Ngăn ngừa gia tăng tỷ lệ giới trẻ sử dụng thuốc lá thế hệ mới

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Ngày 23/11, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội thảo cung cấp thông tin cho báo chí về “Thực trạng, thách thức và giải pháp tiêu dùng thuốc lá tại Việt Nam”.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đáng báo động số người tử vong vì thuốc lá

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Hồ Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) có thống kê, hàng năm có khoảng 8 triệu người tử vong vì thuốc lá, trong đó có thêm 1 triệu người tử vong do hút thuốc lá thụ động. Ở Việt Nam, con số này lên đến 40.000, theo thống kê đây là con số rất đáng báo động. WHO dự báo đến năm 2030 sẽ tăng lên tới 70.000 người tử vong/năm nếu các biện pháp phòng, chống tác hại thuốc lá hiệu quả không được thực hiện.

Còn theo bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, Việt Nam vẫn nằm trong số 15 quốc gia sử dụng thuốc lá cao nhất thế giới. Tỷ lệ nam giới trưởng thành hiện đang sử dụng thuốc lá điện tử là 5,6%, nữ giới trưởng thành sử dụng thuốc lá điện tử là 1%.

Đặc biệt, tỷ lệ sử dụng thuốc lá mới ở các thành phố có xu hướng tăng, nhất là đối tượng học sinh, sinh viên, giới trẻ. Theo nghiên cứu về các hành vi nguy cơ đối với sức khỏe học sinh THCS và THPT tại Hà Nội, 2020 do Viện Chiến lược và Chính sách y tế tiến hành năm 2020 cho thấy, tỷ lệ đang sử dụng thuốc lá điện tử ở học sinh lớp 8 - 12 là 8,35% (nữ là 4,8%, nam là 12,39%), ở học sinh lớp 10 - 12 là 12,6%. “Tỷ lệ nữ giới hút thuốc lá điện tử cũng tăng cao hơn so với hút thuốc lá điếu thông thường”, bà Trang nói.

Xuất hiện nhiều sản phẩm thuốc lá thế hệ mới

Chia sẻ về thuốc lá điện tử, ông Nguyễn Tuấn Lâm – đại diện Văn phòng WHO tại Việt Nam cho biết hiện nay, một số sản phẩm thuốc lá mới như: thuốc lá điện tử có nicotine, thuốc lá nung nóng, nhóm sản phẩm hỗn hợp… Thuốc lá thế hệ mới chứa nhiều chất độc giống như thuốc lá truyền thống, thuốc nung nóng cũng chứa nhiều chất độc giống như khói thuốc lá.

Ông Nguyễn Tuấn Lâm nêu rõ, WHO khuyến cáo, hiện tại các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới không được phép nhập khẩu, quảng cáo và bán ở Việt Nam; nên duy trì và tăng cường các quy định luật pháp hiện tại về cấm nhập khẩu và bán để ngăn ngừa sự gia tăng nhanh chóng tỷ lệ sử dụng trong giới trẻ. Đồng thời tăng cường thực thi quy định chống buôn lậu, quảng cáo và bán các sản phẩm này.

Theo các chuyên gia, hiện nay, thuốc lá mới (thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng) được đưa vào Việt Nam chủ yếu qua đường nhập lậu, xách tay… Các sản phẩm đang được quảng cáo khá phổ biến trên mạng xã hội được sử dụng phổ biến bởi giới trẻ như Facebook, Instagram, Tiktok… Người tiêu dùng có thể dễ dàng mua bất hợp pháp các sản phẩm thuốc lá mới trên Internet, các trang mạng xã hội. FB, Zalo cá nhân.

Trong khi đó, hiện Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá chưa có quy định điều chỉnh đối với thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. Việt Nam mới có Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thuốc lá điếu do Bộ Y tế ban hành. Các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn của thuốc lá trong Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá chưa điều chỉnh đối với thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng.

Tuy nhiên, bà Trần Thu Trang nhấn mạnh quan điểm của Bộ Y tế, là nhất quán quan điểm bảo vệ sức khỏe người dân trên các lợi ích kinh tế, dựa trên căn cứ khoa học, điều kiện thực tiễn của Việt Nam: không thí điểm các sản phẩm có hại cho sức khỏe. Bộ Y tế đề nghị cấm toàn bộ các sản phẩm thuốc lá mới.

Kiểm soát thuốc lá bằng chính sách thuế

Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều biện pháp, chính sách nhằm hạn chế việc sử dụng thuốc lá, trong đó có chính sách về thuế, truyền thông…

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hương (Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế), cần áp dụng các chính sách nhằm giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá như chính sách về thuế thuốc lá; cảnh báo sức khỏe; cấm quảng cáo, khuyến mãi, tài trợ thuốc lá; hỗ trợ cai nghiện thuốc lá; xây dựng môi trường không khói thuốc; truyền thông phòng chống tác hại thuốc lá.

Hiện thuế thuốc lá là 75% giá xuất xưởng từ 01/01/2019 tương đương 38,8% giá bán lẻ. Cần tăng cường xây dựng bằng chứng và vận động tăng thuế thuốc lá lên 70% giá bán lẻ các sản phẩm thuốc lá theo khuyến cáo của WHO.

Đồng quan điểm, ThS Đào Thế Sơn (Đại học Thương mại) phân tích, một trong những biện pháp kiểm soát thuốc lá hiệu quả được đưa ra là chính sách thuế. Cụ thể, chính sách thuế góp phần nâng cao sức khỏe, giảm bệnh tật/tử vong và chi phí y tế. Ông kiến nghị, chính sách thuế cần thể hiện vai trò chủ đạo trong giảm tiêu dùng và Việt Nam nên bổ sung thuế tuyệt đối ở mức đủ lớn.

Đồng thời, cần sử dụng giá bán lẻ làm cơ sở tính thuế tỷ lệ thay vì giá xuất xưởng như hiện tại (tỷ lệ tất cả các loại thuế nên đạt tối thiểu 75% giá bán lẻ). Bên cạnh đó, để giảm khả năng chi trả cho thuốc lá, nên điều chỉnh thuế thường xuyên, bắt kịp với lạm phát và tăng trưởng thu nhập. Như vậy, với mức tăng thuế đủ lớn sẽ giảm được số người hút thuốc, giảm bệnh tật và tử vong. Số lượng người hút thuốc lá giảm sẽ giảm chi phí y tế tương ứng.

Đọc thêm