Ngành Hải quan: Đột phá trong kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu

(PLVN) - Thời gian qua, cơ quan Hải quan đã chủ động triển khai nhiều chương trình cải cách, hiện đại hóa hải quan, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp. Một trong những hoạt động mang lại nhiều kết quả nổi bật cho ngành Hải quan là công tác cải cách kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
Công chức Hải quan kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu - Ảnh N.L.

Nhiều chính sách quản lý chưa rõ ràng

Quá trình thực hiện thủ tục hải quan, cơ quan Hải quan đã phát hiện những vướng mắc trong thực hiện quy định về kiểm tra an toàn thực phẩm. Đó là một số mặt hàng thực phẩm thuộc đối tượng quản lý theo quy định tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm. Tại Phụ lục II, III, IV ban hành kèm Nghị định số 15/2018/NĐ-CP quy định Danh mục các sản phẩm/nhóm sản phẩm thực phẩm; hàng hóa thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và Bộ Công Thương.

Tuy nhiên, qua rà soát danh mục hàng hóa thuộc đối tượng kiểm tra an toàn thực phẩm kèm mã số HS chi tiết của Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế và Bộ Công Thương theo Thông tư số 11/2021/TT-BNNPTNT, Thông tư số 28/2021/TT-BYT, Quyết định số 1182/QĐ-BCT thì một số mặt hàng được quy định tại Phụ lục II, III, IV Nghị định 15 không được chi tiết tại các Thông tư, Quyết định nêu trên của các bộ. Đơn cử như mặt hàng hạt hướng dương, hạt dẻ mã số HS 20081991; trà lúa mạch mã số HS 20089990; viên nước lẩu, cà ri mã số HS 21041099; các mặt hàng súp (súp nấm, súp kem, súp thịt bò cay, canh dài heo...) và nước xuýt thuộc nhóm 2104...

Tổng cục Hải quan cho rằng, cần làm rõ đối với những mặt hàng thuộc đối tượng kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm theo quy định tại Nghị định 15 nhưng không được quy định chi tiết tại các Danh mục ban hành kèm Thông tư 11, Thông tư 28, Quyết định 1182 thì có phải kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm khi nhập khẩu hay không? Nếu có, bộ chuyên ngành nào (Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương hay Bộ Y tế) thực hiện?

Bên cạnh đó, tại Mục 6 Phụ lục II Nghị định 15 quy định “Các sản phẩm khác không được quy định tại danh mục của Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT” sẽ thuộc quản lý của Bộ Y tế. Do đó, các bộ cũng cần làm rõ trường hợp các mặt hàng không được quy định tại Danh mục của Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT theo Nghị định 15 và cũng không thuộc các Danh mục kiểm tra an toàn thực phẩm của các bộ thì có thuộc quản lý của Bộ Y tế về kiểm tra an toàn thực phẩm hay không?

Để có cơ sở giải quyết thủ tục hải quan cho doanh nghiệp, Tổng cục Hải quan gần đây đã tiếp tục đề nghị Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT có giải đáp về vấn đề này để cơ quan Hải quan thực hiện thống nhất.

Cắt giảm đáng kể mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành

Những vướng mắc như chính sách quản lý mặt hàng không rõ ràng, còn chồng chéo trong kiểm tra chuyên ngành là vấn đề tồn tại khá lâu. Vì vậy, Quyết định số 38/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu, ban hành đầu năm 2021 được kỳ vọng là bước đột phá, tháo gỡ những “nút thắt” bất cập nói trên.

Theo Quyết định 38, cơ quan Hải quan làm đầu mối kiểm tra chuyên ngành, các bộ, ngành thực hiện hậu kiểm và thực hiện 7 nội dung cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu nhằm đơn giản quy trình, thủ tục, ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin, áp dụng thực chất nguyên tắc quản lý rủi ro, giảm đầu mối tiếp xúc của doanh nghiệp, cắt giảm chi phí, thời gian thông quan hàng hóa nhập khẩu.

Thông tin tại Tọa đàm “Hải quan đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển hoạt động logistics, nâng cao sức cạnh tranh hàng hóa xuất nhập khẩu” vừa diễn ra tại TP Hồ Chí Minh, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) Nguyễn Bắc Hải chia sẻ, công tác cải cách kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu là một trong những hoạt động đã mang lại nhiều kết quả nổi bật của ngành Hải quan trong thời gian qua nhằm hiện thực hóa mục tiêu cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục cho doanh nghiệp theo định hướng của Chính phủ.

Theo đó, đã cắt giảm đáng kể các mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành. Đồng thời, chuyển đổi phương thức kiểm tra chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu từ tiền kiểm sang hậu kiểm, nổi bật như Bộ Công Thương; Bộ Khoa học và Công nghệ với 90% mặt hàng chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm; Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an với 100% mặt hàng chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm.

Việc áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro trong công tác kiểm tra chuyên ngành được thể hiện thông qua nhiều văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng tăng đối tượng được miễn kiểm tra; miễn giảm kiểm tra chất lượng đối với hàng hóa đã có 3 lần nhập khẩu đạt yêu cầu. Đồng thời, thay đổi phương thức kiểm tra an toàn thực phẩm từ kiểm tra chặt đối với tất cả các lô hàng nhập khẩu sang áp dụng 3 phương thức kiểm tra chặt, thông thường, giảm.

Đến nay, các bộ, ngành đã sửa đổi, bổ sung 29/38 văn bản; ban hành 48/60 danh mục hàng hóa kèm mã số HS; hoàn thành ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn hoặc loại bỏ khỏi danh mục hàng hóa nhóm 2 và danh mục hàng hóa được phép nhập khẩu cho 22/22 nhóm hàng. Đặc biệt, loại bỏ 3 nhóm hàng phế liệu khỏi danh mục phế liệu được phép nhập khẩu phục vụ sản xuất của Bộ Tài nguyên và Môi trường; loại bỏ 2 nhóm hàng khỏi danh mục hàng hóa nhóm 2 phải kiểm tra chất lượng của Bộ Y tế…

Đọc thêm