Ngân hàng thương mại ráo riết huy động vốn

Chỉ còn ít ngày nữa, ngày 1-10, Thông tư số 13/2010/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng sẽ có hiệu lực. Các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn thành phố đang ráo riết đẩy mạnh huy động vốn để đáp ứng các yêu cầu bảo đảm tỷ lệ huy động vốn và cho vay.

Chỉ còn ít ngày nữa, ngày 1-10, Thông tư số 13/2010/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng sẽ có hiệu lực. Các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn thành phố đang ráo riết đẩy mạnh huy động vốn để đáp ứng các yêu cầu bảo đảm tỷ lệ huy động vốn và cho vay.

Tăng thu hút tiền gửi dân cư  

Theo quy định của Thông tư 13, tổ chức tín dụng chỉ được sử dụng nguồn vốn huy động để cấp tín dụng không vượt quá 80% tổng nguồn vốn huy động đối với ngân hàng và không vượt quá 85% tổng nguồn vốn huy động đối với tổ chức tín dụng phi ngân hàng. Chính vì vậy, nhiều ngân hàng tổ chức các chương trình khuyến mại để tăng huy động vốn mới có thể tăng tín dụng. Ngân hàng Đầu tư- Phát triển (BIDV) với chương trình “Rồng Vàng Thăng Long”; Ngân hàng Ngoại Thương (Vietcombank) với chương trình “Du lịch vòng quanh thế giới”. Trước đó, Sacombank Hải Phòng có chương trình kỷ niệm 55 năm giải phóng Hải Phòng; SHB có chương trình “ Gửi tiền, trúng tiền, nhận liền xe hơi” …Các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn thành phố triển khai tích cực các chương trình trên và nhiều khách hàng Hải Phòng trúng thưởng khuyến khích người dân gửi tiền vào các tổ chức tín dụng. Các tổ chức tín dụng có chương trình dự thưởng hấp dẫn, nguồn tiền gửi dân cư tăng trưởng đáng kể. Đến cuối tháng 9, tiền gửi dân cư tại BIDV Hải Phòng tăng 700 tỷ đồng so với đầu năm, huy động vốn của Vietcombank Hải Phòng tăng 14%; SHB Hải Phòng tăng gấp đôi, Sacombank Hải Phòng tăng khoảng 70 tỷ đồng so với trước khi thực hiện khuyến mại…Một số ngân hàng tăng trưởng huy động vốn cao như Vietnam Tinnghia bank Hải Phòng đạt 600 tỷ đồng do tăng huy động vốn bằng vàng. Huy động vốn ngoại tệ cũng tăng mạnh do lãi suất tiết kiệm bằng USD khá cao so với trước đây và cao gấp nhiều lần mặt bằng chung thế giới thu hút được nguồn tiền kiều hối của người dân từ nước ngoài gửi về.

Tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đến cuối tháng 9 ước đạt 43,5 nghìn tỷ đồng, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, huy động vốn bằng VNĐ 32,4 nghìn tỷ đồng, tăng 19,5%; huy động vốn bằng ngoại tệ quy đổi 11,1 nghìn tỷ đồng tăng 25,6% so với cùng kỳ năm trước.

Ngân hàng thương mại ráo riết huy động vốn ảnh 1
Hướng dẫn khách hàng làm thủ tục vay vốn tại Ngân hàng Sacombank (Chi nhánh Hải Phòng)

Bảo đảm an toàn hệ thống

Thông tư 13 quy định tỷ lệ cấp tín dụng so với tổng nguồn vốn nhằm bảo đảm thanh khoản cho các ngân hàng thương mại, bảo đảm thị trường tiền tệ ổn định và phát triển bền vững; hạn chế đến mức thấp nhất các rủi ro. Chính vì vậy, một số tiêu chuẩn khác cũng được quy định chặt chẽ hơn, yêu cầu cao hơn như tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu là 9% (quy định trước đây 8%); hệ số rủi ro bằng 250% đối với các tài sản có rủi ro là các khoản cho vay để đầu tư chứng khoán, cho vay kinh doanh bất động sản…Điều này đòi hỏi tổ chức tín dụng phải cân nhắc kỹ hơn trong quá trình mở rộng và tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực này. Thông tư 13 cũng yêu cầu ngân hàng nâng cao năng lực quản lý, quản trị ngân hàng như việc theo dõi tài sản có, tài sản nợ, phân tích, dự báo và nắm bắt tình hình khai thác và sử dụng vốn của đơn vị để đánh giá, xác định và duy trì các tỷ lệ an toàn theo quy định.

Giám đốc chi nhánh Vietinbank Hải Phòng Dương Bảo Toàn cho biết, ngân hàng đang nỗ lực thực hiện Thông tư 13, đặc biệt là tỷ lệ an toàn vốn 9%. Tuy nhiên, trong bối cảnh huy động vốn khó khăn hiện nay, cũng cần có lộ trình nhất định. Giám đốc chi nhánh GP bank Hải Phòng Hoàng Văn Phú cho rằng, việc thực hiện theo đúng các quy định của Thông tư 13 được định hướng và triển khai từ hội sở, trong toàn hệ thống. Bởi vậy, đối với các địa bàn có tiềm năng như Hải Phòng, các chi nhánh ngân hàng có thể cho vay cao hơn nguồn vốn huy động. Ngược lại, cũng có những địa bàn có nguồn huy động vốn nhưng cho vay thấp có thể bù trừ trong hệ thống.  Một số ý kiến khác băn khoăn về quy định nguồn vốn huy động để cho vay không bao gồm tiền gửi không kỳ hạn của các tổ chức kinh tế, kho bạc nhà nước, BHXH…

Tính đến cuối tháng 9, tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố ước đạt 49,5 nghìn tỷ đồng, tăng 17,2% so với cùng kỳ. Trong đó, dư nợ cho vay bằng VNĐ 36 nghìn tỷ đồng, tăng 27,4%; dư nợ cho vay bằng ngoại tệ quy đổi 12,9 nghìn tỷ đồng, giảm 4,6% so với cùng kỳ năm trước.

Mặc dù còn nhiều ý kiến trái chiều về các quy định của Thông tư 13, song các ngân hàng cố gắng bảo đảm việc triển khai thông tư từ 1-10. Nhìn chung, việc thực hiện thông tư có tác động tích cực đối với thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Các ngân hàng thương mại trong nước có sự bình đẳng và phù hợp với thông lệ quốc tế, tăng sức cạnh tranh của ngân hàng trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế./.

 Mai Hương         

Đọc thêm