Ngành Công Thương: Thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực mới nổi

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Dù đã có bước “chạy nước rút” trong 4 tháng cuối cùng của năm 2023 khá thành công, xuất siêu chạm kỷ lục mới khi gấp hơn 2 lần năm 2022 nhưng lãnh đạo ngành Công Thương thừa nhận vẫn cần tiếp tục thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách có tính đột phá để thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực mới nổi và các mô hình kinh doanh mới, hiệu quả, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế.
Lãnh đạo Chính phủ, Bộ Công Thương chủ trì Hội nghị. (Ảnh: PV).
Lãnh đạo Chính phủ, Bộ Công Thương chủ trì Hội nghị. (Ảnh: PV).

“Điểm mặt” những hạn chế

Tại Hội nghị tổng kết ngành Công Thương năm 2023 diễn ra hôm qua (20/12), Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng đánh giá, năm 2023 được nhận định là đỉnh điểm khó khăn, xuất nhập khẩu trầm lắng, kéo theo sản xuất công nghiệp khó khăn. Tuy nhiên, ngành đã từng bước vượt qua thách thức đạt những kết quả tương đối khả quan. Trong đó, chỉ số sản xuất toàn ngành của cả năm 2023 tăng khoảng 2,3% so với cùng kỳ năm trước, ngành công nghiệp chế biến chế tạo ước tăng 3,1%; Nhiều địa bàn công nghiệp trọng điểm tiếp tục phục hồi hoặc duy trì đà tăng, như Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, TP Hồ Chí Minh...

Đáng chú ý, năng lực xuất khẩu (XK) của các doanh nghiệp (DN) 100% vốn trong nước cải thiện tích cực, mức giảm XK (giảm 0,9%) của khu vực trong nước thấp hơn nhiều so với mức giảm của khu vực đầu tư nước ngoài (FDI - giảm 5,9%). Cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp với mức thặng dư ước đạt gần 30 tỷ USD, gấp hơn 2 lần mức xuất siêu của năm 2022.

Công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường XK đạt kết quả tích cực, kết hợp duy trì các thị trường truyền thống với việc tích cực khai thác các thị trường mới (như châu Phi, Đông Âu, Bắc Âu, Tây Á). Mức độ suy giảm trong XK ngày càng được thu hẹp (từ mức giảm 12% trong nửa đầu năm 2023 xuống giảm khoảng 4,6% của cả năm 2023).

Tuy nhiên, Thứ trưởng Phan Thị Thắng cũng nhìn nhận ngành Công Thương vẫn còn nhiều hạn chế như sản xuất công nghiệp phục hồi chậm (chỉ tăng trưởng trở lại trong 4 tháng cuối năm); Mức độ tham gia của các DN trong nước vào các chuỗi cung ứng toàn cầu còn hạn chế; Năng lực sản xuất công nghiệp chậm được cải thiện, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp có tính nền tảng, then chốt. Mức độ liên kết giữa các DN trong ngành và liên ngành còn hạn chế; liên kết giữa các DN FDI với DN trong nước còn yếu.

Quy mô XK chưa phục hồi so với năm trước (kim ngạch XK cả năm 2023 ước đạt 354,5 tỷ USD, giảm khoảng 4,6% so với năm 2022); Mức độ phụ thuộc vào khu vực FDI trong XK vẫn còn lớn (kim ngạch XK của khối DN FDI kể cả dầu thô chiếm khoảng 73% tổng kim ngạch XK). “Cán cân thương mại xuất siêu chủ yếu do nhập khẩu giảm mạnh hơn so với XK, cho thấy những khó khăn trong sản xuất hàng hóa phục vụ XK” - Thứ trưởng lưu ý.

Bên cạnh đó, theo Thứ trưởng Phan Thị Thắng, tăng trưởng thương mại nội địa tuy đạt cao nhưng chưa bằng mức tăng trưởng các năm trước khi xảy ra dịch COVID-19; tốc độ tăng trưởng có xu hướng chậm dần vào cuối năm (6 tháng đầu năm tăng 16,3%, cả năm 2023 ước tăng 9,6%); Còn thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa các bên trong chuỗi cung ứng hàng hóa (nhà sản xuất, nhà phân phối, nhà vận chuyển, người tiêu dùng), nhất là đối với hàng thực phẩm tươi sống, thiết yếu, nên thị trường dễ bị biến động do tác động của tâm lý người tiêu dùng.

