Ngân hàng tự tin với áp lực lợi nhuận

Năm 2010, ngân hàng nhỏ với kế hoạch lợi nhuận ở mức khiêm tốn cán đích nhanh hơn các ngân hàng lớn.

 

Năm 2010, ngân hàng nhỏ với kế hoạch lợi nhuận ở mức khiêm tốn cán đích nhanh hơn các ngân hàng lớn.

Năm 2011, dù tại không ít ngân hàng, mức vốn điều lệ tăng lên gấp đôi và thậm chí gấp 3 lần so với năm 2010, đồng thời, với khả năng thắt chặt chính sách tiền tệ trong nửa đầu năm, nhưng ban điều hành nhiều ngân hàng vẫn đề ra chỉ tiêu lợi nhuận khá lạc quan.

Cán đích vì chỉ tiêu khiêm tốn

Khác với năm 2009, các NHTM lớn luôn nằm trong danh sách các nhà băng đạt lợi nhuận ở mức cao và sớm hoàn thành chỉ tiêu đưa ra thì trong năm qua, ngân hàng nhỏ với kế hoạch lợi nhuận ở mức khiêm tốn cán đích nhanh hơn.

Chẳng hạn, DaiA Bank đã nhanh chóng vượt kế hoạch đề ra với 120 tỷ đồng lợi nhuận (kế hoạch là 106 tỷ đồng) trên vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng. DaiA Bank vừa hoàn thành việc tăng vốn lên 3.100 tỷ đồng.

Trong 11 tháng đầu năm 2010, tổng tài sản TinNghiaBank đạt 43.363 tỷ đồng, hoàn thành 117% kế hoạch năm. Trong khoảng thời gian này, TinNghia Bank đã đạt 533 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, hoàn thành 118% kế hoạch năm và tính đến cuối năm qua, ngân hàng này đã hoàn thành vượt mức 10% so với kế hoạch lợi nhuận.

Bên cạnh các nhà băng nhỏ cán đích, các ngân hàng cỡ vừa cũng hoàn thành kế hoạch lợi nhuận khá khiêm tốn của mình trước khi năm tài chính 2010 kết thúc. Trao đổi với ĐTCK, ông Trịnh Văn Tuấn, Tổng giám đốc OCB cho biết, kết thúc năm 2010, Ngân hàng đạt hơn 400 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế so với chỉ tiêu ban đầu là 400 tỷ đồng.

Chủ tịch HĐQT OceanBank, ông Hà Văn Thắm cho hay, năm qua OceanBank tăng vốn điều lệ lên 3.500 tỷ đồng, đạt 690 tỷ đồng lợi nhuận sau khi trích lập dự phòng rủi ro, tổng tài sản vượt 55.000 tỷ đồng và mức cổ tức trung bình dự kiến sẽ đạt 18 - 19%. Theo ông Thắm, các chỉ số trên hầu hết đều tăng 100% so với năm 2009.

Còn trong khối ngân hàng nằm ở top đầu thì với MB, lợi nhuận trước thuế năm qua đạt khoảng 2.000 tỷ đồng (của riêng Ngân hàng) so với chỉ tiêu 1.700 tỷ đồng; nợ xấu dưới 2%; các tốc độ về tổng tài sản, lợi nhuận nói chung tăng khoảng 50% so với năm trước; tín dụng và huy động đều tăng từ 25% đến trên 30%.

Sacombank, Eximbank cũng cho biết đều hoàn thành và vượt chỉ tiêu lợi nhuận năm 2010. Theo đó, Sacombank vượt mức chỉ tiêu lợi nhuận chưa hợp nhất (không bao gồm lợi nhuận từ các công ty con trực thuộc) đưa ra là 2.400 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Đối với Eximbank, với chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế xây dựng năm qua ở mức 2.200 tỷ đồng, ngân hàng này cho biết đủ khả năng hoàn thành.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số ngân hàng chưa công bố lợi nhuận trước thuế, chẳng hạn như Vietcombank, ACB, Techcombank… và theo một nguồn tin đáng tin cậy thì năm 2010 không phải nhà băng lớn nào cũng hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận đề ra, dù các ngân hàng này đã thận trong trước khi đưa ra kế hoạch lợi nhuận của năm 2010, đồng thời có điều chỉnh giảm sau đó.

Một trong những cái khó khiến các nhà băng này khó hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận là hoạt động tín dụng trong quý IV/2010 không như kỳ vọng. Lãi suất đầu vào tăng vọt và thậm chí đến cả nhà băng lớn như Techcombank có thời điểm phải nâng lãi suất huy động vốn lên đến 16 - 17%/năm.

Chi phí đầu vào tăng mạnh trong quý cuối cùng của năm 2010, song cửa vốn đầu ra lại co dần, do áp lực lãi vay cao nên khách hàng, nhất là DN chùn tay trước quyết định tiếp cận vốn vay mở rộng sản xuất - kinh doanh. Trong khi đó, nguồn thu đóng góp vào lợi nhuận ngân hàng năm qua chủ yếu từ hoạt động cho vay.

