Ngành Thanh tra phải tự đổi mới trong tổ chức và hoạt động

Công cuộc đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế do Đảng lãnh đạo đang tiếp tục và ngày càng được tiến hành mạnh mẽ. Để đáp ứng yêu cầu đổi mới đó, đòi hỏi ngành thanh tra trước hết phải tự đổi mới mình trong tổ chức và hoạt động thanh tra, ngày càng nâng cao hiệu quả trong công tác thanh tra để phục vụ cho sự nghiệp đổi mớ...

LTS: Nhân kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống ngành Thanh tra Việt Nam và 34 năm Thanh tra Lâm Đồng hình thành và phát triển, Báo Lâm Đồng đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Huỳnh Đức Hòa - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng về những đóng góp to lớn của ngành và định hướng nhiệm vụ thanh tra trong tình hình mớiPV: -  Xin đồng chí đánh giá về những đóng góp của ngành Thanh tra Lâm Đồng trong thời gian qua ?
Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Đức Hòa.
Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Đức Hòa.
Đ/c Huỳnh Đức Hòa: - Nhìn lại qua 34 năm hình thành và phát triển của ngành thanh tra Lâm Đồng, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh; ngành Thanh tra Lâm Đồng đã có nhiều nỗ lực cố gắng trong việc hoàn thành nhiệm vụ được giao trên các lĩnh vực về thanh tra kinh tế - xã hội; giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo và thanh tra trách nhiệm… Hàng năm, ngành thanh tra đã bám sát Nghị quyết của Tỉnh uỷ, HĐND; phương hướng nhiệm vụ  kế hoạch kinh tế - xã hội của UBND tỉnh Lâm Đồng và sự chỉ đạo, hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ để xây dựng kế hoạch thanh tra nhằm phục cho yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo quản lý điều hành phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trên các lĩnh vực: Quản lý sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản; đầu tư xây dựng cơ bản; quản lý tài chính - ngân sách; thanh tra việc thực hiện chính sách pháp luật và nhiệm vụ của Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, giám đốc các sở, ban ngành; thanh tra hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp…; đồng thời, ngành thanh tra cũng đã thực hiện khá tốt và kịp thời các cuộc thanh tra đột xuất theo yêu cầu chỉ đạo của UBND tỉnh và của các cấp, các ngành. Các cuộc thanh tra về kinh tế - xã hội do ngành thanh tra Lâm Đồng thực hiện trong thời gian qua, khi phát hiện có sai phạm đều kiên quyết xử lý thu hồi triệt để tài sản bị thất thoát về ngân sách Nhà nước theo thẩm quyền quy định; đã chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để tiếp tục điều tra làm rõ nhiều vụ việc vi phạm nghiêm trọng, có dấu hiệu tham nhũng theo đúng quy định của pháp luật; có nhiều kiến nghị xác đáng và rất hữu ích với các cấp, các ngành có liên quan nhằm kịp thời sửa đổi những quy định không còn phù hợp để hoàn thiện cơ chế, chính sách có liên quan đến công tác quản lý nhà nước trên nhiều lĩnh vực. Công tác tiếp dân, tiếp nhận và xử lý đơn khiếu nại, tố cáo thuộc trách nhiệm của ngành thanh tra đã thực hiện có nề nếp, ổn định và có tính chuyên môn hóa cao; giúp cho Thủ trưởng các cấp, các ngành khi tiếp dân có ý kiến xử lý phù hợp với nguyện vọng, lợi ích của công dân đến khiếu nại, kiến nghị hoặc phản ảnh và ban hành các văn bản hướng dẫn đơn thư theo đúng quy định. Về công tác tham mưu giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo cũng phải nhìn nhận rằng trong những năm qua và hiện nay tình hình khiếu nại của công dân vẫn còn diễn biến phức tạp do tỉnh đã và đang triển khai nhiều dự án về phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng khu đô thị, khu công nghiệp, đường giao thông và nhiều công trình công cộng khác...nên đã phát sinh nhiều đơn khiếu nại, tố cáo. Số lượng đơn thư UBND tỉnh giao cho ngành thanh tra thẩm tra, xác minh khá lớn mà chủ yếu là các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài; đơn có liên quan đến lĩnh vực tôn giáo và đồng bào dân tộc...