Ngành Tư pháp "dồn lực" nâng cao chất lượng thể chế, chính sách

Trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân, công tác tư pháp có vị trí, vai trò hết sức quan trọng. Tới dự và phát biểu tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2013  hôm qua (9/1), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao những kết quả công tác nổi bật mà ngành Tư pháp đã đạt được trong năm 2012 và khẳng định: “Trong thành tựu chung của đất nước, có sự đóng góp quan trọng của ngành Tư pháp”.

Trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân, công tác tư pháp có vị trí, vai trò hết sức quan trọng. Tới dự và phát biểu tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2013  hôm qua (9/1), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao những kết quả công tác nổi bật mà ngành Tư pháp đã đạt được trong năm 2012 và khẳng định: “Trong thành tựu chung của đất nước, có sự đóng góp quan trọng của ngành Tư pháp”.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường vui mừng đón Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến dự và chỉ đạo Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2013

Hệ thống thể chế phải có tính dự báo, ổn định cao hơn

Thủ tướng nhận định, năm 2012, công tác tư pháp đã bám sát các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của Quốc hội, Chính phủ, triển khai cơ bản toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ được giao và thu được kết quả trên nhiều lĩnh vực. Toàn Ngành đã hoàn thành tốt nhiệm vụ giúp Chính phủ, HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992, bảo đảm tiến độ và chất lượng.

Công tác xây dựng thể chế có nhiều tiến bộ, tạo cơ sở pháp lý cho việc chỉ đạo điều hành các mặt phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thủ tục hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước tiếp tục được đơn giản hóa và kiểm soát chặt chẽ, bước đầu hình thành cơ chế thống nhất, đồng bộ giữa xây dựng, thẩm định, kiểm tra VBQPPL, theo dõi thi hành pháp luật và kiểm soát thủ tục hành chính, phục vụ tốt hơn yêu cầu của người dân, doanh nghiệp...

Trên cơ sở đồng tình với nội dung phương hướng, giải pháp, đặc biệt là 10 nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp năm 2013, Thủ tướng nhấn mạnh: “Bước sang năm 2013, Chính phủ tiếp tục ưu tiên cao cho việc nâng cao chất lượng thể chế, chính sách và khả năng phản ánh chính sách, tạo lập niềm tin cho thị trường. Hệ thống thể chế phải có tính dự báo và ổn định cao hơn, thực sự là khuôn khổ pháp lý để thu hút, tạo dựng và củng cố niềm tin của nhân dân, DN, các nhà đầu tư trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư cũng như  các hoạt động kinh tế, xã hội khác”. Bởi vậy, nhóm việc thứ nhất mà Thủ tướng yêu cầu ngành Tư pháp phải tập trung thực hiện là nâng cao chất lượng thể chế, chính sách.

Thủ tướng cũng yêu cầu: “Với vai trò là Cơ quan của Chính phủ, Bộ Tư pháp cần làm tốt nhiệm vụ giúp Chính phủ chỉ đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tổ chức việc đóng góp ý kiến cho dự thảo Hiến pháp sửa đổi, đồng thời phối hợp với các địa phương tổ chức tốt việc đóng góp ý kiến theo đúng Nghị quyết của Quốc hội. Toàn ngành Tư pháp phải coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu năm 2013”.

Nhiệm vụ tiếp theo mà Thủ tướng yêu cầu toàn ngành Tư pháp tập trung thực hiện là “chỉ đạo quyết liệt việc xây dựng và thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội. Mục tiêu đặt ra là Chính phủ hoàn thành 100% việc chuẩn bị các dự án theo chương trình, đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng; hết sức tránh, hạn chế tối đa việc điều chỉnh chương trình”.

Bên cạnh đó, ban hành kịp thời và có chất lượng các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh đã có hiệu lực. Thủ tướng thông tin, hiện tại, chính phủ còn đang “nợ” việc ban hành trên 50 văn bản quy định chi tiết, trong đó có 26 văn bản “nợ” của năm 2012 chuyển sang. Do đó, “Năm 2013, Bộ Tư pháp cần chủ trì, đôn đốc, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan phấn đấu giải quyết cơ bản việc này. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ xử lý nhằm tăng số lượng văn bản được ban hành theo đúng thời hạn luật định”. 

Phát hiện kịp thời các bất cập của pháp luật để sửa đổi

Thủ tướng đặc biệt lưu ý, trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, Bộ Tư pháp phải là đầu mối xử lý các vụ việc tranh chấp pháp lý quốc tế giữa Việt Nam với các đối tác, quốc gia khác nhằm bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia, lợi ích hợp pháp của công dân, DN Việt Nam.

Một nhiệm vụ khác cũng được Thủ tướng yêu cầu ngành Tư pháp chú trọng thực hiện là “tiếp tục đổi mới, cải tiến quy trình, thủ tục xây dựng thể chế, chính sách theo hướng phát huy dân chủ, đề cao kỷ luật, kỷ cương”.