Thận trọng ở năm 2011

Năm 2011, nền kinh tế được nhận định sẽ khởi sắc hơn, nhưng với sức ép hậu khủng hoảng, sức khoẻ, sức đề kháng của cộng đồng DN có thể giảm, nên kinh doanh ngân hàng cũng không thể nằm ngoài vòng xoáy đó.

Đặc biệt, kể từ thời điểm 1/1/2011, các ngân hàng nội - ngoại được đối xử như nhau; Luật Các tổ chức tín dụng và Luật Ngân hàng Nhà nước bắt đầu có hiệu lực nên sức ép cạnh tranh sẽ lớn hơn. Mặt khác, mục tiêu của Chính phủ đưa ra ngay từ đầu năm 2011 là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát xuống mức phù hợp.

Vì thế, theo PGS. TS Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, khó có thể tránh được việc thắt chặt tiền tệ, ít nhất là trong 2 quý đầu năm. Và thực tế, thông điệp NHNN đưa ra từ đầu năm nay về mục tiêu kiểm soát tăng trưởng tín dụng năm 2011 ở mức 23%, thấp hơn 2% so với năm trước, cũng đã nói lên điều đó.

Tuy nhiên, thách thức sẽ luôn song hành cùng cơ hội, do đó bản thân các ngân hàng cũng có nhiều tham vọng cho hoạt động của năm 2011. Ông Trịnh Văn Tuấn cho rằng, mục tiêu kiểm soát lạm phát xuống mức phù hợp cũng đồng nghĩa với việc thắt chặt tiền tệ ở mức tương đối nên sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động ngân hàng.

Song trong 2 năm qua, khó khăn cũng là không ít đối với ngành ngân hàng nên các nhà băng đã dần quen để đưa ra giải pháp đối phó. Vì thế, theo ông Tuấn, không chỉ với OCB mà các nhà băng khác cũng có thể lạc quan trong thời kỳ hậu khủng hoảng. Mục tiêu tăng trưởng của ngân hàng này đặt ra cho năm 2011 là sẽ tăng trưởng khoảng 30 - 40% so với năm trước.

Với MB, bà Cao Thị Thúy Nga, Phó tổng giám đốc Ngân hàng cho biết, định hướng chung trong năm nay là đặt tốc độ tăng trưởng cho các chỉ tiêu từ 30 - 40%. Đồng thời, MB dự kiến sẽ tăng vốn lên 10.300 tỷ đồng để đảm bảo năng lực tài chính trong quá trình phát triển.

Sacombank dự kiến sẽ trình ĐHCĐ trong kỳ họp thường niên vào tháng 3 tới về kế hoạch chi trả cổ tức bằng cổ phiếu ở mức 15 - 20%/năm. Trong giai đoạn 2011 - 2015, việc tăng vốn điều lệ của Sacombank được thực hiện chủ yếu qua việc chi trả cổ tức bằng cổ phiếu.

Theo ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Sacombank, trong năm nay, Ngân hàng dự kiến nâng vốn chủ sở hữu lên 17.000 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ chỉ dự kiến ở mức 10.700 tỷ đồng (so với mức hiện nay là 9.179 tỷ đồng).

Vì vậy, kế hoạch hoạt động của Sacombank trong năm 2011 sẽ trình ĐHCĐ chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế dự kiến là 2.800 tỷ đồng. Các chỉ tiêu khác tăng 20 - 30% so với năm 2010. Một phần là do kỳ vọng năm 2011 sẽ tốt hơn cho hoạt động của ngành, sau khi lạm phát được kiểm soát ở mức hợp lý, từ đó chi phí huy động vốn đầu vào sẽ giảm.

Với OceanBank, trong năm 2011, ngân hàng này sẽ tăng vốn điều lệ lên 5.000 tỷ đồng, đặt kế hoạch 1.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và dự kiến chi trả cổ tức ở mức 16 - 17%. Tuy nhiên, chiến lược của OCeanbank là sẽ điều chỉnh cơ cấu lợi nhuận của Ngân hàng theo hướng tăng tỷ trọng nguồn thu từ dịch vụ nhiều hơn.

Các ngân hàng kỳ vọng, đến đầu quý II/2011, lãi suất huy động vốn sẽ giảm dần khi lạm phát được kiểm soát. Đồng thời, tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng sẽ dần được cải thiện kể từ cuối quý 2 khi áp lực lãi suất giảm. Đây sẽ là cơ hội cho các nhà băng gia tăng nguồn thu từ hoạt động cho vay và từ các hoạt động kinh doanh khác.

Theo Thùy VinhĐầu tư chứng khoán

CafeF

Đọc thêm