Đẩy mạnh hợp tác với đối tác truyền thống
WCO vừa qua đã lựa chọn chủ đề năm 2024 là “Cơ quan Hải quan chủ động hợp tác với các đối tác truyền thống và các đối tác mới” với mục đích kêu gọi các cơ quan Hải quan thành viên rà soát, đánh giá lại chiến lược quan hệ đối tác, bằng cách đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các đối tác vốn có và tìm kiếm các đối tác mới trong bối cảnh toàn cầu liên tục thay đổi, phát triển theo thời gian. Theo WCO, các yếu tố biến động bao gồm cách mạng công nghệ, khủng hoảng về môi trường và các vấn đề liên quan tới y tế, sức khỏe của cộng đồng; sự chuyển dịch về địa chính trị toàn cầu… đặt ra các thách thức đối với các cơ quan Hải quan trên toàn thế giới trong việc cần đưa ra các giải pháp ứng phó chủ động hơn.
Chủ đề của năm nay không chỉ là một tuyên bố mà còn là một định hướng của WCO về các biện pháp hành động cụ thể, vượt ra khỏi những phạm vi hợp tác truyền thống nhằm tìm kiếm những cơ hội mới. Việc triển khai các hoạt động này sẽ góp phần giúp cơ quan Hải quan thực hiện vai trò tạo thuận lợi thương mại song song với bảo đảm an ninh biên giới trong bối cảnh biến động của thế giới.
Theo đó, WCO kêu gọi các thành viên tăng cường hợp tác với các đối tác truyền thống: củng cố các quan hệ đối tác đã được thiết lập vì lợi ích của cả hai bên, hiểu rõ hơn các nhu cầu và kỳ vọng của mỗi bên. Thiết lập các mối quan hệ đối tác mới: tích cực tìm kiếm và thiết lập quan hệ hợp tác với các đối tác phi truyền thống, bao gồm các tổ chức tài chính, môi trường, các tổ chức phi chính phủ, các học viện, viện nghiên cứu… nhằm tìm kiếm các giải pháp mới, các góc nhìn mới đối với các thách thức mà cơ quan Hải quan phải đối mặt.
Đồng thời, hợp tác có chủ đích: bảo đảm rằng các mối quan hệ đối tác phù hợp với tầm nhìn và các giá trị của cơ quan Hải quan và các lợi ích có được từ việc xây dựng quan hệ đối tác. Cần đánh giá lại tính hiệu quả của các mối quan hệ đối tác trong việc thực hiện mục tiêu tạo thuận lợi thương mại, bảo đảm an ninh biên giới, tính bền vững của chuỗi cung ứng toàn cầu, phù hợp với các mục tiêu cốt lõi của tổ chức. Đa dạng hóa trong hoạt động đối tác: tính đến các quan điểm và tiếng nói rộng rãi, bảo đảm các chiến lược được hiện thực hóa trong hoạt động của đối tượng phục vụ của cơ quan Hải quan.
Đánh giá tác động và điều chỉnh chiến lược: thường xuyên đánh giá các mối quan hệ đối tác và điều chỉnh chiến lược nếu cần thiết. Cách tiếp cận năng động giúp bảo đảm quan hệ đối tác hiệu quả và luôn gắn với các mục tiêu đặt ra. Thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ và dữ liệu: tận dụng công nghệ hiện đại và phân tích dữ liệu để có thể hiểu và gắn kết với đối tác tốt hơn. Cách tiếp cận này giúp cơ quan Hải quan tăng khả năng phản hồi và hợp tác hiệu quả hơn.
Mục tiêu năm 2024 của Hải quan Việt Nam
Gắn liền với việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về hải quan; thời gian tới, Hải quan Việt Nam chú trọng xây dựng hình ảnh chuyên nghiệp, hội nhập hiệu quả, văn minh, hiện đại, trách nhiệm trong thực thi các nghĩa vụ và cam kết quốc tế.
Trong hợp tác song phương, Hải quan Việt Nam đặt mục tiêu sẽ tăng cường hợp tác với các đối tác chiến lược, đưa quan hệ hợp tác đi vào chiều sâu, thực chất với các chương trình hợp tác cụ thể về trao đổi thông tin nghiệp vụ hải quan, phối hợp điều tra chống buôn lậu và giao lưu thương mại, triển khai thương mại điện tử. Tăng cường trao đổi với các đối tác song phương để đẩy mạnh hợp tác như: Hoa Kỳ, Hà Lan, Anh, Pháp, Bỉ, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia...; duy trì và làm sâu sắc quan hệ hợp tác với Hải quan Trung Quốc, Lào và Campuchia; hợp tác chặt chẽ với hải quan các nước trong khối ASEAN; mở rộng quan hệ hợp tác với các đối tác khu vực Trung Đông và châu Phi...
Hải quan Việt Nam tiếp tục thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ và lợi ích tại WCO, ASEAN, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM), Chương trình Hợp tác kinh tế tiểu vùng Mê Kông mở rộng (GMS); bảo đảm tiến độ thực hiện các cam kết trong Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), ASEAN, WCO và với các đối tác đã ký Hiệp định thương mại tự do; tiếp tục thể hiện vai trò thành viên tích cực trong WCO, ASEAN, APEC, ASEM thông qua việc chủ trì, điều phối, tham gia các chương trình, dự án, các hoạt động của tổ chức, chủ động đề xuất các sáng kiến kết nối hợp tác với hải quan các nước.
Đặc biệt, Hải quan Việt Nam đặt mục tiêu thể hiện tốt vai trò Chủ tịch Diễn đàn hợp tác Hải quan ASEAN trong năm 2024; thực hiện thông suốt việc tham vấn kỹ thuật về phân loại, trị giá, xuất xứ, sở hữu trí tuệ và các vấn đề nghiệp vụ với các cơ quan chuyên môn của các tổ chức quốc tế mà Hải quan Việt Nam là thành viên; tăng cường hợp tác với các cơ quan trong khuôn khổ Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác như UNODC, INCB, UNDP... phục vụ công tác đấu tranh chống buôn lậu, phòng, chống ma túy và nâng cao năng lực cho các công chức Hải quan Việt Nam. Nghiên cứu và tiếp cận mô hình, kinh nghiệm hay của Hải quan Việt Nam về xây dựng Hải quan xanh.