Ngành nông nghiệp tiếp tục tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp

(PLVN) -Là một trong những ngành dẫn đầu về cắt giảm điều kiện kinh doanh (ĐKKD) và kiểm tra chuyên ngành (KTCN) trong năm 2019, song theo Thứ trưởng thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn, năm 2020, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục tạo môi trường kinh doanh thuận lợi trong hơn cho người dân và DN.
Thứ trưởng Hà Công Tuấn chủ trì Hội nghị.
Thứ trưởng Hà Công Tuấn chủ trì Hội nghị.

Thông tin tại hội nghị Triển khai nhiệm vụ cải cách hành chính (CCHC) trọng tâm năm 2020 của Bộ NN&PTNT tổ chức ngày hôm nay - 28/2 cho biết, trong năm 2019 , Bộ NN&PTNT đã rà soát 05 luật, 07 Nghị định và ban hành ban hành Quyết định 2673/QĐ-BNN-PC công bố Danh mục điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp đến ngày 30/6/2019, Danh mục điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp đã bãi bỏ, sửa đổi theo hướng đơn giản hóa.

Theo đó, lĩnh vực nông nghiệp hiện có 272 ĐKKD, đã bãi bỏ, sửa đổi theo hướng đơn giản hóa 251 ĐKKD (trong đó bãi bỏ 115 ĐKKD, đơn giản hóa 136 ĐKKD), đạt tỷ lệ cắt giảm 72.7% (trong khi yêu cầu của Chính phủ là 50%-PV)

Về KTCN, ngay từ đầu năm 2019 Bộ đã triển khai đồng bộ hàng loạt các nhiệm vụ và giải pháp, hướng đến mục tiêu cuối cùng là giảm bớt thủ tục, thời gian và chi phí cho người dân, DN khi thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC) tại cơ quan, đơn vị trực thuộc, tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ để đổi mới công tác KTCN. 

Bộ cũng tổ chức thực thi các văn bản về KTCN đã được ban hành trong năm 2018 trên cơ sở các nguyên tắc cải cách về quản lý, KTCN, chủ động xem xét, giải quyết những khó khăn đối với DN trong hoạt động KTCN của Bộ; đánh giá thuận lợi, khó khăn và đề xuất phương án xử lý kịp thời, phù hợp. 

Đồng thời, Bộ tiếp tục rà soát, thống nhất giao một đầu mối thực hiện thủ tục KTCN đối với một số sản phẩm, hàng hóa thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ. Qua đó, đề xuất với Văn phòng Chính phủ giải pháp tập trung đầu mối trong thực hiện KTCN đối với sản phẩm, hàng hóa thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ NN&PTPTNT, Bộ Y tế, Bộ Công Thương. 

Đánh giá hạn chế trong công tác CCHC, Bộ NN&PTNT thừa nhận, mặc dù Lãnh đạo Bộ đã tập trung chỉ đạo rất quyết liệt, tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, việc triển khai  về thống nhất một đầu mối KTCN vẫn còn nhiều vướng mắc.

Đặc biệt, việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3,4 còn chậm. Đến hết năm, Bộ mới có tổng số 46 TTHC trực tuyến mức độ 3,4 (bao gồm 16 TTHC thực hiện cơ chế một cửa quốc gia và 30 TTHC thực hiện DVCTT mức độ 3,4) trong tổng số 255 TTHC cấp TW thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ (bằng 17%). Trong khi Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ yêu cầu các Bộ thực hiện cung cấp ít nhất 30% số DVCTT thuộc thẩm quyền giải quyết ở cấp độ 4. 

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh, năm 2020, Bộ NN&PTNT tiếp tục tạo môi trường kinh doanh thuận lợi trong hơn cho người dân và DN. “Việc rà soát là rất khó, không đơn giản  nhưng các đơn vị phải thực sự nghiêm túc. Hiện có những thông tư sửa đổi rất nhiều, nhưng vẫn chồng chéo. Vì vậy, phải làm sao thống nhất được để đảm bảo mục tiêu cắt giảm TTHC thực sự.”-Thứ trưởng lưu ý.

Thứ trưởng cũng yêu cầu tiếp tục rà soát, cải cách hoạt động KTCN trong lĩnh vực NN&PTNT theo hướng xã hội hóa, chuyển từ kiểm tra trước thông quan sang sau thông quan và thống nhất một đầu mối quản lý hàng hóa KTCN, loại bỏ các chi phí không chính thức cho DN. Mục tiêu Bộ NN&PTNT đặt ra là năm 2020 sẽ thực hiện đầy đủ các cải cách về quản lý, KTCN và hoàn thành rà soát, cắt giảm thực chất 50% số mặt hàng thuộc danh mục mặt hàng KTCN.

"Đặc biệt, CCHC vẫn là nhiệm vụ trọng tâm của năm 2020. Theo đó, tiếp tục thực hiện rà soát các TTHC, giảm 20% TTHC và điều kiện đầu tư; trên cơ sở đó bãi bỏ, sửa đổi TTHC để tạo điều kiện hơn nữa cho DN sản xuất kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp. Đồng thời, tăng cường cung cấp DVCTT trên cơ sở nền Chính phủ điện tử ở mức độ 3,4; tiếp tục rà soát danh mục hàng hóa phải KTCN…" - Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh.

Hơn 88% người dân, doanh nghiệp hài lòng về chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến của Bộ NN&PTNT
Công bố kết quả chỉ số hài lòng của người dân, DN đối với chất lượng cung cấp DVCTT, ông Nguyễn Sông Thao – Chánh Văn phòng CCHC, Bộ NN&PTNT - cho biết, có 88,18% người dân, DN đánh giá hài lòng về chất lượng cung cấp DVCTT của Bộ, trong đó 32,57% đánh giá rất hài lòng và 55,61% đánh giá hài lòng, 10,67% đánh giá bình thường và chỉ có 1,14% đánh giá không hài lòng và rất không hài lòng. Cụ thể, lĩnh vực trồng trọt được đánh giá có chỉ số hài lòng cao nhất với 92,31%, tiếp đó là chăn nuôi với 89,58%, thú y là 87,72%, thủy sản là 87,04%, bảo vệ thực vật là 86,09%, quản lý chất lượng nông ngư nghiệp và thủy sản là 83,33% và lâm nghiệp là 80%.

Đọc thêm