Theo đó, “Bộ Tư pháp cần chủ động nghiên cứu, đề xuất cụ thể với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ triển khai vấn đề này theo hướng đề cao trách nhiệm của các Bộ trưởng trong việc trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng thể chế, chính sách tại bộ, ngành mình, dành thời gian thích đáng để đóng góp ý kiến về nội dung tư tưởng thể chế, chính sách. Tăng cường phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan trong quy trình xây dựng, hoạch định chính sách. Thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, có chất lượng việc đánh giá tác động kinh tế - xã hội của các cơ chế, chính sách mới trước khi ban hành. 

“Đánh giá tác động chính sách” phải là một nguyên tắc, quy định xuyên suốt quá trình xây dựng thể chế. Cần làm cho chính sách có tính dự báo và ổn định cao hơn để người dân và DN định hướng đầu tư, phân bổ nguồn lực và dự tính được hiệu quả. Không ban hành chính sách mà chưa xác định rõ phương cách thực hiện và khả năng giám sát. Phải tính toán tác động, hiệu quả kinh tế, xã hội khi thực hiện, khắc phục tình trạng không ít chính sách mà chi phí thực thi lại lớn hơn lợi ích phát triển”.

Mặc dù đánh giá cao công tác xây dựng, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật nhưng đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu trong năm 2013, ngành Tư pháp cần “tiếp tục nỗ lực nâng cao chất lượng công tác thẩm định các dự án Luật, pháp lệnh, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Đồng thời, triển khai có hiệu quả công tác theo dõi thi hành pháp luật. Khi thể chế, chính sách đã được ban hành, phải theo dõi tình hình thực hiện trong thực tiễn để kịp thời phát hiện khó khăn, vướng mắc, hạn chế trong thi hành pháp luật và khiếm khuyết, bất cập của hệ thống pháp luật để có sửa đổi, hoàn thiện. Cần chủ động lắng nghe, tiếp thu các ý kiến phản hồi và kịp thời sửa đổi, bổ sung khi cần thiết, không nên để khi dư luận lên án mạnh mẽ, khi nhân dân bức xúc mới xem xét, xử lý.

Trên cơ sở ngành Tư pháp được giao thêm một số nhiệm vụ mới, Thủ tướng Chính phủ đề nghị ngành Tư pháp cần rà soát lại chức năng, nhiệm vụ của ngành, sớm soạn thảo dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 93/2008/NĐ-CP ngày 22/8/2008 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp, từ đó làm cơ sở để kiện toàn tổ chức, bộ máy, nâng cao năng lực cán bộ, công chức, viên chức ngang tầm với nhiệm vụ được giao.

* Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng:

Thực tế cuộc sống không chờ đợi chúng ta

“Văn bản ban hành rồi, phải theo dõi xem văn bản đi vào cuộc sống có phù hợp hay không và phản ứng phải nhanh nhạy. Cái gì đúng rồi nhưng do tuyên  truyền, giải thích của ta chưa thấu đáo, người  dân chưa hiểu thì chúng ta kiên trì giải thích. Còn cái gì đi vào cuộc sống, nếu khách quan mà thấy nó không phù hợp thì dứt khoát phải sửa đổi kịp thời. Cái này ngành Tư pháp phải phát huy vai trò theo dõi thi hành pháp luật của mình.

 

Nói ngay như việc quy định về chất lượng mấy loại rượu nông thôn. Quy định rượu phải đạt chất lượng thì đúng rồi, nhưng giờ mấy loại rượu nông thôn mà quy định phải nồng độ cồn bao nhiêu, nồng độ andhit bao nhiêu, nhãn mác thế nào…..thì làm sao mà làm được. Các đồng chí có cấm được không? Bây giờ tôi đề nghị các đồng chí phải kiểm tra. Chính phủ thì có Bộ Tư pháp, các Bộ thì có Vụ Pháp chế, các tỉnh thì có Sở Tư pháp, các huyện có Phòng Tư pháp, xã, phường có cán bộ tư pháp xã, phường cả rồi. Các đồng chí theo dõi xem cái gì phù hợp, cái gì không phù hợp thì phải kịp thời sửa đổi, bổ sung…

 “Chuyện phạt xe  không chính chủ, tôi đã yêu cầu các đồng chí phải sửa ngay. Chính phủ một tháng họp một phiên, các thành viên chính phủ biểu quyết là xong ngay. Nhưng các đồng chí để tới mấy tháng. Trong khi người dân thì bức xúc. Thực tế cuộc sống không chờ đợi chúng ta. Không thể để khi nhân dân quá bức xúc mới xem xét, xử lý”. 

* Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường:

"Ngành Tư pháp sẽ nỗ lực xây dựng, củng cố đội ngũ, trau dồi đạo đức, chuyên môn, nghiệp vụ... để không ngừng nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác, đáp ứng kỳ vọng của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân đối với ngành".

 

Hồng Thúy

Đọc thêm