Chú trọng phát triển ngành công nghiệp có tính nền tảng

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: PV).

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: PV).

Để kịp thời khắc phục những hạn chế, yếu kém thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã yêu cầu toàn ngành cần chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thể chế. Trước mắt, tập trung hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các kế hoạch thực hiện 4 quy hoạch ngành quốc gia về năng lượng, khoáng sản và khẩn trương tham mưu xây dựng, sửa đổi, bổ sung các Luật, Nghị định, cơ chế chính sách có vai trò quan trọng đến sản xuất kinh doanh của DN; Đồng thời, chủ động đề xuất với cấp có thẩm quyền cho thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách có tính đột phá để thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực mới nổi và các mô hình kinh doanh mới, hiệu quả, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế.

Đồng thời chú trọng các nhiệm vụ, giải pháp tập trung giải quyết các “điểm nghẽn” và tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN phục hồi, phát triển sản xuất, nhất là trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; Đẩy nhanh triển khai các dự án phát triển công nghiệp, năng lượng, thương mại, nhất là các dự án trọng điểm để sớm đưa vào hoạt động, góp phần nâng cao năng lực nội sinh của nền kinh tế.

Ngoài ra, chú trọng phát triển các ngành công nghiệp có tính nền tảng, quan trọng và công nghiệp hỗ trợ; Ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghệ mới, công nghệ cao (như sản xuất chíp bán dẫn, khai thác chế biến khoáng sản) để trở thành một động lực mới thúc đẩy sự phát triển của ngành.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng yêu cầu cần chủ động tham mưu khai thác các cơ hội từ quan hệ đối ngoại với các nước lớn để đón đầu làn sóng dịch chuyển đầu tư các ngành trọng điểm sang nước thứ 3 của các tập đoàn đa quốc gia nhằm chống đứt gãy chuỗi cung ứng, nhất là trong lĩnh vực mà Việt Nam đang có nhu cầu và lợi thế, như công nghiệp điện tử, hạ tầng số, hạ tầng logistics, năng lượng sạch, công nghiệp vật liệu mới, chíp và chất bán dẫn; đồng thời, tăng cường thực thi hiệu quả các giải pháp kết nối chặt chẽ giữa các DN FDI với DN trong nước nhằm thúc đẩy phát triển kỹ năng quản trị, chuyển giao công nghệ, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của DN Việt, đáp ứng yêu cầu tham gia vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Đổi mới chất lượng và chính sách để dẫn dắt nền kinh tế tuần hoàn

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: “Ngành Công Thương phải thẳng thắn nhận diện những tồn tại, bất cập và phải tự khắc phục, sửa đổi trong thời gian tới. Đó là khắc phục tình trạng chậm trình các văn bản theo thẩm quyền. Ngành đã trình và ban hành được một số văn bản rất quan trọng nhưng số lượng chưa ban hành cũng khá lớn. Do đó, ngành cần phải đổi mới, đổi mới từ tư duy, đổi mới từ quan điểm, đổi mới trong chính sách. Nếu chất lượng cũng như chính sách không đổi mới chúng ta không thể dẫn dắt nền kinh tế tuần hoàn và ngành năng lượng từ “nâu sang xanh”. Và nếu không đổi mới, sẽ không thể nào tận dụng được xu thế hội nhập.

Bên cạnh đó, cần có các biện pháp không để xảy ra những vấn đề như thiếu nguyên - nhiên - vật liệu, trong đó có xăng dầu, khí đốt, điện năng, hay các nguồn năng lượng sơ cấp và tự động trên cơ sở xem xét đánh giá những nguyên nhân nào là khách quan, chủ quan. Cơ cấu nguồn và sự phát triển các nguồn điện còn nhiều điểm chưa thực sự cân đối. Có lẽ đây là một lĩnh vực hết sức khó, đòi hỏi những dự báo, đánh giá chính xác, đòi hỏi bảo đảm giải quyết “bài toán” kỹ thuật an toàn về hệ thống, bảo đảm giải quyết “bài toán” về kinh tế”.

Đọc thêm