Ngành may mặc, giày dép của Hải Dương đang gặp “khó”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hiện hoạt động sản xuất công nghiệp của nhiều doanh nghiệp ở Hải Dương tiếp tục gặp khó khăn do kinh tế thế giới hồi phục chậm. Đồng thời Trung Quốc mở cửa trở lại làm gia tăng cạnh tranh ở các thị trường xuất khẩu chính. 
Mặc dù một số ngành vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá, nhưng nhìn chung khu vực công nghiệp của tỉnh Hải Dương đang đối mặt nhiều khó khăn,thách thức
Mặc dù một số ngành vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá, nhưng nhìn chung khu vực công nghiệp của tỉnh Hải Dương đang đối mặt nhiều khó khăn,thách thức

Theo báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 5/2023 của tỉnh Hải Dương, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5 của tỉnh so với tháng trước bằng 103,1%. Trong đó một số ngành sản xuất chiếm tỷ trọng lớn có tốc độ tăng cao như sản xuất đồ uống tăng 56,4% (do yếu tố mùa vụ làm nhu cầu tiêu thụ nước giải khát tăng); sản xuất than cốc tăng 16%, sản xuất kim loại tăng 14,7%, sản xuất thiết bị điện tăng 5,2%, sản xuất và phân phối điện tăng 6,5%.

So với cùng kỳ, sản xuất công nghiệp tháng 5 của tỉnh Hải Dương bằng 107,3%. Sản xuất ở một số ngành trọng điểm chưa tăng trở lại đã tác động ngược chiều đến chỉ số chung toàn ngành như: Sản xuất trang phục bằng 88.4%; sản xuất than cốc bằng 86,7%; sản xuất thiết bị điện bằng 59,7%, sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại bằng 98,9%.

Tuy nhiên điểm sáng từ chế biến thực phẩm (+12,7%); sản xuất xe có động cơ (+23,7%); sản xuất và phân phối điện (+14,5%) đã giúp hoạt động sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng khá cao.

Nhìn chung trong 5 tháng đầu năm sản xuất công nghiệp của Hải Dương bằng 109,9% so với cùng kỳ năm trước. Một số ngành có tỷ trọng lớn, có chỉ số tăng cao tác động nhiều đến chỉ số chung của toàn ngành.

Ngành sản xuất xe có động cơ, sản lượng 5 tháng đầu năm tăng 24,9%, tác động làm chỉ số chung toàn ngành công nghiệp tăng 6,2 điểm%. Trong đó, xe có động cơ chở được từ 5 người trở lên tăng 145,0%; bộ dây đánh lửa và bộ dây khác sử dụng cho xe có động cơ tăng 11,7%.

Ngành sản xuất điện cũng tăng 8,3%, tác động chỉ số chung tăng 1,5 điểm %. Trong đó, mạch điện tử tích hợp tăng 4,3%. Máy kết hợp in, quét, fax, copy…tăng 21,%. Một số dự án mới đi vào hoạt động trong các tháng đầu năm như công ty TNHH Doosan Electro-materials, dự án sản xuất TK Precision Technology Việt Nam, dự án công ty TNHH linh kiện điện tử Wanshih (Việt Nam)…đã góp phần vào mức tăng chung của ngành.

Sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 13,7%, tác động làm chỉ số chung tăng 0,8 điểm %. Trong đó, sản phẩm thức ăn chăn nuôi tăng 17,0%. Với việc dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm cơ bản được kiểm soát tốt, xu hướng chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang quy mô lớn nên nhu cầu thức ăn chăn nuôi tăng khá cao.

Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 10,7% làm chỉ số chung toàn ngành công nghiệp tăng 1,1 điểm %. Nhu cầu tiêu thụ điện tăng do thời tiết nắng nóng và các hồ thủy điện thiếu nước. Đồng thời, giá than nguyên liệu đầu vào có xu hướng giảm nên sản lượng (nhiệt) điện sản xuất dự ước có mức tăng trưởng cao.

Tuy nhiên, một số ngành có mức tăng trưởng thấp hoặc giảm đã tác động trái chiều đến mức tăng trưởng chung. Đó là: ngành sản xuất kim loại và các sản phẩm từ khoáng phi kim loại sản lượng 5 tháng đầu năm bằng 100,9% và 98,6%. Do thị trường bất động sản tiếp tục trầm lắng, các dự án khu dân cư vướng thủ tục pháp lý, kéo theo nhu cầu vật liệu xây dựng không cao. Từ đầu năm đến nay, công ty cổ phần thép Hòa Phát phải ngừng 1 lò cao, công ty TNHH MTV Vicem xi măng Hoàng Thạch cũng ngừng 1 lò sản xuất clanke trong quý I, nên sản lượng thép, xi măng đều giảm lần lượt 0,1% và 2,8%.

Ngành may mặc, giày dép do các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, EU, Nhật Bản đều suy giảm do tình hình lạm phát, sức tiêu dùng giảm. Trong ngắn hạn chưa có tín hiệu phục hồi. Đồng thời Trung Quốc mở cửa trở lại làm nguồn cung tăng đột biến, trong khi cầu thấp đã gây áp lực lớn lên giá sản xuất hàng hóa…Hầu hết doanh nghiệp may mặc, da giày thiếu hụt đơn hàng, công nhân phải nghỉ việc hoặc làm luân phiên. Sản lượng của 2 ngành này lần lượt giảm 9,3% và 3,8%, tác động làm chỉ số chung giảm 0,7 điểm %.

Bên cạnh đó, sản xuất than cốc cũng giảm 26,8%; tác động làm chỉ số chung giảm 0,3 điểm %. Nguyên nhân do một lò cao luyện thép của công ty cổ phần thép Hòa Phát vẫn đang tạm dừng từ đầu năm.

Ngành sản xuất thiết bị điểm giảm 31,2% làm chỉ số chung giảm 1,2 điểm %. Nguyên nhân là do một doanh nghiệp lớn trong ngành là công ty TNHH Ducar Việt Nam chủ yếu sản xuất máy phát điện để xuất sang Mỹ. Nhưng từ cuối năm 2022 tới nay, thị trường này bị ảnh hưởng bởi lạm phát, số lượng đơn hàng giảm mạnh.

Từ đó tình hình sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp của tỉnh Hải Dương tại thời điểm 01/5/2023 dự ước bằng 100,6% so với tháng trước, bằng 93,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm, số lượng lao động bằng 96,4%.

Nguyên nhân chỉ số sử dụng lao động giảm được đánh giá là do một số ngành sử dụng nhiều lao động như ngành may mặc, giày dép, sản xuất đồ chơi phải cắt giảm lao động do sự thiếu hụt đơn hàng. Một số doanh nghiệp không có việc làm buộc phải cho lao động nghỉ phép luân phiên hoặc cắt giảm lao động.

Đọc thêm