Xuất khẩu đặt mục tiêu 41 tỷ USD
Trong buổi họp báo thường kỳ của Bộ NN&PTNT diễn ra sáng nay (2/3), Thứ trưởng thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết: Trên tinh thần kết quả đạt được qua 2 tháng đầu năm, trước những thuận lợi trong quan hệ quốc tế, thời tiết, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ NN&PTNT đã rà soát các giải pháp và quyết định thay đổi nhiều chỉ tiêu phát triển quan trọng của ngành.
Theo đó, năm 2018, toàn ngành nông nghiệp sẽ phấn đấu đạt tốc độ tăng GDP tối thiểu là 3,05% thay vì 3% như trước đó; tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt cũng đặt ra từ 3,3 - 3,5 %. Bộ NN&PTNT cũng quyết định nâng kim ngạch xuất khẩu (XK) từ 38 tỷ USD lên khoảng 41 tỷ USD, trong đó các sản phẩm trồng trọt trên 22 tỷ USD, thủy sản khoảng 10 tỷ USD, lâm nghiệp khoảng 9 tỷ USD. Về xây dựng nông thôn mới, năm nay dự kiến sẽ có 39% số xã đạt tiêu chí nông thôn mới chứ không còn 37% như đặt ra từ đầu năm. Cùng với đó, tỷ lệ che phủ rừng cũng không còn là 41,6% mà sẽ phấn đấu đạt 41,65 %.
“Đây không phải là các chỉ tiêu phiêu lưu, mà dựa vào kết quả rất tích cực từ những tháng đầu năm khi các mặt hàng chủ lực đều XK rất tốt. Có những mặt hàng tăng trên tới 30%. Trên cơ sở đó rà soát lại các giải pháp để điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng trong năm nay cho phù hợp” - Thứ trưởng Tuấn nhấn mạnh.
Để đạt được các mục tiêu này, theo lãnh đạo Bộ NN&PTNT, trước hết ngành nông nghiệp cần phải thoát khỏi tình trạng thẻ vàng mà Ủy ban Châu âu – EC đang áp dụng. Đồng thời, ngoài các thị trường lớn, truyền thống, chúng ta cũng cần khai thác triệt để, hiệu quả những thị trường mới nổi đối với các mặt hàng nông sản Việt Nam đang có lợi thế.
Theo số liệu thống kê, kim ngạch XK nông lâm thuỷ sản tháng 2 năm 2018 ước đạt 2,6 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 2 tháng đầu năm 2018 đạt 6,1 tỷ USD, tăng 30,2% so với cùng kỳ năm 2017. Theo Bộ NN&PTNT, một điều rất đáng mừng là sản xuất sạch, an toàn đã đang trở thành dòng chủ lưu không chỉ người tiêu dùng mà người sản xuất, nhà quản lý cũng đã ý thức vào cuộc. Và nhờ sản xuất an toàn, giá thành hạ, sức cạnh tranh tăng đã giúp chúng ta đã mở rộng rất tốt thị trường tiêu thụ nông sản.
Năm khởi sắc của ngành lúa gạo?
Theo Cục Trồng trọt, đến cuối tháng 2, các tỉnh phía Bắc (từ Thừa Thiên Huế trở ra) gieo cấy được 907,1 nghìn ha lúa Đông Xuân, bằng 97,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tại miền Nam, diện tích gieo sạ lúa Mùa 2017 đạt 570.585ha, chiếm 102,2% kế hoạch; đã thu hoạch được khoảng 545.562ha, chiếm 95,61% diện tích gieo trồng, năng suất đạt 48,3 tạ/ha.
Theo Cục Trồng trọt,năng suất lúa Đông Xuân ở ĐBSCL đạt 60 tạ/ha, tăng 5 tạ so với cùng kỳ 2017. Giá lúa ở khu vực này ổn định và tăng nhẹ 100-500 đồng/kg. Đặc biệt, trong những tháng đầu năm tình hình XK gạo rất tốt và giá gạo của Việt Nam cao hơn Thái Lan.
“Nếu như giá gạo xuất khẩu bình quân trong năm 2016 chỉ đạt 435 USD/tấn thì năm 2017 là 450 USD/tấn và giá gạo trong đợt xuất khẩu đầu năm 2018 đạt 475 USD/tấn. Nguyên nhân giá xuất khẩu gạo tăng cao là do trong 3-4 năm qua, chúng ta đã xây dựng được cơ cấu giống lúa chất lượng cao chiếm tới 80%” - Đại diện Cục Trồng trọt cho biết.
Trong năm 2018, lĩnh vực trồng trọt được kỳ vọng sẽ đem lại kim ngạch xuất khẩu trên 22 tỷ USD. Cùng với xuất khẩu lúa gạo khởi sắc, ngay từ đầu năm các vườn điều cơ bản đã phục hồi bật lộc, rau hoa tốt (từ 75-95%) và một số diện tích đã đậu quả trong khi nhãn vải ra hoa tốt đã cho thấy những tín hiệu khả quan.
Do thời tiết thuận lợi và công tác khuyến nông làm tốt, khiến vườn điều tái phục hồi. Trong cuộc họp giao ban mới đây, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, năm nay nếu làm tốt kim ngạch XK điều có thể đạt xấp xỉ 4 tỷ USD. Với nhãn vải dự báo sẽ được mùa trong năm nay, Bộ trưởng Cường chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ phối hợp với các địa phương chuẩn bị tốt khâu thị trường tiêu thụ trong tháng 3 và 4/2018.
Một tín hiệu tốt đối với mặt hàng sắn là thị trường xuất khẩu mở rộng do nhu cầu sản xuất ethanol và dự báo năm nay kim ngạch xuất khẩu sắn có thể đạt từ 1,4-1,6 tỷ USD. Chính vì thế, Bộ trưởng Cường giao Cục Trồng trọt đánh giá lại, đầu tư khoa học và tuyển chọn bộ giống sắn năng suất cao, thích hợp với các vùng sinh thái để duy trì diện tích nhưng có thể tăng sản lượng, phục vụ nhu cầu xuất khẩu.