời hạn vay đến 10 năm; thời gian giải quyết hồ sơ trong 3 ngày làm việc… Một số khoản vay có nhiều rủi ro khác như chứng khoán, bất động sản cũng được các ngân hàng mở rộng hầu bao hơn so với trước đây với điều kiện kiểm soát chặt chẽ.
Tính đến hết tháng 8, các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố cho vay chiết khấu giấy tờ có giá để đầu tư và kinh doanh chứng khoán 29,3 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 0,63% tổng dư nợ. Trong đó, chủ yếu là cho vay mua cổ phần phát hành lần đầu, người lao động mua cổ phần của công ty họ, mua chứng chỉ quỹ đầu tư. Dư nợ cho vay bất động sản 3.438 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 7% tổng dư nợ, chủ yếu cho vay sửa chữa, mua nhà ở… Tuy nhiên, tùy theo cách tính của một số ngân hàng, các khoản vay bất động sản có thể được đưa vào cho vay tiêu dùng hoặc vay sản xuất, kinh doanh đối với các dự án phát triển các khu đô thị…
Các tổ chức tín dụng cũng tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng, rà soát, phân loại nợ, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ đối tượng vay, bảo đảm chất lượng và giới hạn tín dụng.
Bài và ảnh: Mai Hương