Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đánh giá đây là mức giảm sâu hơn trung bình cả nước. Mặc dù vậy, TP vẫn là điểm sáng của ngành Du lịch, khi tổng thu vẫn đạt 84.512 tỷ đồng, giảm 39,6%, thấp hơn mức giảm chung của toàn ngành.
Nhằm hỗ trợ các DN du lịch nhanh chóng phục hồi sau đại dịch, ngoài các giải pháp giảm giá điện, giảm phí, lệ phí, Sở Du lịch cũng làm việc với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.
Đến nay, 10/50 cơ sở lưu trú, lữ hành gặp khó khăn trong liên hệ với ngân hàng đã được giảm lãi suất cho vay. Bên cạnh đó, 10 DN đang được xem xét cơ cấu lại nợ gốc, ân hạn nợ gốc, hoãn thanh toán lãi, giảm lãi và tái cấp hạn mức.
Sang năm 2021, Sở Du lịch cho biết sẽ tiếp tục tập trung hỗ trợ DN, đồng thời truyền thông, quảng bá về điểm đến và thương hiệu du lịch TP và thúc đẩy kích cầu, khai thác ứng dụng số trong du lịch.
Ở kịch bản nếu tình hình dịch Covid-19 trên thế giới được kiểm soát, Việt Nam mở lại một số đường bay quốc tế đến một số quốc gia an toàn, ngành du lịch TP phấn đấu đón 7 triệu lượt khách quốc tế và 26 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu với kịch bản này ước đạt 97.700 tỷ đồng, phấn đấu đạt 111.800 tỷ đồng.
Trong trường hợp dịch Covid-19 trên thế giới chưa được kiểm soát, tình hình dịch tại Việt Nam diễn biến phức tạp và cần tạm ngưng các đường bay quốc tế, ngành Du lịch sẽ tiếp tục duy trì hoạt động ở mức thấp nhất. Lượng khách nội địa ước đạt 10 triệu lượt, phấn đấu đạt 10,5 triệu lượt, mang về tổng thu khoảng 35.600 tỷ đồng.
Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP HCM. |
Tại Hội nghị, ông Siêu yêu cầu ngành Du lịch TP đẩy mạnh quá trình cơ cấu, phát triển nhiều loại hình du lịch mới đa dạng, đặc sắc mà TP có lợi thế như MICE (loại hình du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện, du lịch khen thưởng của các Cty cho nhân viên, đối tác), du lịch ban đêm.
“Mỗi cuộc khủng hoảng như thế này là cơ hội để chúng ta tư duy lại, cơ cấu lại thị trường, sản phẩm... TP phải là trung tâm du lịch sự kiện không chỉ của cả nước, khu vực mà còn của thế giới”, ông Siêu nói.
Từ góc độ DN, ông Trần Đoàn Thế Duy, TGĐ Vietravel cũng cho rằng TP cần tập trung thúc đẩy phát triển cả nội tại lẫn liên kết bên ngoài. Trong đó, ngành Du lịch nên đầu tư nâng cấp và làm mới các điểm đến nội ô, ngoại thành, tạo điều kiện cho người dân TP đi du lịch tại chỗ với những dịch vụ mới như du lịch sinh thái Cần Giờ, địa đạo Củ Chi, du lịch đường sông Sài Gòn, sản phẩm văn hóa về đêm.
Bản thân mỗi DN, theo bà Vũ Thị Thanh Hiền, PGĐ khách sạn Grand Saigon, cũng xác định du lịch nội địa tiếp tục là mũi nhọn trong năm 2021, để từ đó chủ động xây dựng thêm nhiều gói sản phẩm kết hợp giữa dịch vụ lưu trú, ẩm thực, hội nghị, giải trí... phù hợp và đáp ứng theo nhu cầu của thị trường.
Nhằm hình thành nhiều sản phẩm mới đa dạng và thu hút du khách đến TP, đại diện các đơn vị cũng đề cao tầm quan trọng của các chương trình liên kết vùng và liên kết doanh nghiệp.
Tại Hội nghị, lãnh đạo Tổng cục Du lịch cũng giao nhiệm vụ cho du lịch TP dẫn dắt quá trình chuyển đổi số ngành từ tài nguyên đến các sản phẩm, dịch vụ, thông qua các dự án du lịch thông minh.
Liên quan đến vấn đề này, bà Vũ Thị Thanh Hiền cũng khẳng định việc áp dụng công nghệ 4.0 vào quá trình vận hành, kinh doanh sẽ giúp doanh nghiệp có nhiều lợi thế trong việc tiếp cận khách hàng tiềm năng, chăm sóc khách hàng, qua đó giảm chi phí và gia tăng hiệu quả kinh doanh.
“Sở đang thúc các DN cùng đẩy nhanh quá trình số hoá, tăng tương tác với du khách bằng công nghệ nhằm chuẩn bị sẵn sàng khi có điều kiện mở cửa thị trường khách quốc tế; Sở đang xây dựng, trình UBND TP HCM kế hoạch xây dựng bản đồ du lịch tương tác thông minh 3D/360 TP HCM, ứng dụng công nghệ 4.0 vào quảng bá phát triển du lịch. Sở phối hợp Sở VHTT và đơn vị tư vấn hoàn thiện hồ sơ đề án quảng bá du lịch tại các khu vực tập trung đông du khách và các trục đường chính, cửa ngõ ra vào TP bằng màn hình LED để thu hút nhiều du khách đến với TP”, bà Hiếu nói.