Ngành Tư pháp đổi mới, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành

(PLVN) -Năm 2021, toàn ngành Tư pháp đã đoàn kết, trách nhiệm, nỗ lực vượt khó, hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được giao, chung tay cùng hệ thống chính trị giải quyết các vấn đề phát sinh do dịch bệnh Covid-19, đóng góp thiết thực vào sự phát triển Kinh tế xã hội, trong đó có vai trò nổi bật của công tác chỉ đạo, điều hành.
Hội nghị triển khai công tác THADS năm 2022 của Bộ Tư pháp diễn ra bằng hình thức trực tuyến.
Hội nghị triển khai công tác THADS năm 2022 của Bộ Tư pháp diễn ra bằng hình thức trực tuyến.

Chỉ đạo, điều hành linh hoạt, toàn diện

Công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ, ngành Tư pháp đã tiếp tục bám sát mục tiêu phát triển KTXH của Đảng, Quốc hội; quan điểm chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với phương châm “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới sáng tạo, quyết liệt hành động, khát vọng phát triển”; gắn chặt với sự chỉ đạo và điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương. Đặc biệt là các nhiệm vụ được xác định trong Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị toàn quốc về triển khai công tác tư pháp năm 2021, định hướng nhiệm kỳ 2021-2025 và các nội dung kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với Bộ Tư pháp đã tạo cơ sở quan trọng, là động lực thúc đẩy thực hiện chỉ đạo, điều hành công tác tư pháp một cách linh hoạt, toàn diện.

Bộ Tư pháp cho biết, các chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo công tác được Bộ, ngành Tư pháp chủ động xây dựng, ban hành sớm để cụ thể hóa các nhiệm vụ được giao, như: Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; Chương trình hành động nhiệm kỳ triển khai Nghị quyết phát triển KTXH 05 năm (2021-2026); Chương trình hành động của ngành Tư pháp thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2021 của Chính phủ và nhiều Chương trình, kế hoạch khác... Đồng thời, hoàn thành 100% các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao thêm.

Trong đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của Bộ, ngành Tư pháp có nhiều đổi mới, tăng cường các cuộc họp, chỉ đạo trực tuyến; đồng thời, cũng linh hoạt, đẩy nhanh tiến độ công việc, đáp ứng công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong nhiệm kỳ mới; tăng cường thực hiện cải cách hành chính và áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng ISO trong việc thực hiện công tác chuyên môn, giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp; kịp thời hướng dẫn chuyên môn đối với các cơ quan tư pháp, thi hành án dân sự (THADS) địa phương trong tiếp nhận, giải quyết yêu cầu của người dân, doanh nghiệp được an toàn, thông suốt, hiệu quả trong bối cảnh thực hiện giãn cách của cơ quan có thẩm quyền. Đặc biệt, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm tiết kiệm, chống lãnh phí và tạo thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, Bộ Tư pháp đã chỉ đạo rà soát, lồng ghép, điều chỉnh các chương trình/kế hoạch công tác, cắt giảm tối đa các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, kiểm tra, khảo sát trực tiếp để phù hợp với tình hình dịch bệnh và yêu cầu thực tiễn từng địa phương.

Tích cực tham mưu rà soát các quy định gây cản trở cho người dân, doanh nghiệp

Tại các bộ, ngành, địa phương, Tổ chức pháp chế, Sở Tư pháp đã kịp thời tham mưu ban hành, điều chỉnh các chương trình, kế hoạch công tác, các văn bản chỉ đạo để cụ thể hoá, nâng cao hiệu quả các nhiệm vụ về công tác tư pháp, pháp chế phù hợp với yêu cầu và tình hình thực tế tại cơ quan, địa phương mình. Đặc biệt, đã tham mưu có trách nhiệm trong việc rà soát các quy định có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, gây cản trở, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, cũng như tham mưu ý kiến pháp lý đối với các văn bản, vấn đề liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại bộ, ngành, địa phương.

Công tác phối hợp giữa Bộ Tư pháp với các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; giữa các Sở Tư pháp, Cục THADS với các Sở, ngành được chú trọng thực hiện, qua đó kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ được giao. Việc trao đổi, chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ giữa Bộ Tư pháp với các bộ, ngành, địa phương được thực hiện thông suốt, gắn kết trong chỉ đạo, điều hành công tác tư pháp, pháp chế các cấp.

Tuy nhiên, theo Bộ Tư pháp, công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ, Ngành trong một số lĩnh vực có lúc còn chưa kịp thời. Việc hướng dẫn nghiệp vụ, trả lời phản ánh, kiến nghị, trong một số trường hợp, vẫn chưa cụ thể để giải quyết vướng mắc từ thực tiễn.

Do đó, trong năm mới 2022, bên cạnh nhiều giải pháp, ngành Tư pháp sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hiệu lực, quyết liệt trong chỉ đạo điều hành. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu; tăng cường công tác cải cách hành chính; thực hiện nghiêm các chương trình, kế hoạch công tác, ưu tiên thực hiện những nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và thực hiện mục tiêu phát triển KTXH năm 2022 bảo đảm hiệu quả và thích ứng với điều kiện phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Đọc thêm