Xu thế tất yếu
HĐQT Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) vừa thông qua phương án thành lập Công ty Cổ phần Năng lượng tái tạo Điện lực Dầu khí (PV Power REC), với số vốn điều lệ 60 tỷ đồng. Theo công bố, PV Power góp 30,6 tỷ đồng, tương ứng với 51% vốn điều lệ. Tổng số cổ phần của PV Power REC là 6 triệu cổ phần với mệnh giá 10.000 VNĐ/cổ phần.
Theo đánh giá, với việc hàng loạt các dự án nhà máy điện ở việt Nam đang chậm tiến độ, nước ta đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu điện trong tương lai là rất lớn. Ngoài ra, thủy điện gần như đã được khai thác hết ở các con sông tại Việt Nam, trong khi nhiệt điện than tiềm ẩn ô nhiễm môi trường và nguồn nguyên liệu cũng sẽ dần cạn kiệt thì việc phát triển các dự án điện sử dụng LNG, năng lượng tái tạo (NLTT) như điện gió, điện mặt trời là xu thế tất yếu.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đang định hướng phát triển thêm các dự án sản xuất điện từ năng lượng tái tạo. PV Power là doanh nghiệp được chi phối bởi PVN. Hiện, đơn vị này chỉ đang phát triển thủy điện, điện than và điện khí. Theo PVN, PV Power đã hoàn thành xây dựng Chiến lược phát triển đến năm 2025, định hướng đến năm 2035, trong đó tập trung phát triển nhiệt điện khí (bao gồm LNG), đẩy mạnh phát triển NLTT.
Trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, PV Power sẽ góp vốn thành lập công ty cổ phần, liên kết để triển khai đầu tư các dự án, trong đó dự án điện mặt trời mái nhà, điện mặt trời lòng hồ, điện gió khoảng 55 MW. Trong 10 năm tiếp theo, PV Power sẽ tập trung tìm kiếm, nghiên cứu góp vốn đầu tư các dự án NLTT khả thi, mục tiêu đến năm 2035 tham gia góp vốn để đầu tư thêm 1.000 MW NLTT (trong đó phấn đấu 800 MW được đưa vào vận hành).
Trong quá trình triển khai đầu tư xây dựng các dự án NLTT trong giai đoạn hiện nay tuy có nhiều thuận lợi từ các cơ chế chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, song PV Power vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức như sự thiếu đồng bộ giữa phát triển nguồn điện mặt trời, điện gió đã gây ra các “điểm nghẽn” về truyền tải điện; cơ chế chính sách cho việc đầu tư các dự án NLTT chưa đồng bộ, phù hợp; giá điện còn chưa thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư; các địa phương có tiềm năng phát triển NLTT còn bị động trong hỗ trợ phát triển NLTT... Những vướng mắc, rào cản đó nếu không được sớm khắc phục, việc phát triển các nguồn NLTT sẽ không phát huy được hiệu quả, gây lãng phí nguồn lực xã hội và làm nản lòng các nhà đầu tư.
Kiến nghị chính sách hỗ trợ
Để thúc đẩy phát triển NLTT, PV Power đã đề xuất PVN kiến nghị với Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ như cơ chế hạn ngạch, cơ chế giá cố định, cơ chế đấu thầu, cơ chế cấp chứng chỉ. Ngoài ra, cần quan tâm tới hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đầu tư NLTT nhằm khai thác được các công nghệ mới và phù hợp với xu thế giảm giá thành NLTT đã và đang định hình trên thế giới...
Theo PVN, nếu có chính sách hỗ trợ hợp lý, NLTT sẽ là một giải pháp hiệu quả, đóng góp lớn cho hệ thống điện quốc gia, góp phần giải bài toán thiếu điện cho phát triển kinh tế - xã hội trong những năm tới. Với những lợi thế đang có, PV Power tự tin tham gia vào lĩnh vực NLTT, chủ động góp phần tạo nguồn năng lượng “xanh, sạch” cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Liên quan đến vấn đề phát triển NLTT của PV Power, mới đây, tại buổi làm việc với ông Lê Mạnh Hùng - Tổng Giám đốc PVN, ông Lê Như Linh - Tổng Giám đốc PV Power đã báo cáo về công tác đầu tư phát triển các dự án cũng như đẩy mạnh đầu tư vào các dự án điện sử dụng LNG trên cơ sở tận dụng các thế mạnh đang có. Mặt khác, PV Power tiếp tục đẩy mạnh tái cấu trúc, xây dựng PV Power trở thành một công ty công nghiệp điện - dịch vụ mạnh, hiệu quả, có năng lực cạnh tranh cao trong lĩnh vực điện năng và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ liên quan.
Lãnh đạo PVN đã đồng ý và ủng hộ chủ trương đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo của PV Power. Đồng thời, khẳng định PVN sẽ tạo điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ PV Power thực hiện các dự án này.