Một trong những phong trào thi đua thu hút đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn Ngành Tư pháp sôi nổi tham gia phải kể đến là phong trào “Ngành Tư pháp chung sức góp phần xây dựng nông thôn mới”. Trong không khí tưng bừng chào mừng 68 năm Ngày truyền thống Ngành Tư pháp Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Hồng Sơn đã có dành thời gian chia sẻ với Báo Pháp luật Việt Nam về ý nghĩa và những kết quả bước đầu của phong trào này. Thứ trưởng Lê Hồng Sơn cho biết:
|
Thứ trưởng Lê Hồng Sơn |
Hơn một năm trước đây, thực hiện các Quyết định số 1620/QĐ-TTg, số 491/QĐ-TTg, số 800/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng nông thôn mới và để phát huy vai trò của Ngành Tư pháp, Bộ Tư pháp đã ban hành Kế hoạch số 2611/KH-BTP phát động và tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Ngành Tư pháp chung sức góp phần xây dựng nông thôn mới”. Kế hoạch 2611 đã đưa ra nhiều nội dung, chỉ tiêu thi đua như chủ trì xây dựng, thẩm định, tham gia xây dựng 100% các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được giao, tích cực tham mưu, đề xuất thể chế hóa đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, khả thi các chủ trương, chính sách xây dựng nông thôn mới và các chủ trương, chính sách, pháp luật có liên quan trực tiếp đến xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh phong trào xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước ở các thôn, làng, bản, ấp, khóm, khu dân cư... trên địa bàn cấp xã ở nông thôn, phát huy ý thức tự quản, tăng cường đoàn kết, chấp hành tốt pháp luật, phát huy phong tục tập quán, truyền thống, đạo đức tốt đẹp của các cộng đồng dân cư ở nông thôn…
Phong trào thi đua trên tiếp tục là một trong những nội dung quan trọng của Ngành Tư pháp trong năm 2013 phải không, thưa Thứ trưởng?
- Đúng vậy! Bước sang năm 2013, ngay từ đầu năm, Bộ Tư pháp đã ban hành Kế hoạch số 40 phát động phong trào thi đua Ngành Tư pháp, yêu cầu phải kết hợp chặt chẽ giữa thực hiện phong trào thi đua thường xuyên với các phong trào thi đua theo chuyên đề, trong đó có chuyên đề “Ngành Tư pháp chung sức góp phần xây dựng nông thôn mới”.
Cụ thể là tiếp tục thực hiện thiết thực, hiệu quả các hoạt động của Ngành phục vụ tích cực sự nghiệp xây dựng nông thôn mới theo Kế hoạch phát động, tổ chức thực hiện phong trào thi đua số 2611/KH-BTP của Bộ Tư pháp. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, Giám đốc Sở Tư pháp, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động thuộc phạm vi được giao gắn với các tiêu chí xây dựng nông thôn mới trong các lĩnh vực về xây dựng, thi hành pháp luật; kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; cải cách, kiểm soát thủ tục hành chính; phổ biến giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở; thi hành án dân sự; hành chính tư pháp; bổ trợ tư pháp; lý lịch tư pháp; trợ giúp pháp lý; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ pháp luật và các chức danh tư pháp, phối hợp với các cấp, các ngành tập trung khắc phục những hạn chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng nông thôn mới.
Xin Thứ trưởng chia sẻ một số hoạt động của phong trào thi đua ý nghĩa này?
- Hưởng ứng phong trào, nhiều đơn vị trong toàn Ngành Tư pháp đã tổ chức thực hiện các hoạt động cụ thể và rất thiết thực. Chẳng hạn như, Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh Lạng Sơn đã phát động cán bộ, công chức trong toàn tỉnh ủng hộ xây dựng quỹ và thu được số tiền gần 14 triệu đồng để hoạt động trong phong trào thi đua. Sau khi được sự phối hợp của UBND TP.Lạng Sơn và UBND xã Mai Pha, TP.Lạng Sơn giúp lựa chọn 2 hộ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn xã Mai Pha, Cục THADS đã tiến hành các thủ tục để hỗ trợ con giống cho các hộ gia đình bằng nguồn kinh phí đóng góp của cán bộ, công chức.
Sở Tư pháp tỉnh Tuyên Quang thì phối hợp với UBND xã Kim Bình, huyện Chiêm Hóa tổ chức hội nghị phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh, thiếu niên xã Kim Bình - một trong ba xã điểm thực hiện phong trào thi đua “Ngành Tư pháp chung sức góp phần xây dựng nông thôn mới” năm 2013. Hai xã điểm còn lại là xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình và xã Tân Trào, huyện Sơn Dương cũng sẽ có những hội nghị tương tự để góp phần nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật cho thanh, thiếu niên đang sinh sống, học tập và làm việc trên địa bàn.
Đặc biệt, phong trào “Ngành Tư pháp hướng về biển đảo quê hương” của Sở Tư pháp Quảng Ngãi đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ sâu sắc từ Bộ Tư pháp đến các cơ quan trong và ngoài tỉnh, nhất là sự hưởng ứng mạnh mẽ từ Báo Pháp luật Việt Nam (ủng hộ 100 triệu đồng để xây 2 căn nhà tình nghĩa trên đảo), các Sở Tư pháp và Cục THADS thuộc khu vực thi đua các tỉnh duyên hải Miền Trung và Tây Nguyên và cả ngoài khu vực thi đua như Bình Định, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Đắk Lắk, Khánh Hòa... Phong trào đã vượt ra khỏi giới hạn Ngành Tư pháp Quảng Ngãi và lan tỏa đến các cơ quan Tư pháp cả nước, tạo nên khí thế, quyết tâm chung cùng hướng về biển đảo trong trong tình hình hiện nay của Ngành Tư pháp Việt Nam.
Ngoài ra, Báo Pháp luật Việt Nam đã phối hợp cùng Sở Tư pháp TP.Cần Thơ tổ chức Chương trình “Tư pháp hướng về cơ sở” năm 2013 với điểm nhấn của Chương trình là việc trao tặng 13 “Mái ấm Tư pháp” cho cán bộ tư pháp có hoàn cảnh khó khăn tại các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long.
Thứ trưởng đánh giá thế nào về những kết quả đáng ghi nhận bước đầu mà phong trào đem lại?
- Qua các hoạt động rất cụ thể và thiết thực ấy đã tạo sự lan tỏa, động viên khích lệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong Ngành vượt qua khó khăn, thách thức, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, các hoạt động đầy ý nghĩa này còn là sự tiếp nối truyền thống đoàn kết, tinh thần tương thân, tương ái, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ - một trong 5 nội dung của Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức Ngành Tư pháp được ban hành theo Quyết định số 2659/QĐ-BTP của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Hoàng Thư (thực hiện)