Lần đầu tiên, công tác tư pháp trong đó có công tác thi hành án dân sự (THADS) được Quốc hội giao chỉ tiêu cụ thể và bắt đầu thực hiện trong năm 2013 này (Nghị quyết số 37/NQ-QH13). Trong điều kiện kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn như hiện nay, toàn ngành THADS đang phải "dốc sức" để hoàn thành trọng trách Quốc hội giao phó.
Chưa bao giờ công tác THADS được quan tâm như hiện nay. Ảnh minh họa |
Giao chỉ tiêu đến từng đơn vị
Ngày 7/2/2013, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định về việc ban hành Chương trình thực hiện Nghị quyết nêu trên của Quốc hội (Quyết định số 316/QĐ-TTg). Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Tư pháp đã có quyết định 603, kèm theo kế hoạch thực hiện.
Theo kế hoạch mới ban hành, Bộ Tư pháp xác định giải pháp mang tính đột phá trong việc thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ về THADS đã được xác định trong Nghị quyết là việc giao chỉ tiêu cụ thể cho các cơ quan THADS trong cả nước, do đó, ngày 28/12/2012, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Quyết định số 3955/QĐ-BTP giao chỉ tiêu cho Tổng cục THADS; chỉ đạo Tổng cục giao chỉ tiêu cho các Cục, Cục giao chỉ tiêu cụ thể cho các Chi cục và từng Chấp hành viên, đồng thời, tập trung đôn đốc, tăng cường kiểm tra, đề cao trách nhiệm người đứng đầu và Chấp hành viên trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
Công tác xây dựng thể chế cũng được ngành Tư pháp xác định là một trong những giải pháp quan trọng. Trong đó có thể kể đến là việc sẽ tập trung hoàn thiện và trình Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc miễn thi hành án đối với các khoản thu cho ngân sách nhà nước không có điều kiện thi hành; xây dựng Đề án sửa đổi, bổ sung Luật THADS năm 2008; sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn thi hành Luật: Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS về thủ tục THADS, Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh; hoàn thiện Đề án mở rộng địa bàn thí điểm chế định Thừa phát lại, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và triển khai thực hiện; hoàn thiện Quy chế phối hợp liên ngành trong THADS giữa Bộ Tư pháp, VKSNDTC, TANDTC...
Công tác quản lý, chỉ đạo điều hành, tổ chức cán bộ... cũng được tăng cường một bước. Bộ Tư pháp cũng đề nghị VKSND các cấp tăng cường công tác kiểm sát, đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tăng cường giám sát hoạt động THADS.
Nỗ lực từ cơ sở
Năm 2013 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết 37 và cũng là năm ngành Tư pháp dự báo số việc và tiền phải THA sẽ rất lớn. Chỉ trong quý I/2013 số thụ lý mới đã là trên 140 nghìn việc, với số tiền trên 12 nghìn tỷ đồng (bằng khoảng 60% về việc và trên 42% về tiền so với số còn phải thi hành của năm 2012 chuyển sang), trong khi đó, Đề án miễn thi hành đối với một số khoản thu cho ngân sách nhà nước không có điều kiện thi hành chưa được UBTVQH xem xét, khả năng rất khó thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ được giao.
Tuy vậy, với sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Bộ Tư pháp, THADS địa phương đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện cho được những chỉ tiêu đã đề ra trong Nghị quyết 37. Đáng chú ý là các giải pháp về chuyên môn. Rất nhiều đơn vị đã phát động những chiến dịch cao điểm giải quyết án tồn đọng (Hưng Yên, Nghệ An, Hải Phòng, Bắc Kạn...).
Nhiều đơn vị tổ chức tập huấn sâu rộng đến Thủ trưởng cơ quan THADS, Chấp hành viên (Sơn La, Tiền Giang, Bình Định...); tăng cường kiểm tra việc xác minh, rà soát việc phân loại án và đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về THADS (Lào Cai, Yên Bái, Hà Tĩnh...). TP Hồ Chí Minh và Hà Nội là hai địa phương có lượng án rất lớn cũng đã thực hiện tốt việc luân chuyển cán bộ từ nơi ít đến nơi nhiều án, từ đơn vị mạnh chi viện cho các đơn vị yếu đã mang lại những kết quả tích cực. Đặc biệt nhiều đơn vị có dấu hiệu chững lại trong năm 2012 cũng đang thực hiện nhiều giải pháp khắc phục khó khăn, cùng toàn ngành phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ.
Có thể nói, chưa bao giờ công tác THADS được quan tâm như hiện nay, nhưng cũng chưa bao giờ nhiệm vụ THADS lại nặng nề đến như vậy. Án dân sự ngày càng gia tăng về số lượng cũng như tính chất phức tạp đòi hỏi từ công tác chỉ đạo, quản lý điều hành cũng như tổ chức thực hiện phải liên tục đổi mới, phù hợp với yêu cầu đặt ra từ thực tiễn. Việc thực hiện tốt Nghị quyết 37 chính là khẳng định vai trò của THADS trong đời sống.
Cục THADS các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động tham mưu, giúp UBND cùng cấp tổ chức quán triệt và chỉ đạo thực hiện Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 37/NQ-QH13, Chương trình thực hiện Nghị quyết của Quốc hội do Thủ tướng Chính phủ ban hành, nhất là tổ chức thực hiện chỉ tiêu THADS năm 2013 và chỉ đạo tổ chức thi hành đối với những vụ án lớn, phức tạp và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan thuộc UBND thực hiện tốt công tác phối hợp trong THADS; tổ chức kiểm tra hoặc phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra việc thực hiện kết luận của Ban chỉ đạo THADS, ý kiến của UBND về chỉ đạo phối hợp trong THADS và cưỡng chế thi hành án, phối hợp xử lý kịp thời đối với những vi phạm pháp luật về THADS. (Trích nội dung Kế hoạch triển khai thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ THADS theo Nghị quyết số 37 của Quốc hội và Quyết định số 316/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chương trình thực hiện Nghị quyết của Quốc hội) |
Bình An