Bởi vậy, theo các chuyên gia, để đẩy mạnh hoạt động khai thác khoáng sản, vấn đề công khai, minh bạch cần được triển khai một cách mạnh mẽ và quyết liệt.
Ngành công nghiệp “có nhiều vấn đề”
Mặc dù Luật Khoáng sản (Luật) đã được ban hành từ năm 2010 với nhiều quy định nhằm tăng cường tính minh bạch, song trên thực tế triển khai chưa được như kỳ vọng của nhà làm luật. Vẫn còn một câu hỏi lớn về khoảng cách giữa những chủ trương, quy định trên giấy và thực tiễn thi hành.
Cụ thể, mặc dù Luật quy định thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản nhưng lại không quy định rõ các tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp (DN) qua đấu giá, khiến việc lựa chọn nhiều khi không đạt được mục tiêu là DN có đủ năng lực thực hiện. Ngoài ra, quy định hiện nay cũng không yêu cầu công khai quá trình cấp phép từ thông tin DN đăng ký cấp phép cho đến DN được lựa chọn cấp phép, nên mức độ minh bạch trong quá trình cấp phép rất hạn chế và thiếu tính cạnh tranh.
Nhiều DN đã phải trả nhiều chi phí không chính thức để có được giấy phép khai thác. “Chi phí không chính thức của các DN khoáng sản luôn cao hơn từ 2% trở lên so với các DN khác” - ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nêu thực tế từ việc phát phiếu thăm dò, lấy ý kiến của các DN.
Không chỉ vậy, với quy định về đấu giá được áp dụng đại trà, các nhà làm luật cũng kỳ vọng sẽ giảm thiểu cơ chế “xin – cho”, nhưng cho tới nay, số trường hợp thực hiện đấu giá vẫn là con số khá khiêm tốn. Tính đến tháng 06/2016, ở cấp địa phương mới có 7/52 tỉnh/thành có kế hoạch triển khai đấu giá, với gần 70 điểm và mỏ với tổng giá trị khoảng 39 tỷ đồng.
Tuy nhiên, số liệu các mỏ đấu giá thành công lại không được cập nhật thường xuyên. “Tại sao Việt Nam có nhiều quy định, kể cả theo tiêu chuẩn quốc tế được đánh giá là khá tốt, nhưng trong thực tế lại không thực hiện được? Cách thức nào để thực thi tốt các quy định về minh bạch trong thực tiễn, không chỉ từ phía các cơ quan nhà nước mà còn từ các công ty, DN khai thác khoáng sản”- ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI đặt vấn đề.
Một vấn đề khác là việc công khai, minh bạch trong công tác quy hoạch khoáng sản được biểu hiện thông qua quá trình lấy ý kiến trước khi ban hành, sửa đổi quy hoạch và công bố quy hoạch sau ban hành. Tuy nhiên, việc lấy ý kiến các bản quy hoạch khoáng sản hiện nay mới chỉ xoay quanh một số cơ quan nhà nước trong khi đây là vấn đề ảnh hưởng rất lớn đến trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ của các bên liên quan, đặc biệt là DN và người dân địa phương nơi có hoạt động khoáng sản…
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, theo các chuyên gia, đó là do việc minh bạch hóa lĩnh vực khoáng sản còn hạn chế, bởi hiện nay nhiều cơ quan có cùng chức năng nhưng trách nhiệm chưa cụ thể, rõ ràng, dẫn đến chồng chéo trong quản lý cũng như hoạt động thanh tra, kiểm tra.
“Hiện nay vấn đề thể chế quản lý ngành khoáng sản rất phân tán. Ví dụ, Bộ Công Thương là đơn vị chủ quản của Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam cùng nhiều đơn vị liên quan khác nhưng chủ yếu quản lý đến các hoạt động khai thác. Khâu chế biến, sản xuất và sử dụng hiện nay đang gần như còn bỏ ngỏ. Bên cạnh đó, nội dung về cấp phép hoạt động khoáng sản hiện nay do Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý, nhưng giám sát hoạt động khoáng sản lại do Bộ Công Thương thực hiện”- ông Đào Đắc Tạo, Hội Khoa học Công nghệ Mỏ Việt Nam nhận xét và cho rằng những lỗ hổng, chồng chéo và phân tán trong thể chế quản lý hiện tại đã dẫn đến những vướng mắc, khó khăn đối với các bên tham gia hoạt động khai thác khoáng sản hiện nay. Các chính sách được ban hành kèm theo thông tư, nghị định cũng rất chậm trễ… hậu quả dẫn đến một ngành công nghiệp khai khoáng có rất nhiều vấn đề.
Hoàn thiện chính sách tài chính thu - chi
Tán thành với quan điểm trên, ông Bùi Đức Hiền, Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho rằng, muốn đảm bảo quản lý tốt, môi trường pháp lý phải bình đẳng và yêu cầu minh bạch cũng cần đề cao. “Minh bạch như thế nào? Đó là quá trình truyền tải thông tin đầy đủ từ cơ chế chính sách, các thông tin về quá trình cấp phép, thăm dò, khai thác; minh bạch trong kinh doanh DN và minh bạch cả quản lý thu – chi ngân sách nhà nước từ khai thác khoáng sản”- ông Hiền nói.
Cũng theo ông Hiền, xét về điều tiết ngân sách, các khoản thu từ khai khoáng hiện nay khá nhiều, nhưng bản chất các khoản thu và quản lý thu cũng còn nhiều bất cập. Ví dụ: đối với tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; các thông tin, số liệu về trữ lượng, chất lượng khoáng sản hiện nay chưa được công khai đầy đủ hoặc chưa chính xác.
Việc tính toán tiền cấp quyền dựa trên số liệu này đưa tới một rủi ro lớn với DN. DN hiện nay đang phải trả một khoản tiền trong khi họ hoàn toàn không biết chắc là mình sẽ thu được gì trong lòng đất hay không (?!).Ví dụ này cho thấy nhu cầu minh bạch cần phải thực hiện ngay từ khâu phê duyệt thăm dò, trữ lượng và chất lượng mỏ khoáng sản.
Nhấn mạnh đến vấn đề minh bạch trong công tác quy hoạch, ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế VCCI đề nghị, công tác quy hoạch khoáng sản cần được công khai cả bản sửa đổi, bổ sung quy hoạch, phụ lục và bản đồ. “Thực tế cho thấy, nhiều trường hợp quy hoạch khi được phê duyệt thì có hiệu lực ngay từ ngày ký, tuy nhiên lại chậm được công bố. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều DN biết trước những thông tin mỏ khoáng sản có trong quy hoạch, nên có những bước đi trước các DN khác. Do vậy, quy hoạch khoáng sản chỉ có hiệu lực sau khi công bố 15 ngày, để các DN cùng có được thông tin”, ông Đức đề xuất.
Để đảm bảo công khai minh bạch trong hoạt động khai thác khoáng sản, một nội dung được nhiều đại biểu quan tâm đó là cần hoàn thiện chính sách tài chính thu - chi. Theo ông Nguyễn Tiến Chỉnh - Hội Khoa học Công nghệ Mỏ Việt Nam, trong thời gian tới, chính sách tài chính (thuế, phí) cần thực hiện theo hướng xem xét không thu chi phí cấp quyền khai thác mỏ mà gộp vào thuế tài nguyên với mức thuế suất phù hợp theo cơ chế thị trường và giá trị tô mỏ.