Ngành Tư pháp: Kịp thời phản ứng chính sách với những vấn đề phát sinh trong thực tiễn

(PLVN) - Năm 2021, công tác theo dõi thi hành pháp luật của Bộ Tư pháp được đánh giá đã kịp thời “phản ứng chính sách” đối với những vấn đề phát sinh trong thực tiễn, nhất là với những vấn đề liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp.
Ngành Tư pháp: Kịp thời phản ứng chính sách với những vấn đề phát sinh trong thực tiễn

Tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về XLVPHC

Năm 2021, công tác chuẩn bị tổ chức triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) được ngành Tư pháp xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Bộ Tư pháp đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC; đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức thành công 02 Hội nghị triển khai Luật. Các bộ, cơ quan ngang bộ đã xây dựng, trình Chính phủ “chùm” hơn 30 nghị định quy định chi tiết Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC; đồng thời, không ngừng tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về XLVPHC, nhất là trong việc yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch.

Công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu; rà soát, kiểm tra, hướng dẫn việc thi hành pháp luật về XLVPHC và việc chấp hành các quyết định xử phạt được Bộ Tư pháp và các bộ, ngành, địa phương chú trọng thực hiện. Bên cạnh đó, ngành Tư pháp, nhất là các cơ quan tư pháp ở các địa phương, đã tích cực tham gia ý kiến pháp lý đối với nhiều quyết định XLVPHC trước khi cơ quan, người có thẩm quyền quyết định. Công tác tổ chức thi hành pháp luật, theo dõi tình hình thi hành pháp luật được gắn kết chặt chẽ với công tác xây dựng pháp luật, đạt được nhiều kết quả tích cực. Cơ quan tư pháp các cấp, tổ chức pháp chế của các bộ, ngành đã kịp thời tham mưu ban hành các kế hoạch triển khai VBQPPL; kịp thời xây dựng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành được giao.

Thể chế về công tác theo dõi thi hành pháp luật tiếp tục được hoàn thiện, việc thực hiện theo dõi tình hình thi hành pháp luật được các bộ, ngành, địa phương thực hiện ngày càng nền nếp. Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án “Đổi mới, nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật giai đoạn 2018 - 2022”; tập trung vào việc tổ chức theo dõi thi hành pháp luật trong các lĩnh vực trọng tâm, liên ngành năm 2021 về quản lý, sử dụng đất đai, rừng; về bảo vệ môi trường; về phòng cháy và chữa cháy và nhiều chuyên để khác gắn với lĩnh vực quản lý của từng bộ, ngành phù hợp với bối cảnh phòng chống dịch bệnh.

Qua đó, kịp thời “phản ứng chính sách” đối với những vấn đề phát sinh trong thực tiễn, nhất là với những vấn đề liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp. Bộ Tư pháp và các bộ, ngành, địa phương tiếp tục chú trọng thực hiện các giải pháp để cải thiện điểm số và duy trì thứ hạng chỉ số Chi phí tuân thủ pháp luật (Chỉ số B1) theo đúng chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP.

Tập trung xây dựng Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về XLVPHC

Tuy nhiên, theo Bộ tư pháp, hoạt động kiểm tra công tác XLVPHC tuy đã được các bộ, ngành, địa phương quan tâm thực hiện nhưng chưa toàn diện; sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác thi hành pháp luật về XLVPHC trong một số lĩnh vực chưa được thường xuyên, chặt chẽ và đồng bộ. Một khó khăn nữa là hiện nay, phạm vi và lĩnh vực theo dõi thi hành pháp luật rất rộng trong khi các nội dung theo dõi thi hành pháp luật chủ yếu mang tính định tính, việc tổ chức điều tra, khảo sát, thu thập và xử lý thông tin về tình hình THPL còn ít, cơ chế phối hợp chưa được quy định cụ thể, việc thống kê, tổng hợp số liệu chưa được đầy đủ, kịp thời.

Năm 2022, Bộ Tư pháp cho biết sẽ tổ chức thi hành tốt Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật. Tập trung xây dựng Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính. Chú trọng đẩy mạnh công tác kiểm tra, tập huấn, hướng dẫn thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật.

Bên cạnh đó, tiến hành theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành năm 2022 theo Kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm của Bộ Tư pháp năm 2022. Tăng tốc hoàn thành các nhiệm vụ, giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật nêu tại “Đề án Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật” giai đoạn năm 2018-2022, tổ chức tổng kết việc thực hiện Đề án và nghiên cứu đề xuất hoàn thiện thể chế về tổ chức thi hành pháp luật.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật, góp phần cải thiện điểm số, duy trì thứ hạng chỉ số B1. Tăng cường bồi dưỡng, tập huấn chuyên sâu và thực hiện công tác truyền thông về xử lý vi phạm hành chính, theo dõi thi hành pháp luật và chỉ số B1.

Đọc thêm