Ngành Hải quan nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh

(PLVN) -  Theo công bố mới đây của Bộ Tài chính, trong khối Tổng cục, Tổng cục Hải quan dẫn đầu với 93,7/100 điểm Chỉ số theo dõi, đánh giá kết quả cải cách hành chính năm 2021. Kết quả này một lần nữa cho thấy những nỗ lực trong cải cách của ngành Hải quan nhằm mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh và tạo thuận lợi thương mại.
Cán bộ Hải quan địa phương đang làm nghiệp vụ. (Ảnh minh họa)

Xây dựng đội ngũ tinh nhuệ, giảm đầu mối trung gian

Tại Kế hoạch Cải cách, phát triển và hiện đại hóa ngành Hải quan đến năm 2025 (theo Quyết định số 1855/QĐ-BTC) đã chỉ rõ các giải pháp và tổ chức thực hiện trong việc tổ chức bộ máy và nguồn nhân lực.

Trong đó, xây dựng tổ chức bộ máy Hải quan 3 cấp: cấp Tổng cục, cấp Vùng và cấp Chi cục. Đồng thời, nghiên cứu đổi mới tổ chức và hoạt động của các đơn vị chuyên sâu về phân tích, xác định trọng điểm theo từng loại hình cửa khẩu; đơn vị phân loại hàng hóa; đơn vị quản lý giá, xuất xứ hàng hóa; đơn vị kiểm tra hồ sơ hải quan.

Bên cạnh đó, xây dựng cơ sở vật chất hiện đại, phương pháp quản lý đào tạo đạt chuẩn của cơ sở đào tạo cấp khu vực và đội ngũ giảng viên chuyên sâu về kiến thức hải quan, kỹ năng sư phạm, một số giảng viên cơ hữu và giảng viên kiêm chức được Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO) công nhận là giảng viên của WCO có thể tham gia giảng dạy quốc tế…

Triển khai Kế hoạch trên, Tổng cục Hải quan ban hành Quyết định số 2158/QĐ-TCHQ. Trong đó, thực hiện rà soát, sắp xếp cơ cấu tổ chức của các vụ, cục, đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối trung gian, không chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả và đáp ứng yêu cầu quản lý theo mô hình nghiệp vụ hải quan thông minh. Nghiên cứu mô hình nghiệp vụ hải quan số, hải quan thông minh, định hướng phát triển của ngành Hải quan, định hướng của Đảng, Nhà nước về tổ chức bộ máy.

Trên cơ sở đó, đề xuất mỗi cục hải quan tỉnh, thành phố thành lập một chi cục thông quan tập trung thực hiện tiếp nhận tờ khai hải quan tập trung qua hệ thống; các chi cục hải quan trực thuộc cục hải quan tỉnh, thành phố thực hiện giám sát hải quan, kiểm tra thực tế hàng hóa, cùng với đó rà soát, sắp xếp lại các phòng, chi cục hải quan, Chi cục Kiểm tra sau thông quan, Đội Kiểm soát Hải quan, Đội Kiểm soát phòng, chống ma túy theo định hướng tinh gọn, đáp ứng yêu cầu mô hình hải quan số, hải quan thông minh.

Mặt khác, nghiên cứu đổi mới tổ chức và hoạt động của các đơn vị chuyên sâu về phân tích, xác định trọng điểm theo từng loại hình cửa khẩu (đường bộ, đường biển, đường hàng không, đường sông, đường sắt); đơn vị phân loại hàng hóa, đơn vị quản lý giá, xuất xứ hàng hóa; đơn vị kiểm tra hồ sơ hải quan. Kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác kiểm định hải quan để triển khai Đề án Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu...

Ưu tiên cải cách thể chế

Đặc biệt, thời gian qua Tổng cục Hải quan đã tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp về cải cách thủ tục hành chính (TTHC), thực hiện tốt hoạt động đánh giá tác động của TTHC trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, góp phần quan trọng bảo đảm sự cần thiết, tính hợp pháp, hợp lý của quy định về TTHC; công khai TTHC thường xuyên, kịp thời để bảo đảm quyền được tiếp cận thông tin về TTHC của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp (DN); tăng cường công tác kiểm soát TTHC trong toàn ngành.

Song song đó, Tổng cục Hải quan đã xây dựng và vận hành hiệu quả một số hệ thống công nghệ thông tin quan trọng để phục vụ thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan tự động. Đây chính là “đòn bẩy” góp phần tạo thuận lợi cho DN nâng cao sức cạnh tranh, đạt sự tăng trưởng, lấy lại đà phục hồi trong hoạt động sản xuất kinh doanh sau ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Tổng cục Hải quan cũng đã tích cực đẩy mạnh công tác hoàn thiện cơ chế, chính sách, tập trung nguồn nhân lực, thời gian triển khai xây dựng các văn bản đảm bảo thực hiện đúng theo trình tự, thủ tục và các văn bản hướng dẫn thi hành nhằm tháo gỡ các vướng mắc của cộng đồng DN, hạn chế các quy định chồng chéo giữa các cơ quan quản lý, bảo đảm tính khả thi, hiệu lực, hiệu quả. Kết quả cải cách đáng chú ý trong thời gian qua là nâng cao hiệu quả Cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN.

Trong năm 2022, Tổng cục Hải quan tiếp tục phát triển hệ thống công nghệ thông tin phục vụ kết nối, xử lý thông tin với các bộ, ngành và với các nước ASEAN, đảm bảo Cổng thông tin một cửa quốc gia được hoạt động thông suốt, an ninh, an toàn.

Với vai trò là Cơ quan thường trực của Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại, Tổng cục Hải quan đã tham mưu Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành tích cực triển khai các TTHC mới trên Cơ chế một cửa quốc gia. Tính đến ngày 21/11/2022, có 250 TTHC của 13 bộ, ngành được chính thức triển khai trên Cơ chế một cửa quốc gia, với hơn 55 nghìn DN tham gia.

Tổng cục Hải quan cũng tích cực thực hiện rà soát, đánh giá, đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa TTHC lĩnh vực hải quan. Tiếp tục duy trì và vận hành ổn định, hiệu quả, chuyên nghiệp Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả TTHC theo cơ chế một cửa tại cơ quan Tổng cục Hải quan. Tổng số hồ sơ yêu cầu giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa mà bộ phận Một cửa cơ quan Tổng cục Hải quan đã tiếp nhận từ 1/1/2022 đến 17/11/2022 là hơn 10.000 hồ sơ. Phần lớn hồ sơ được giải quyết và trả kết quả đúng thời hạn theo quy định, được tổ chức/cá nhân hài lòng.

Hiện Tổng cục Hải quan đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai Hệ thống một cửa điện tử của Bộ Tài chính tại Tổng cục Hải quan. Đáng chú ý, năm 2022, Tổng cục Hải quan đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi số ngành Hải quan giai đoạn 2021 - 2025 tại Quyết định số 707/QĐ-TCHQ ngày 4/5/2022.

Cũng trong năm 2022, với vai trò là đơn vị chủ trì theo dõi tình hình, đánh giá kết quả thực hiện cải cách về quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan đã tiếp tục chủ động phối hợp với các bộ, ngành để thực hiện các chỉ đạo liên quan đến cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành...

Đọc thêm