Đầu tháng 3 tới, các ĐH, CĐ mới biết chính xác số lượng chỉ tiêu và ngành được phép tuyển khi Bộ GD-ĐT có quyết định chính thức nêu trong quyển “Những điều cần biết về tuyển sinh đại học và cao đẳng (ĐH, CĐ) năm 2010”. Tuy nhiên, thời điểm này nhiều ĐH lớn đã tung ra kế hoạch tuyển sinh 2010 với điểm nhấn là các ngành, chuyên ngành mới nhằm thu hút thí sinh.
Kỳ thi tuyển sinh 2010 đang “nóng” dần khi hơn 20 trường đại học “dự kiến” mở ngành, chuyên ngành đào tạo. Điều này giúp thí sinh tăng cơ hội chọn ngành nghề. Nhưng những ngành, chuyên ngành mới này có thật sự mới, hay chỉ là “bình mới rượu cũ”?
Đồng loạt mở ngành, chuyên ngành mới
Đơn cử, ĐH Quốc gia Hà Nội tuyển các ngành hóa dược (ĐH Khoa học tự nhiên), Việt Nam học (ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐH KHXH-NV), kế toán (ĐH Kinh tế); ĐH Thương mại mở ba chuyên ngành mới là quản trị thương hiệu, quản trị kinh doanh tổng hợp, thương mại dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng; ĐH Lâm Nghiệp mở ngành thiết kế cảnh quan, kỹ thuật cơ điện; ĐH Ngoại thương có thêm chuyên ngành mới là quản trị kinh doanh du lịch - khách sạn.
ĐH Quốc gia TP HCM dự kiến tuyển mới các ngành kiến trúc (ĐH Bách khoa), du lịch, Hàn Quốc học, Nhật Bản học, ngữ văn Tây Ban Nha (Trường ĐH KHXH-NV); ĐH Đà Nẵng tuyển mới ngành quản lý công nghiệp (Trường ĐH Bách khoa), luật kinh doanh (Trường ĐH Kinh tế); ĐH Tài chính - Marketing tuyển mới hai chuyên ngành là quản trị bán hàng, quản trị khách sạn - nhà hàng. ĐH Nông lâm TP HCM cũng thông tin tuyển mới 5 chuyên ngành: công nghệ sinh học môi trường, hệ thống thông tin môi trường, thiết kế đồ gỗ nội thất, kỹ thuật thông tin lâm nghiệp, kinh tế - quản lý nuôi trồng thủy sản…
Thí sinh nộ hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ năm 2009 tại Cơ quan đại diện Bộ GD - ĐT. Ảnh: Anh Dũng |
Bình mới rượu cũ?
Những ngành mới mà các ĐH công bố, thực chất có những ngành đã rất “cũ”. Chẳng hạn ngành kế toán, quản trị kinh doanh tổng hợp, quản trị kinh doanh du lịch - khách sạn đã được các trường ĐH Kinh tế, ĐH tư thục, dân lập đào tạo từ lâu. Hay ngành du lịch, Hàn Quốc, Nhật Bản hầu hết đã được đào tạo trong các ĐH Ngoại ngữ, ĐH Sư phạm, ĐH KHXH-NV…
Lượng sức” để xác định chỉ tiêu tuyển sinh |
Thạc sĩ Trần Đình Lý, giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh viên và quan hệ doanh nghiệp, thường trực hội đồng tuyển sinh ĐH Nông lâm TP HCM cho rằng hiện có hai trường phái nhận định khi mở ngành mới: Một là theo hướng đa ngành, phổ rộng, sinh viên tốt nghiệp ra trường dễ xin việc.
Còn theo phổ hẹp thì đi sâu vào chuyên ngành, nhưng nhiều khi quá hẹp, nên sinh viên ra trường khó tìm được việc làm. “Đây chỉ là những chuyên ngành rất hẹp thuộc các ngành đào tạo khác, một phần do nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, một phần do nhà trường cần yếu tố mới để hút thí sinh. Thực ra, đối với trường này thì mới, nhưng với trường khác thì đã đào tạo từ lâu”, ông Lý nói.
Đại diện nhiều ĐH vẫn khẳng định việc mở thêm ngành mới là nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội, nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực. Tiến sĩ Lê Thị Thu Thủy, trưởng phòng đào tạo ĐH Ngoại thương, cho biết “Năm nay trường bắt đầu đào tạo tại Uông Bí (Quảng Ninh) nên sẽ mở chuyên ngành quản trị kinh doanh du lịch - khách sạn nhằm đào tạo nhân lực phục vụ nhu cầu phát triển du lịch tỉnh này”.
Còn PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng, phó hiệu trưởng ĐH Nông lâm TP HCM thông tin các ngành chế biến lâm sản, chế biến thủy sản của trường mới mở vài năm gần đây có đầu vào trên sàn 1-2 điểm, nhưng sinh viên chưa ra trường đã có việc làm.
Thận trọng với những tên ngành “đẹp”
“Không nên đua theo các ngành có vẻ “hot”, tên ngành đẹp. Ngành có thí sinh thi vào nhiều, điểm trúng tuyển cao, nhưng chưa chắc xã hội có nhu cầu cao”, PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng phân tích.
Một đại diện ĐH KHXH-NV (ĐH Quốc gia TP HCM) cũng thừa nhận thực tế việc mở ngành mới đôi khi thất bại. Chẳng hạn, hai ngành nhân học, giáo dục học mở từ nhiều năm, nhưng năm nào cũng thiếu trầm trọng thí sinh, phải tuyển thêm NV2, điểm chuẩn luôn bằng điểm sàn! Lý do đơn giản vì “Các ngành này rất cần thiết cho khoa học, nhưng nhu cầu của xã hội chưa cần nên sinh viên rất khó tìm việc”.
Tiến sĩ Lê Thị Thanh Mai, phó trưởng ban ĐH và sau ĐH (ĐH Quốc gia TP HCM) cho biết năm nào khi tư vấn tuyển sinh, thí sinh cũng hỏi các cặp ngành “anh em” như sinh học và công nghệ sinh học, hóa học và công nghệ hóa học… giống và khác nhau như thế nào? “Cơ hội nghề nghiệp của các ngành đó phần lớn giống nhau, nhưng ngành nào có thêm chữ “công nghệ”, tên gọi “kêu” là điểm chuẩn sẽ tăng cao. Đó là vấn đề thí sinh cần phải cân nhắc! Thí sinh nên chọn ngành mình thích, phù hợp trình độ bản thân, trước khi quyết định chọn trường dự thi”, bà Mai nói.
Theo Đất Việt