Ngành Tòa án có nhiều mô hình phổ biến pháp luật đặc sắc

(PLVN) - Chiều 9/8, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu, Trưởng Đoàn kiểm tra đã làm việc với TANDTC về kết quả 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Tiếp Đoàn kiểm tra có Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền, Thẩm phán TANDTC Tống Anh Hào, nguyên Phó Chánh án TANDTC và đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc TANDTC.

Đa dạng các hình thức PBGDPL trong ngành TAND

Báo cáo với Đoàn kiểm tra, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học (TANDTC) Ngô Văn Nhạc khẳng định, Ban Cán sự Đảng TANDTC đã xác định công tác tuyên truyền, PBGDPL là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là nhiệm vụ cần chỉ đạo thường xuyên và cũng là nhiệm vụ quan trọng gắn liền với hoạt động xét xử của hệ thống Tòa án. Theo đó, trong những năm qua, công tác tuyên truyền, PBGDPL được TANDTC thực hiện thông qua nhiều hình thức như qua hoạt động xét xử, qua công tác hòa giải, đối thoại, qua hoạt động tiếp công dân, thanh tra, kiểm tra các hoạt động nghiệp vụ, qua công tác phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hàn, qua công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ…


Đặc biệt, công tác phát triển án lệ được lãnh đạo TANDTC quan tâm chỉ đạo với 26 án lệ được ban hành, 2 tuyển tập án lệ được xuất bản. Thông qua các án lệ này, những vấn đề chưa có điều luật quy định cụ thể hoặc những quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau sẽ được phân tích, giải thích trong một vụ việc cụ thể nên việc tiếp cận các quy định của pháp luật sẽ cụ thể và dễ hiểu hơn. TANDTC còn thành lập Ban Chỉ đạo công tác thông tin – tuyên truyền TAND để xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch trọng tâm về công tác thông tin tuyên truyền hàng năm của TAND, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện sơ kết, tổng kết công tác thông tin tuyên truyền trong hệ thống TAND. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan, bộ, ngành để tuyên truyền, PBGDPL trong từng lĩnh vực cụ thể, phối hợp với cơ quan báo chí tuyên truyền về hoạt động của Tòa án.

Điểm lại một số hình thức tuyên truyền, PBGDPL hay, hiệu quả, thu hút sự tham gia của đông đảo cán bộ và nhân dân, ông Nhạc cho biết, gồm có tổ chức phiên tòa giả định, đa dạng về nội dung như ma túy trong thanh thiếu niên, an toàn giao thông, trốn tránh nghĩa vụ quân sự và bạo lực học đường; tổ chức các buổi tọa đàm bằng hình thức đối đáp, mô hình “Kể chuyện về Bác” hàng tháng ở tất cả các Chi bộ, Đảng bộ. Tại TAND các cấp, lãnh đạo TAND đã quán triệt Chỉ thị 32, Luật PBGDPL và các văn bản hướng dẫn thi hành tới từng cán bộ, công chức, người lao động trong Tòa án cũng như chú trọng đến công tác PBGDPL.

Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, PBGDPL trong hệ thống Tòa án còn có một số tồn tại, hạn chế. Vì thế, TANDTC kiến nghị sửa đổi Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTP liên quan đến kinh phí cho công tác PBGDPL; đề xuất tiếp tục tổ chức xây dựng, triển khai những chương trình, đề án, mô hình tuyên truyền, giáo dục pháp luật đạt hiệu quả như Ngày Pháp luật, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật…

Tăng cường đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, PBGDPL

Các thành viên trong Đoàn kiểm tra đã đóng góp nhiều ý kiến để hoàn thiện dự thảo Báo cáo của TANDTC. Bên cạnh đó, có thành viên đề nghị cần đánh giá về sự chuyển biến trong nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ Tòa án và thông qua đó tác động đến các tầng lớp nhân dân bởi công tác PBGDPL tại Tòa có vai trò rất quan trọng.

Phó Vụ trưởng Vụ PBGDPL (Bộ Tư pháp) Ngô Quỳnh Hoa rất ấn tượng với sự sáng tạo của TANDTC khi thành lập thiết chế Ban Chỉ đạo công tác thông tin – tuyên truyền TAND. Nhận xét rằng ngành TAND đã triển khai các hoạt động phổ biến rất đa dạng, bà Hoa mong muốn hệ thống Tòa án tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin.

 
Đồng tình, Trưởng Ban Pháp chế (Đài Truyền hình Việt Nam) Nguyễn Đình Thơ dẫn chứng quá trình xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội đã đăng tải để lấy ý kiến nhân dân nhưng mãi đến khi ban hành dư luận mới xôn xao về quy định tại Điều 60. Do đó, muốn nâng cao hiểu biết pháp luật, lấy được ý kiến góp ý xác đáng thì phải tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội mạnh mẽ hơn trong công tác PBGDPL thì hiệu quả sẽ được nâng cao hơn. 

Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền nhất trí, để công tác PBGDPL đi vào chiều sâu thì nhất định phải tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng phương pháp hiện đại. Hiện ngành Tòa án có thể họp trực tuyến tại 800 điểm cầu nên riêng với công tác PBGDPL càng phải tận dụng sức mạnh của công nghệ thông tin. Tuy nhiên, điều đó đòi hỏi phải có kinh phí, trong khi xã hội hóa hoạt động PBGDPL trong ngành Tòa án chỉ ở mức độ vừa phải, vẫn phải phụ thuộc kinh phí ngân sách Nhà nước cấp.  


Đánh giá cao những kết quả đạt được trong 15 năm thực hiện Chỉ thị 32 của TANDTC, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu nêu bật những tác động tích cực, nhất là góp phần đưa Chỉ thị 32 vào cuộc sống, nâng cao nhận thức pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật cho đội ngũ cán bộ Tòa án và các tầng lớp nhân dân. Chia sẻ với những tồn tại, khó khăn trong công tác PBGDPL của ngành Tòa án, Thứ trưởng Hiếu kiến nghị với Ban Cán sự Đảng TANDTC tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo sát sao công tác tổng kết Chỉ thị 32, các Kết luận của Trung ương theo yêu cầu, xem xét khen thưởng, đề nghị khen thưởng các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp trong công tác này; tiếp tục tăng cường lãnh đạo chỉ đạo thực hiện thật tốt công tác PBGDPL theo đúng quan điểm của Đảng

Ngoài ra, cần tiếp tục củng cố, kiện toàn, chỉ đạo hoạt động đối với Hội đồng phối hợp PBGDPL TAND, Ban Chỉ đạo công tác thông tin – tuyên truyền TAND, cố gắng lồng ghép công tác PBGDPL vào chương trình kế hoạch công tác năm để có cơ sở tổ chức thực hiện, kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở; có biện pháp nhắc nhở, nêu cao tinh thần gương mẫu của đội ngũ cán bộ Tòa án trong chủ động tìm hiểu, nâng cao nhận thức pháp luật, quan tâm củng cố tăng cường đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, PBGDPL trong ngành Tòa án; tiếp tục đa dạng hóa các hình thức PBGDPL, trong đó có những mô hình đặc sắc, riêng có của ngành như phiên tòa trực tuyến, phát triển án lệ, công khai bản án…, đẩy mạnh hơn nữa ứng dụng công nghệ thông tin…

Đọc thêm