Tác động xấu từ dịch bệnh, thiên tai, bão giá…
Năm 2010, dịch bệnh tai xanh ở lợn và cúm gia cầm (H5N1) tiếp tục bùng phát trên diện rộng và gây thiệt hại đáng kể cho sản xuất chăn nuôi và để lại hậu quả khá dai dẳng.
|
Công nhân Công ty CP CPI chăm sóc đàn lợn giống tại trại lợn xã Hiệp Hòa (Vĩnh Bảo) Ảnh: Hoàng Phước |
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), sau khi dịch tai xanh các tỉnh phía Bắc làm trên 14.800 con lợn chết, từ tháng 8-2010, dịch lại tiếp tục bùng phát tại các tỉnh phía Nam. Dịch lây lan khắp 30 tỉnh, thành phố làm trên 150.000 con lợn bị chết. Do tâm lý lo ngại gia súc bị dịch bệnh, sản lượng thịt tiêu thụ tại các chợ ở các thành phố lớn giảm 30 - 40% so với trước khi có dịch, dẫn đến tình trạng tiêu thụ thịt lợn ở các trang trại nhiều địa phương bị đình trệ. Người chăn nuôi không còn mặn mà đầu tư cho chuồng trại. Trong khi đó, hai trận lũ liên tiếp tại Bắc Trung Bộ làm 3.500 - 4.000 con trâu bò, 40.000 - 50.000 con lợn và 1,2 - 1,5 triệu con gia cầm bị chết, gây thiệt hại nặng nề cho người chăn nuôi.
Bên cạnh đó, nhân tố đóng vai trò quyết định, chiếm 70 - 80% giá thành sản phẩm, là thức ăn chăn nuôi lại phụ thuộc chủ yếu vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Hiện nay, nước ta phải nhập khẩu trên 2 tỷ USD nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, trong đó, 20% nguyên liệu giàu năng lượng, 80% các loại thức ăn bổ sung, 80 - 90% thức ăn giàu đạm và trên 90% chất phụ gia. Theo ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, 6 tháng cuối năm, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi thế giới tăng cao, cộng với sự biến động về tỷ giá USD đẩy giá nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi trong thời gian gần đây liên tục tăng, thậm chí giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trên thị trường trong nước luôn cao hơn giá nhập khẩu từ 10 - 15%. Giá thức ăn chăn nuôi Việt Nam khó có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực và thế giới bởi nhiều yếu tố ngoài ý muốn này.
Không chỉ đối mặt bởi giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, chuỗi cung ứng các sản phẩm phục vụ chăn nuôi cũng như sản phẩm đầu ra cho thị trường đến tay người tiêu dùng còn quá nhiều khâu trung gian. Điển hình, trong thời gian dài rớt giá do ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng giá thịt lợn trên thị trường tiêu thụ gần như không có nhiều biến động và người tiêu dùng vẫn phải mua thịt với giá cao. Điều này dẫn đến tình trạng giá thực phẩm cao nhưng người chăn nuôi không có lợi nhuận cao, đặc biệt đối với các hộ chăn nuôi mang tính nhỏ lẻ.
Cần những giải pháp đồng bộ
Mục tiêu phát triển chăn nuôi năm 2011, giá trị sản xuất tăng bình quân từ 7,5 - 8% so với năm 2010, đưa tỷ trọng chăn nuôi công nghiệp lên 30 - 32%, tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt xấp xỉ 4,3 triệu tấn (tăng 6,5%), trong đó có khoảng 30 triệu con lợn, 337 triệu con gia cầm, 155 nghìn con bò sữa; 6,5 tỷ quả trứng và 330 nghìn tấn sữa. Song song với việc đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo phương thức chăn nuôi trang trại, công nghiệp đồng thời tạo mối liên kết, hợp tác hỗ trợ chăn nuôi nông hộ, truyền thống và các hình thức chăn nuôi khác cùng phát triển bảo đảm an toàn sinh học, dịch bệnh; bảo đảm vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường; ngành chăn nuôi cần có những chính sách vĩ mô khuyến khích phát triển chăn nuôi, đặc biệt là những chính sách cụ thể để bảo đảm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi; mặt bằng cho sản xuất chăn nuôi trang trại, công nghiệp cần được tháo gỡ ở tầm quốc gia.
Chủ trang trại Nguyễn Văn Phúc ở Thanh Hà, Nam Sơn, Sóc Sơn (Hà Nội), cho rằng chăn nuôi bền vững thì phải chăn nuôi tập trung, cần có đất, nhưng hiện nay việc tích tụ ruộng đất rất khó khăn. Do đó, Nhà nước cần có quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung để cho các hộ chăn nuôi được thuê đất để đầu tư lâu dài. Ông Nguyễn Thanh Sơn cũng cho rằng, việc quy hoạch vùng chăn nuôi đang là bài toán khó đối với ngành chăn nuôi vì cho đến nay, chưa có văn bản nào quy định tỷ lệ % diện tích đất sử dụng cho chăn nuôi trong cơ cấu đất đai. Bên cạnh đó, những khó khăn về vốn, sự ưu đãi đối với ngành chăn nuôi chưa tương xứng so với các ngành khác chưa thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển.
Khi giá nguyên liệu thế giới có xu hướng tăng mạnh, ngành chăn nuôi trong nước cần có một giải pháp lâu dài, ổn định là sử dụng các nguồn nguyên liệu nội địa. Tuy nhiên, do thiếu quy hoạch bài bản và chiến lược đầu tư nên nguồn nguyên liệu nội địa chỉ ở quy mô nhỏ, manh mún. Khác với các nước, quỹ đất của nước ta chỉ tính cân đối lương thực cho người và xuất khẩu, chưa cân đối lượng thức ăn cho phát triển gia súc, gia cầm, thủy sản nên việc nhập khẩu nguyên liệu thức ăn cho chăn nuôi trong thời gian tới phải tiếp tục. Thực tế, các địa phương đã có những chính sách khuyến khích về phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ, đặc biệt như bò thịt, bò sữa, dê... nhưng việc chuyển đổi diện tích canh tác sang trồng cỏ cho chăn nuôi vẫn chậm, thậm chí giảm vì chăn nuôi gia súc ăn cỏ không cạnh tranh được với những sản phẩm khác lợi nhuận cao hơn. Bên cạnh đó, thực trạng chăn nuôi quy mô nhỏ, phân tán vẫn là trở ngại cho đầu tư, đổi mới công nghệ cũng như phòng, chống dịch bệnh và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Bích Hồng