Ngân hàng thương mại sẽ "bơm vốn" cứu bất động sản?

Tại cuộc họp báo công bố kết quả các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2012 và  phương hướng, giải pháp triển khai các nhiệm vụ năm 2013, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT) Bùi Quang Vinh cho biết sẽ có “gói hỗ trợ” từ các ngân hàng thương mại, nhằm bơm tín dụng giải cứu bất động sản.

Tại cuộc họp báo công bố kết quả các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2012 và  phương hướng, giải pháp triển khai các nhiệm vụ năm 2013, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT) Bùi Quang Vinh cho biết sẽ có “gói hỗ trợ” từ các ngân hàng thương mại, nhằm bơm tín dụng giải cứu bất động sản.

Chia sẻ với giới truyền thông, ông Vinh cho biết, mục tiêu tổng quát của năm 2013 đề ra là “tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô; lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2012. Đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn liền với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế; tăng cường quốc phòng, an ninh và bảo đảm ổn định chính trị-xã hội; tạo nền tảng phát triển vững chắc hơn cho những năm tiếp theo”.

Các chỉ tiêu chủ yếu phấn đấu thực hiện năm 2013 là: tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 5,5%; kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 8%; bội chi ngân sách nhà nước không quá 4,8% GDP; tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 6%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 30% GDP; tỷ lệ hộ nghèo giảm 2%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 49% ....

Bất động sản sẽ được cứu?

Bộ trưởng KH&ĐT cho biết, để thực hiện những mục tiêu nêu trên, năm 2013, chúng ta sẽ tập trung vào 9 nhóm giải pháp: tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kìm chế lạm phát; thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, hiệu quả; chính sách tài khóa chặt chẽ, triệt để tiết kiệm; đẩy mạnh phát triển thương mại, tăng cường thu hút đầu tư; tăng cường kiểm soát giá cả thị trường; nâng cao chất lượng công tác dự báo; đồng thời, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh: hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn, xử lý hiệu quả nợ xấu; tập trung hỗ trợ thị trường, giải quyết hàng tồn kho; tạo điều kiện môi trường thuận lợi cho sản xuất kinh doanh; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược; tăng cường chất lượng và bảo đảm thực hiện quy hoạch; thực hiện quyết liệt, hiệu quả các trọng tâm tái cơ cấu kinh tế; tăng cường chuyển dịch cơ cấu và nâng cao hiệu quả các ngành, vùng kinh tế; tập trung nguồn lực, nâng cao hiệu quả phát triển nông nghiệp, nông thôn; bảo đảm cung ứng điện cho sản xuất và tiêu dùng; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và phân cấp quản lý nhà nước.

Về khoản nợ xây dựng cơ bản, theo ông Vinh, hiện nay đang tồn tại hai con số: con số do Bộ Tài chính thống kê là 91 nghìn tỷ, còn con số do Bộ KH&ĐT thống kê là 85 nghìn tỷ, hai con số này không mâu thuẫn vì thống kê của Bộ Tài chính bao gồm tất cả nguồn vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ, tín dụng nhà nước, sổ xố kiến thiết, vốn DNNN... Còn con số do Bộ KH&ĐT lọc ra là nợ của nhà nước, như ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ, tín dụng nhà nước... Hiện Bộ KH&ĐT đã có công văn gửi tất cả Bộ, ngành, địa phương yêu cầu phân tích chi tiết nợ xây dựng cơ bản, ghi rõ khoản nợ ngân sách nhà nước (TW hỗ trợ là bao nhiêu, địa phương tự quyết định là bao nhiêu... ).

“Chính phủ và Bộ KH&ĐT đã hướng dẫn các Bộ, ngành năm 2013 thứ tự ưu tiên thanh toán. Chính phủ cũng đã trình Quốc hội kế hoạch trung hạn về ngân sách nhà nước trong vòng ba năm tới từ năm 2013-2015, để cho các địa phương, Bộ, ngành biết, tất cả vốn Ngân sách TW cho địa phương chỉ có từng ấy... Tôi tin những phần nợ xây dựng cơ bản do Trung ương bố trí sẽ xử lý được, còn phần các địa phương tự bố trí, thì các địa phương tự chịu trách nhiệm. Dự báo, tới năm 2015 tình hình nợ xấu sẽ được khắc phục tương đối. Đây cũng là một trong các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN và giải quyết nợ xấu” – Bộ trưởng Vinh nhấn mạnh.

Liên quan đến lĩnh vực bất động sản, vừa qua, Thủ tướng và các Bộ trưởng liên quan đã làm việc với hai thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội để lắng nghe và quyết đáp vấn đề này. Ông Vinh tiết lộ, dự báo sẽ có “gói hỗ trợ”, không phải mang ngân sách nhà nước ra cứu trợ mà là “gói hỗ trợ” từ các ngân hàng thương mại, nhằm bơm tín dụng cho khu vực này. Theo đó, sẽ hỗ trợ cho  các DN bất động sản cung cấp những sản phẩm thiết yếu, có khả năng sớm hoàn thành và có khả năng thanh lý được.

Tốc độ tăng trưởng (GDP) năm 2012 đạt khoảng 5,03%; bội chi ngân sách nhà nước năm 2012 giảm xuống 4,8% GDP ; năm 2012 dư nợ công, dư nợ Chính phủ, dư nợ quốc gia trong giới hạn an toàn cho phép; tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2012 tăng 18,3% so với năm 2011, xuất siêu năm 2012 khoảng 284 triệu USD. Tính từ 1/1/2012 đến 15/12/2012 cả nước có 1.100 dự án đầu tư nước ngoài mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư và 435 lượt dự án tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 13,01 tỷ USD, bằng 84,7% so với cùng kỳ 2011; vốn thực hiện đạt 10,46 tỷ USD, bằng 95,1% năm 2011. 

Mai Hoa (lược ghi)

Đọc thêm