Ngàn ngã rẽ cuộc đời

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tôi chợt nhận ra, những con đường vẫn luôn trải dài, trường tồn với thời gian, cho dù thay đổi từ đường đất sang bê tông, đường vẫn là đường. Nhưng con người sẽ luôn biến mất, bào mòn theo thời gian, cho đến lúc chỉ còn dư ảnh để người khác hồi tưởng, tưởng tượng hoặc hoài niệm trong cuộc sống này.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tôi thường có thói quen chạy xe máy lang thang đi khắp nơi mỗi khi rảnh rỗi. Điều này bắt đầu từ khi nào tôi chẳng còn nhớ, có thể là từ khi tôi đủ tuổi để vặn được tay ga hay đạp số xe máy để leo lên những con dốc dựng đứng. Những chuyến đi của tôi chẳng mấy khi có đích đến, tôi lơ đãng ngồi trên xe cho đến lúc cổ và lưng đau rát do sức nặng của chiếc balo đằng sau. Hoặc khi bình xăng cạn kiệt, tôi sẽ đi tìm nơi để tiếp thêm nhiên liệu. Ngồi trên vỉa hè, trước cây xăng, tôi hay nhấm nháp vài món ăn tạm bợ, nhìn dòng xe đang hối hả chạy trước mắt và nghĩ: “Con đường này sẽ đi đến đâu?”.

Bố mẹ tôi cảm thấy con mình rất kì quặc, một đôi vợ chồng ưa chuộng sự sạch sẽ, tiện nghi, lại sinh ra một đứa con cả người luôn dính đầy bụi đường. Mu bàn tay đỏ au do cháy nắng khi chạy xe trên những con đường quốc lộ không có một bóng cây. Họ thường ví tôi như một anh Xan-trô Pan-xa xa cưỡi con la già, chậm rì, cũ rích. Mẹ tôi rất nhiều lần ngỏ ý sẽ đưa tôi đi chơi trong “những chiếc hộp bốn bánh” mà tôi thường gọi là “nhà tù của tinh thần”. Tôi thà chạy xe đến đau rát cả lưng, bỏng cả da vì cháy nắng, cũng không muốn mình bị giam giữ trên một con đường.

Mỗi chuyến đi là một lần tôi được sống một cuộc đời mới, khám phá ra nhiều bản thể khác trong con người. Tôi chợt nhận ra, những con đường vẫn luôn trải dài, trường tồn với thời gian, cho dù thay đổi từ đường đất sang bê tông, đường vẫn là đường. Nhưng con người sẽ luôn biến mất, bào mòn theo thời gian, cho đến lúc chỉ còn dư ảnh để người khác hồi tưởng, tưởng tượng hoặc hoài niệm trong cuộc sống này.

Con người giống nhau đến kỳ lạ, ở đâu cũng có những đau khổ và hạnh phúc. Giống như mỗi con đường, ta chẳng thể biết được nó sẽ dẫn mình đi đâu, nếu như không dấn thân vào. Một buổi tối, khi tôi lang thang trong ngôi làng trồng hoa ở ngoại ô thành phố Hà Nội, nơi những bóng đèn tại các vườn ươm lập lòe tựa như đám ma chơi. Tôi dừng lại trong cơn mưa mịt mù, ngồi nghe mấy người đàn bà tán gẫu: “Hôm nay là 20/10, nghe nói phụ nữ ở những nơi khác được tặng hoa”. Người khác bật cười đáp lại: “Ông nhà cho tôi nghỉ ra đồng một ngày đấy nhé!”. Những người khác khúc khích cười. Họ tiếp tục bàn chuyện làng xóm, trẻ con, trộm vặt,…

Tôi nhìn mấy khuôn mặt sạm đen, vô tư dưới ánh đèn lập lòe. Rít một hơi lạnh đầu đông, tôi nhớ về người phụ nữ tôi gặp cách đây vài năm. Người đàn bà đẹp sống trong căn nhà giàu sang giữa khu phố yên tĩnh, nhà bà đầy lẵng hoa tú cầu, tường vi, hoa hồng. Mọi thứ nở rộ như những cánh bướm trong căn hộ màu trắng sáng bóng không có một vết bụi. Bà nằm bò trên chiếc piano đáng giá cả trăm triệu, đôi môi đỏ rít điếu thuốc. Ánh mắt đen lờ mờ, bà nói: “Đã năm năm rồi, chúng tôi không có một bữa ăn chung”.