đã được các cấp, các ngành xem xét giải quyết nhiều lần. Tuy nhiên, với trách nhiệm cao, ngành thanh tra đã tập trung thẩm tra, xác minh để tham mưu UBND tỉnh giải quyết kịp thời, đúng thời gian quy định không để “điểm nóng” về khiếu kiện phát sinh, góp phần ổn định an ninh chính trị và phát triển kinh tế xã hội tại địa phương. Với những kết quả công tác như trên, ngành thanh tra đã giúp Ủy ban nhân dân tỉnh kịp thời chấn chỉnh kỷ luật kỷ cương, nâng cao ý thức trách nhiệm và hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng; chống lãng phí và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính đối với các cấp, các ngành trong thời gian qua.PV: - Đồng chí có thể cho biết thêm về những thuận lợi, khó khăn trong công tác thanh tra, nhất là trong giai đoạn hiện nay ? Đ/c Huỳnh Đức Hòa: - Được sự quan tâm của các cấp, các ngành; đặc biệt là sự chỉ đạo trực tiếp và toàn diện của UBND tỉnh, ngành Thanh tra Lâm Đồng đã được củng cố về bộ máy tổ chức cán bộ theo Thông tư liên tịch số 475/2009/TTLT-TTCP-BNV ngày 13/3/2009 của Thanh tra Chính phủ và Bộ Nội vụ. Cán bộ công chức trong ngành có phẩm chất đạo đức tốt, lập trường tư tưởng vững vàng, có trách nhiệm khi thực hiện nhiệm vụ được giao, luôn có ý thức học hỏi để nâng cao trình độ nghiệp vụ... Tuy nhiên, ngành Thanh tra vẫn còn một số khó khăn như: Thanh tra một số huyện, sở chưa có trình độ chuyên môn đồng đều, năng lực công tác còn có mặt hạn chế, nhất là trình độ về lĩnh vực thanh tra kinh tế, đầu tư xây dựng cơ bản và  một số cán bộ trong ngành chưa được đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn Thanh tra viên nên vẫn còn khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Mặc khác, tuy qua thanh tra trong lĩnh vực kinh tế - xã hội và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo ngành thanh tra có phát hiện những hành vi có dấu hiệu tham nhũng nhưng chưa được nhiều và chủ yếu là qua phản ảnh và tố cáo của công dân, ngành thanh tra chưa thực sự chủ động trong việc phát hiện các hành vi có dấu hiệu tham nhũng; từ đó, cũng phần nào đã ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác thanh tra và cũng gặp không ít khó khăn trong công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tham nhũng, chống lãng phí trong thời gian qua.PV: - Trước yêu cầu sự nghiệp đổi mới hiện nay, nhiệm vụ của ngành Thanh tra Lâm Đồng trong thời gian tới là gì, thưa đồng chí ? Đ/c Huỳnh Đức Hòa: - Công cuộc đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế do Đảng lãnh đạo đang tiếp tục và ngày càng được tiến hành mạnh mẽ. Để đáp ứng yêu cầu đổi mới đó, đòi hỏi ngành thanh tra trước hết phải tự đổi mới mình trong tổ chức và hoạt động thanh tra, ngày càng nâng cao hiệu quả trong công tác thanh tra để phục vụ cho sự nghiệp đổi mới của đất nước nói chung và của tỉnh Lâm Đồng nói riêng. Muốn vậy, nhiệm vụ đặt ra của ngành thanh tra Lâm Đồng trong thời gian tới là qua thanh tra phải phát hiện một cách kịp thời những điểm không còn phù hợp, bất cập với cơ chế, chính sách để kiến nghị cấp có thẩm quyền chấn chỉnh, bổ sung góp phần làm cho cơ chế, chính sách, bộ máy quản lý nhà nước ngày càng hoàn thiện, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế trong tỉnh phát triển. Tăng cường công tác thanh tra công vụ để phục vụ cho yêu cầu cải cách hành chính của tỉnh. Tập trung làm tốt công tác tiếp dân, xử lý đơn thư và tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo; tăng cường đối thoại, giải quyết kịp thời, dứt điểm các vụ việc mới phát sinh từ cơ sở, không để xảy ra bức xúc, bất bình trong nhân dân, không để các vụ việc khiếu nại tồn đọng kéo dài. Triển khai các biện pháp phòng, chống tham nhũng; chống lãng phí thực sự có hiệu quả ngay trong nội bộ của ngành thanh tra. Có thể nói rằng đây là một nhiệm vụ quan trọng, nhưng cũng rất khó khăn. Muốn hoàn thành tốt thì ngành thanh tra cần tiếp tục xây dựng lực lượng của ngành theo hướng: Tiếp tục củng cố bộ máy tổ chức; không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ và năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ công chức, đi đôi với việc đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” để làm chuyển biến cả trong nhận thức và hành động của cán bộ, Đảng viên, công chức trong toàn ngành. Có như vậy, ngành thanh tra Lâm Đồng mới hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao trong thời gian tới. Nhân kỷ niệm 65 năm ngày thành lập ngành Thanh tra Việt Nam và 34 năm hình thành và phát triển của ngành thanh tra Lâm Đồng, tôi xin chúc toàn thể cán bộ, công chức ngành Thanh tra Lâm Đồng sức khoẻ, hạnh phúc và tiếp tục phấn đấu tốt hơn nữa trong thời gian tới.PV: - Xin cảm ơn đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh!
PV

Đọc thêm