Theo đó, trong một Hội nghị gần đây được tổ chức tại Ngân hàng Nhà nước ngày 11/5/2017 với sự tham dự của các Vụ, Cục, đơn vị thuộc NHNN, các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, Ngân hàng liên doanh, công ty tài chính, ông Nguyễn Tuấn Anh - Vụ trưởng Vụ Tài chính - Kế toán – Chủ trì Hội nghị đã nêu rõ tính cấp thiết của việc xây dựng một văn bản pháp lý về phương pháp tính, trả lãi suất giữa tổ chức tín dụng và khách hàng vay tiền, gửi tiền nhằm minh bạch hóa lãi suất trên thị trường tiền tệ, tín dụng, cụ thể: Hiện nay các TCTD đang áp dụng phương pháp tính và hạch toán thu, trả lãi theo Quyết định 652/2001/QĐ-NHNN ngày 17/5/2001. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển dịch vụ của các TCTD cũng như sự thay đổi của một số văn bản quy phạm pháp luật như: Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Kế toán năm 2015, một số quy định của Quyết định 652 đã không còn phù hợp (ví dụ như chưa có cơ sở chung về lãi suất để so sánh, chưa yêu cầu cáo bạch thông tin theo thông lệ Quốc tế…).
Đồng thời, ông Nguyễn Tuấn Anh cũng đã nêu rõ quan điểm chỉ đạo của Ban lãnh đạo NHNN là phương pháp tính, trả lãi phải được minh bạch hóa theo hướng bảo vệ tối đa quyền lợi khách hàng của ngân hàng, của tổ chức tín dụng khác. Để làm được điều đó, các mức lãi suất phải so sánh được và phải được công bố công khai cho khách hàng trước khi khách hàng quyết định thực hiện giao dịch với các tổ chức tín dụng. Đây là quan điểm xuyên suốt trong quá trình chỉ đạo xây dựng dự thảo Thông tư phương pháp tính lãi trong hoạt động nhận tiền gửi, cấp tín dụng giữa tổ chức tín dụng (TCTD) với khác hàng, nhằm thay thế Quyết định số 652/2001/QĐ-NHNN. Trong phiên bản dự thảo lần 03 của Thông tư được công bố tại Hội nghị (Đây là phiên bản chỉnh sửa sau khi đã công bố trước đó trên Website của NHNN và lấy ý kiến góp ý rộng rãi của các TCTD), có 03 vấn đề cốt lõi đã được NHNN đưa vào dự thảo:
Thứ nhất, NHNN đưa ra 1 phương pháp tính trả lãi giữa TCTD và khách hàng. Phương pháp tính, trả lãi này dựa trên cơ sở số dư nợ tiền gửi/vay đầu ngày thực tế, mức lãi suất năm và số ngày tính lãi của một năm là 365 ngày (việc quy đổi thời gian này nhất quán theo quy định tại Điều 146, Bộ Luật dân sự năm 2015). Phương pháp tính, trả lãi này được NHNN gọi là Phương pháp tính lãi làm cơ sở minh bạch lãi suất (sau đây gọi tắt là phương pháp tính lãi cơ sở). Theo NHNN, đây không phải là phương pháp tính lãi duy nhất, bắt buộc tất cả các tổ chức tín dụng, công ty tài chính và công ty cho thuê tài chính phải áp dụng (về nguyên tắc, các bên nhận lãi, trả lãi vẫn được quyền thỏa thuận về lãi suất và phương pháp tính lãi). Tuy nhiên, đây được xem như phương pháp tính, trả lãi chuẩn để các TCTD thực hiện, nhằm tạo một mặt bằng chung để khách hàng so sánh lãi suất tiền gửi/tiền vay giữa các tổ chức tín dụng khác nhau.
Thứ hai, về vấn đề minh bạch lãi suất, NHNN đưa ra yêu cầu: dù các TCTD có áp dụng tính và trả lãi theo phương pháp khác nhưng các TCTD phải thực hiện tính toán và công bố với khách hàng mức lãi suất tham chiếu theo phương pháp tính lãi suất cơ sở của NHNN quy định tại Thông tư nêu trên.
Thứ ba, tuân thủ theo quy định của Luật dân sự về ngày rút tiền/trả nợ (Điều 147 và Điều 148). Theo đó, dự thảo quy định áp dụng phương pháp tính lãi theo số dư đầu ngày.
Như vậy, quyết tâm của NHNN về việc minh bạch hóa lãi suất trên thị trường tiền tệ, tín dụng là rất rõ ràng và cụ thể.
Cũng tại Hội nghị, NHNN cho biết đã nhiều lần lấy ý kiến bằng văn bản và đăng tải dự thảo Thông tư này trên Cổng thông tin điện tử để lấy ý kiến rộng rãi và nhận được nhiều ý kiến góp ý mang tính xây dựng của các đơn vị, cá nhân trong và ngoài ngành ngân hàng. Hội nghị lần này được tổ chức nhằm lấy ý kiến trực tiếp của các TCTD về Dự thảo Thông tư với các nội dung về số ngày tính lãi trong năm, tăng cường minh bạch lãi suất trong hoạt động nhận tiền gửi, cấp tín dụng để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của khách hàng.
Phát biểu tại Hội nghị, đa số đại biểu ủng hộ chủ trương của NHNN về việc minh bạch hóa lãi suất trên thị trường tiền tệ, tín dụng và cho rằng việc làm này của NHNN là rất cấp thiết và đảm bảo tính đồng bộ với các văn bản do NHNN ban hành thời gian gần đây như Thông tư 38/2016/TT-NHNN, Thông tư số 39/2016/TT-NHNN. Tuy nhiên, một số đại diện các TCTD, đặc biệt các TCTD nước ngoài cũng nêu một số khó khăn khi thực hiện chỉnh sửa phần mềm và những quy định nghiệp vụ nội bộ theo các quy định của Thông tư. Ngoài ra, một số đại diện các TCTD cũng đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc thời gian hiệu lực của Thông tư (dự kiến sau 6 tháng ban hành) để đảm bảo đủ thời gian chỉnh sửa phần mềm.
Tại hội nghị, đại diện cơ quan soạn thảo, Vụ Tài chính – Kế toán và Vụ Chính sách tiền tệ, Vụ Pháp chế, Cục Công nghệ tin học đã trao đổi trực tiếp với các TCTD về các điểm mới, các nội dung cần triển khai cũng như trả lời về các vấn đề cho phép TCTD thỏa thuận về phương pháp tính lãi và yêu cầu về minh bạch lãi suất; quy định chuẩn về thời gian tính lãi theo năm; sử dụng số dư đầu ngày để tính lãi; thời gian cần thiết để các TCTD ban hành các văn bản nội bộ và chỉnh sửa hệ thống phần mềm tin học của các TCTD theo quy định mới để thực hiện khi Thông tư có hiệu lực thi hành…
Kết thúc hội nghị, Vụ trưởng Vụ Tài chính - Kế toán Nguyễn Tuấn Anh kết luận: Đây là dự thảo Thông tư rất quan trọng, tác động tới cả hệ thống các tổ chức tín dụng, nên những ý kiến tại Hội nghị này sẽ được Ban soạn thảo tổng hợp, xin ý kiến Ban Lãnh đạo NHNN tiếp tục hoàn thiện để thông tư sớm được ban hành.