Người đàn bà xinh đẹp tôi vừa mới quen vài tiếng trước đã cùng chồng chung sống như vậy. Năm năm, hàng chục bó hoa, hàng chục bộ váy trở thành những món quà câm lặng. Năm năm, hôm nào bà cũng ngồi bên bàn ăn vào mỗi tối, rồi tự tay ném hết những chiếc bát sứ đáng giá cả chục triệu vào thùng rác. Dung nhan xinh đẹp điêu tàn, cô độc trong ánh sáng hư ảo của cuộc đời.

Tôi nhìn ảnh bà treo trên tường, hàng dài cuốn sách bày trên giá, bà có lẽ giống như một nàng thơ trong những cuốn tiểu thuyết, bà từng mơ gì, sách vở dạy bà những gì? Và đột nhiên, tôi mong ước bà sống cuộc đời của những người phụ nữ quê mùa kia, những người không bị chi phối bởi tri thức, những lý tưởng đã được vẽ ra. Thoáng chốc, tôi tưởng như nhìn thấy bà ngồi bên cạnh những phụ nữ làm nông, mỉm cười hồn nhiên như bà đã từng có thuở thiếu nữ, đôi môi đỏ thì thầm: “Năm năm rồi, chồng tôi không về ăn cơm chung, nhưng tôi chẳng thèm quan tâm nữa!”.

Con đường quốc lộ lại trải dài ra phía trước tôi, giống như cả ngàn số phận, cả ngàn khuôn mặt người đang cùng lúc tồn tại, cả trăm triệu ngã rẽ của cuộc sống mà ta từng đặt ra câu: “Giá như…”. Giống một ngày cuối hè bỏng rát cả người, tôi đã lang thang trên những triền đê sông Hồng, bắt gặp người đàn bà già nua đang ngồi nhai trầu, bà nhỏ bé, lẩn thẩn đã ngoài tám mươi: “Thấy không, bà bạn tôi đang quét sân đấy”. Bà chỉ về phía ngôi nhà hoang rách nát, xập xệ đã chẳng còn người ở. Tôi buồn cười bà lẩm cẩm. Nhưng rất lâu sau này, khi chứng kiến một người bạn mãi mãi chìm trong màn sương tuổi hai mươi hai, tôi mới chợt giật mình. Trong phút chốc, tại nơi mà cô hay ngồi, tôi tưởng như đã thấy con người ấy.

“Đó là những khả năng”. Một người bạn nói với tôi. Đó là lí do tại sao khi đi trên những di tích, trên những triền đề xa xôi tại ngoại ô Hà Nội, ta có thể cảm nhận cả ngàn năm lịch sử, có những người đã từng sống, đã từng bước chân giống ta trên đời này. Bởi đó là một khả năng, họ có thể thực sự đã từng làm như vậy hoặc không.

Ta cảm nhận bằng một tiếng gọi chung mang tên con người. Ta có thể không biết hết cuộc đời của một vĩ nhân, của một người nông dân hoặc của một vị thánh. Nhưng có thể chắc chắn rằng họ cũng từng yêu, từng được yêu, từng đau khổ, từng hận thù. Họ cũng từng phải lo miếng cơm, manh áo hàng ngày. Cũng từng có cả ngàn khả năng, cả trăm ngã rẽ có thể xảy ra với họ. Rồi họ chết đi, những nấm mồ được con cháu xây cất giống như những thủy đình nằm lặng yên trên thửa ruộng màu mỡ gần triền đê sông Hồng. Họ nằm yên đó, xa xa là những luống rau xanh mướt mỡ màng - những luống rau tôi từng tự hỏi: “Phải chăng nó được hút sinh khí trên chính những di thể đã từng có cả một cuộc đời?”.

Đọc thêm