Ngành Công Thương Hải Phòng- Phát huy vai trò một ngành kinh tế chủ lực

Ra đời ngay sau khi thành phố được giải phóng, gần 55 năm qua, ngành Công Thương Hải Phòng không ngừng trưởng thành và lớn mạnh cùng thành phố Cảng, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Qua nhiều giai đoạn với các thay đổi về tổ chức, bộ máy, nhưng dù ở mô hình tổ chức nào, CBCNV ngành Công Thương luôn nỗ lực, sáng tạo, phát huy vai trò một ngành kinh tế chủ lực, đóng góp thiết thực vào sự phát triển của thành phố. Thành tích này được ghi nhận bằng Huân chương Độc lập hạng nhì năm 2009.

 

Quy mô lớn, hiệu quả cao

 

Giám đốc Sở Công Thương Hải Phòng Đỗ Quang Thịnh khẳng định: quy mô doanh nghiệp của ngành Công Thương tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng. Tính đến năm 2009, toàn thành phố có khoảng 10.000 doanh nghiệp thuộc ngành Công Thương, gấp 3,3 lần năm 2004; tổng nguồn vốn lên tới 132.000 tỷ đồng, gấp gần 3 lần. Đáng chú ý là, số lượng doanh nghiệp có quy mô vốn lớn ( từ 500 tỷ đồng trở lên) tăng khá nhanh, từ 7 doanh nghiệp năm 2004 lên 29 doanh nghiệp năm 2009. Số lao động làm việc trong ngành tăng hơn 100.000 người sau 5 năm và hiện ở con số gần 400.000 người.

 

Trước đây, nói tới công nghiệp Hải Phòng, nhiều người thường nghĩ ngay tới ngành giày dép, dệt may, giấy, sơn, bia, nhựa… Thế nhưng, với phương châm phát triển nhanh các ngành sản xuất có tiềm năng, lợi thế, công nghiệp Hải Phòng ngày nay lớn mạnh hơn nhiều. Ngoài việc các ngành nghề truyền thống đang tiếp tục phát huy thế mạnh và phát triển, Hải Phòng đã trở thành trung tâm của nhiều lĩnh vực sản xuất công nghiệp lớn như xi măng, sắt thép, đóng tàu, phân bón, điện, xơ sợi tổng hợp…, trong đó có nhiều lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn đối với sản xuất công nghiệp của cả nước. Tên tuổi của các doanh nghiệp như Xi măng Hải Phòng, Xi măng Chin- phong, Sơn Hải Phòng, Giấy HAPACO, Thép Việt Nhật, Việt Úc, Vạn Lợi, Sông Đà, đóng tàu Nam Triệu, Bạch Đằng, Sông Cấm; Nhiệt điện; phân bón DAP, Nhựa Tiền Phong, Ắc quy Tia Sáng, Bột giặt Vico, Bia Hà Nội- Hải Phòng… nổi danh trên địa bàn cả nước và lan tỏa sang thị trường nước ngoài. Nhờ vậy, giá trị sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng ở mức cao, năm 2009 đạt 38.481 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần so với năm 2004 với tốc độ tăng trưởng bình quân 16,3%/ năm. Vị trí thứ 6 so với 63 tỉnh, thành phố cho thấy quy mô và sự lớn mạnh của công nghiệp Hải Phòng.

 

Từ những cơ sở phân phối nhỏ bé trong một phạm vi hẹp, thương mại Hải Phòng những năm gần đây có sự bứt phá mạnh mẽ, từng bước vươn tới những mô hình phân phối hiện đại của khu vực và thế giới. Thương mại Minh Khai, Intimex, Big C, Metro, Parkson… không chỉ trở thành địa chỉ mua hàng tin cậy, văn minh, lịch sự của người tiêu dùng, mà còn là nơi tham quan, thư giãn của người dân và khách du lịch. Một loạt trung tâm thương mại khác đang được xây dựng như 43 Quang Trung, 37 Phan Bội Châu… khẳng định tiềm năng và thế mạnh của Hải Phòng trong lĩnh vực phân phối. Nhờ vậy, tốc độ tăng trưởng bán lẻ của Hải Phòng bình quân đạt tới 23,6%. Đáng ghi nhận hơn khi trong khủng hoảng, cả nước sụt giảm về xuất khẩu, thì Hải Phòng vẫn tăng trưởng 11,7% với tổng kim ngạch gần 1,7 tỷ USD. Từ 300 doanh nghiệp đã tăng lên tới hơn 600 doanh nghiệp xuất khẩu sang 75 quốc gia và vùng lãnh thổ, với hơn 30 mặt hàng có kim ngạch lớn như tàu biển, sản phẩm cơ khí siêu trường, siêu trọng, sơn các loại, nhựa PVC, rô- bốt, giày cao cấp, dệt may, ắc quy, giấy, thảm len, cáp điện, thủy sản, thịt lợn… thể hiện thế mạnh của Hải Phòng. Giám đốc Sở Công Thương Đỗ Quang Thịnh cho biết, hiệu quả rõ rệt nhất của ngành Công Thương chính là đã đóng góp tới 50% GDP hằng năm, hơn 85% kim ngạch xuất khẩu, giải quyết việc làm cho hơn 60% lao động, chiếm tỷ lệ 43- 45% trong tổng thu ngân sách… Đây là những con số nhiều ý nghĩa, cho thấy ngành Công Thương thực sự là một ngành kinh tế chủ lực của thành phố, góp phần quan trọng để Hải Phòng trở thành một trung tâm công nghiệp, thương mại của vùng và cả nước.

 

Vươn tới những đỉnh cao

 

Chưa dừng lại ở đây, ngành Công Thương đang tiếp tục nỗ lực vươn tới những đỉnh cao trong năm 2010 và những năm tiếp theo. Trong đó, mục tiêu trước mắt là phấn đấu đạt giá trị sản xuất công nghiệp năm 2010 là 43.483 tỷ đồng, tăng 13- 14%; kim ngạch xuất khẩu đạt 1,940 tỷ USD, tăng 15%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dich vụ tăng 22%..., thiết thực góp phần hoàn thành toàn diện kế hoạch 5 năm 2006- 2010.

 

Để đạt được mục tiêu đó trong điều kiện diễn biến kinh tế thế giới và cả nước tiếp tục có khó khăn, ngành Công Thương một mặt thực hiện đồng bộ các biện pháp ngăn chặn suy giảm kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, đồng thời góp phần thúc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án công nghiệp lớn trên địa bàn như Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng 1 và 2; các dự án sản xuất phôi thép, động cơ, phụ kiện cho ngành đóng tàu; dự án xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp Tràng Duệ, An Dương, Vinashin Shinec, Tân Liên, Tân Trào, VSIP; các dự án xây dựng trung tâm thương mại, siêu thị, cải tạo, nâng cấp hệ thống chợ… để tạo yếu tố góp phần cho tăng trưởng năm 2010 và các năm sau. Song song với đó là các biện pháp tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường nội địa, phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm, hướng dẫn, tạo điều kiện cho lưu thông hàng hóa thông suốt, tích cực chống buôn lậu và gian lận thương mại, không để xảy ra thiếu hàng, sốt giá, đồng thời thực hiện có hiệu quả lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin và hỗ trợ doanh nghiệp đưa hàng hóa ra nước ngoài, đáp ứng yêu cầu phát triển ngành Công Thương trong tình hình mới.

                       

Hồng Thanh

Đọc thêm