Ngành Du lịch tổn thất nặng nề vì bão lũ

(PLVN) - Cơn bão số 3 Yagi đổ bộ vào các tỉnh miền Bắc Việt Nam, khiến hàng loạt các thành phố du lịch trọng điểm rơi vào đình trệ. Đường điện bị đánh sập, cơ sở lưu trú bị tàn phá, tàu bè đứt mỏ neo để lại thiệt hại nặng nề cho ngành du lịch ở miền Bắc trong thời gian này.
Thị xã Sa Pa tạm dừng đón khách tại các điểm du lịch do chịu ảnh hưởng hoàn lưu bão số 3. (Nguồn: ĐVCC)

Thiệt hại hàng tỷ đồng

Sau khi cơn bão số 3 đi qua, Quảng Ninh là một trong những tỉnh chịu thiệt hại nặng nề nhất. Hàng loạt ngôi nhà bị sập, hàng trăm người dân chịu thương tổn do bão gây ra. Bên cạnh đó, theo thông tin từ tỉnh Quảng Ninh, bão Yagi đánh chìm hơn 20 tàu ở bến cảng Tuần Châu, nơi đưa khách tham quan Vịnh Hạ Long, khiến chủ tàu thiệt hại hàng tỷ đồng. Đại diện Cảng tàu khách Quốc tế Tuần Châu cũng cho biết, đó mới chỉ là số liệu thống kê tạm thời vì hiện tại, công tác thống kê, xác minh chủ phương tiện vẫn chưa hoàn tất do sóng viễn thông kém, mất điện, nhiều phương tiện đi tránh trú chưa liên lạc được.

Tại khu vực Bãi Cháy, nơi tâm bão tàn phá nhiều nhất là hình ảnh tan hoang, tiêu điều ở các khu du lịch. Thống kê đến ngày 9/9, đã có khoảng 38 tàu, thuyền bị chìm, mất tích; 1.000 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hại, chìm, mất tích. Số nhà bị tốc mái, hư hại lên đến hàng nghìn.

Ngoài thiệt hại về tàu thuyền, hàng loạt khách sạn ở tỉnh Quảng Ninh cũng đang chịu ảnh hưởng do bão số 3. Những khu lưu trú bị tốc vỡ cửa kính, dột trần nhà, mái, hư hỏng đồ đạc do gió bão, ước tính thiệt hại lên đến vài tỷ đồng. Thậm chí, rất nhiều công ty du lịch - lữ hành, cơ sở lưu trú, quán hàng tạm thời lùi lịch đón khách đến vài tuần để thực hiện công tác dọn dẹp, sửa sang.

Theo hãng Best Price, doanh nghiệp có nhiều đoàn khách với tổng số khoảng 100 khách nước ngoài dự định du lịch Hạ Long, Hải Phòng trong các ngày 7 - 8/9. Tuy nhiên, vì bão số 3 Yagi đổ bộ, mọi lịch trình bị hủy bỏ.

Không chỉ có ngành du lịch của các tỉnh, thành như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội bị ảnh bởi bão Yagi, hiện tại, mặc dù cơn bão đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, nhưng vẫn gây mưa úng, ngập lụt, sạt lở nặng nề ở nhiều tỉnh miền núi. Không ít địa điểm đã ngưng đón khách du lịch để bảo đảm an toàn.

Vào ngày 8/9, UBND thị xã Sa Pa đã ra thông báo dừng các hoạt động du lịch ngoài trời; đón khách tham quan tại các điểm di tích, danh thắng trên địa bàn đến khi có thông báo mới. Do ảnh hưởng của bão Yagi, hiện nhiều tuyến đường và các đập tràn ở Sa Pa bị hư hỏng, không bảo đảm an toàn giao thông. Trước hình ảnh sạt lở của vùng đồi núi, mực nước sông suối dâng cao, nhiều chủ hộ homestay, nhà nghỉ đã chủ động liên hệ rời lịch với những khách đã đặt phòng trước để bảo đảm an toàn.

Khắc phục tổn thất, sớm nối lại hoạt động du lịch

Báo cáo với Thủ tướng trong cuộc họp trực tuyến, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy đánh giá bão số 3 là một thảm họa với tỉnh. Vậy nên, ngoài nỗ lực tự thân, tỉnh cũng mong muốn Chính phủ hỗ trợ. Cấp bách nhất là điều máy bay trực thăng giúp tỉnh tìm kiếm các tàu, thuyền, người trôi dạt trên biển, để hạn chế thấp nhất hậu quả về người. Việc này nên giao cho Hải quân Vùng 1 chủ trì.

Hiện tại, các công trình nghìn tỷ ở thành phố Quảng Ninh đang được gấp rút sửa sang lại. Bảo tàng Quảng Ninh đang được nỗ lực thu dọn hiện trường kính vỡ, thạch cao vỡ, làm việc với cơ quan phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn, đơn vị bán bảo hiểm để thống kê thiệt hại. Trước mắt sẽ lắp thêm các tấm meca đen để bảo đảm che phủ an toàn cho Bảo tàng. Đại diện Bảo tàng Quảng Ninh cho biết phải mất từ 1 - 2 tháng để khôi phục hiện trạng nguyên như ban đầu.

Ở Hải Phòng, một trong những tỉnh, thành chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão Yagi đang nhanh chóng khắc phục hậu quả. Cơn bão cũng gây ra sự cố các đường dây truyền tải điện, gây mất điện trên hầu khắp các địa bàn quận huyện. Hạ tầng thông tin liên lạc, viễn thông gặp sự cố bị gián đoạn hoặc mất tín hiệu nhiều khu vực trên diện rộng. Riêng huyện đảo Cát Hải (nơi có điểm du lịch Cát Bà), việc khôi phục hệ thống lưới điện gặp khó khăn do phụ thuộc vào việc khắc phục sự cố đứt đường dây truyền tải điện trên khu vực biển.

Ông Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy Hải Phòng đề nghị các đơn vị khẩn trương thu dọn vật cản nhằm khôi phục giao thông, sửa chữa, khắc phục kết cấu hạ tầng thiết yếu, cấp điện, cấp nước trở lại, khôi phục các hệ thống hạ tầng thông tin liên lạc; tiêu thoát nước ngập úng, vệ sinh môi trường; tổ chức cảnh báo nguy hiểm đối với các tuyến giao thông, kết cấu hạ tầng hư hại chưa được khôi phục...

Ngoài các tỉnh, thành đang tiếp tục khắc phục hậu quả sau cơn bão, bốn sân bay ở miền Bắc bị ảnh hưởng do cơn bão Yagi đã trở lại hoạt động bình thường từ ngày 8/9 và tiếp tục khai thác các chuyến bay theo đúng kế hoạch. Cụ thể, sân bay Nội Bài (Hà Nội) hoạt động bình thường từ 23h50 ngày 7/9. Sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) hoạt động bình thường từ 20h12 và sân bay Thọ Xuân (Thanh Hóa) từ 22h ngày 7/9. Sân bay Cát Bi (Hải Phòng) cũng hoạt động trở lại từ 0h08 ngày 8/9.