Ngành Tư pháp thực hiện tốt "Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp"

Hôm qua (28/8), Bộ Tư pháp đã tổ chức Tọa đàm Kỷ niệm 68 năm Ngày truyền thống Ngành Tư pháp với sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp và đại diện các tổ chức chính trị, xã hội thuộc Bộ.

Hôm qua (28/8), Bộ Tư pháp đã tổ chức Tọa đàm Kỷ niệm 68 năm Ngày truyền thống Ngành Tư pháp với sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp và đại diện các tổ chức chính trị, xã hội thuộc Bộ.

Đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Phát biểu ôn lại truyền thống 68 năm xây dựng và trưởng thành của Ngành Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường khẳng định: “68 năm qua là một khoảng thời gian không dài so với lịch sử của đất nước, nhưng là một chặng đường phấn đấu gian khổ và bền bỉ của nhiều thế hệ cán bộ Tư pháp gắn liền với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trải qua hai cuộc kháng chiến, những năm tháng khó khăn phục hồi kinh tế sau chiến tranh, tiếp đó là thời kỳ Đổi mới, Ngành Tư pháp đã trải qua nhiều bước thăng trầm, nhưng luôn có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp bảo vệ thành quả cách mạng và xây dựng xã hội mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng quang vinh và Bác Hồ kính yêu”.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường phát biểu tại Hội nghị

Trước yêu cầu đẩy mạnh việc cải cách hành chính, cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân và hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI, các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ, Ngành Tư pháp không ngừng được tăng cường, mở rộng.

Bộ, Ngành được Đảng, Nhà nước, Chính phủ tin tưởng giao thêm nhiều chức năng, nhiệm vụ mới như: theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong phạm vi cả nước; quản lý nhà nước trong các lĩnh vực bồi thường nhà nước, lý lịch tư pháp, thi hành án hành chính; quản lý thống nhất về xử lý vi phạm hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính và gần đây nhất là trách nhiệm theo dõi, đôn đốc tình hình xây dựng văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh…

Đặc biệt, trong những tháng đầu năm 2013, toàn Ngành Tư pháp đã nỗ lực hoàn thành một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng là giúp Chính phủ tổ chức lấy ý kiến nhân dân và xây dựng Báo cáo của Chính phủ về đề xuất sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Cùng với việc tăng cường chức năng, nhiệm, tổ chức bộ máy, cán bộ của Ngành Tư pháp từ Trung ương đến cơ sở đã và đang được Đảng, Nhà nước quan tâm kiện toàn, củng cố để đáp ứng yêu cầu công tác.

Tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2013, trong phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh: “Thực tế cho thấy, việc thúc đẩy nhanh, hiệu quả hay cản trở, làm chậm đi quá trình phát triển đất nước, trước hết cũng từ thể chế, pháp luật. Việc xây dựng Nhà nước pháp quyền, xây dựng và thực thi thể chế, pháp luật phụ thuộc rất nhiều vào công tác tư pháp”.  

Khẳng định "đây là niềm tự hào, đồng thời cũng đặt ra đòi hỏi, yêu cầu trách nhiệm rất lớn đối với toàn thể cán bộ, công chức, viên chức của Bộ, Ngành để đáp ứng mong muốn của Đảng, Nhà nước và nhân dân", Bộ trưởng yêu cầu mỗi cán bộ, công chức, viên chức của Ngành cần nhận thức được niềm vinh dự, tự hào được lao động, công tác trong Ngành Tư pháp, đồng thời cần ý thức cao về trách nhiệm giữ gìn, phát huy uy tín, danh dự của Bộ, Ngành trong hệ thống cơ quan nhà nước, hệ thống chính trị, với nhân dân và toàn xã hội. 

 

Thành hay bại đều ở công tác cán bộ

Bên cạnh những ưu điểm và thành tựu quan trọng đã đạt được, Bộ trưởng cũng lưu ý Ngành Tư pháp còn không ít những hạn chế, khuyết điểm, khó khăn, thách thức cần khắc phục trên con đường đi tới. Bộ trưởng nhận định : "Vấn đề trọng tâm, then chốt, cũng là thách thức lớn đối với Ngành hiện nay là công tác cán bộ, là yêu cầu về đội ngũ cán bộ tư pháp có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, nhân cách, tác phong của người cán bộ cách mạng, có năng lực tư duy và năng lực hoạt động thực tiễn, vừa có đức, vừa có tài, “vừa hồng, vừa chuyên” theo yêu cầu, mong muốn của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh".

Bởi vậy, người đứng đầu Ngành Tư pháp cho rằng : "Một trong những giải pháp quan trọng, tiên quyết, đồng thời có tính lâu dài để xây dựng Ngành Tư pháp vững mạnh, xứng tầm với yêu cầu nhiệm vụ nặng nề và phức tạp trong giai đoạn mới, đó là toàn Ngành phải tăng cường quán triệt, thấm nhuần và thực hiện tốt hơn nữa những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác Tư pháp và người cán bộ Tư pháp",  từ đó tác động làm chuyển biến về hành động, nâng cao trách nhiệm, ý thức rèn luyện phẩm chất đạo đức, tác phong, cải tiến lề lối làm việc, chất lượng công tác.

Để thực hiện tốt sứ mệnh của mình, thiết thực hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống Ngành Tư pháp, Bộ trưởng yêu cầu toàn thể cán bộ, công chức, viên chức trong Ngành tiếp tục xiết chặt đội ngũ, kiện toàn và đổi mới mạnh mẽ hơn nữa về tổ chức, cán bộ, lề lối làm việc. Mỗi cơ quan, đơn vị trong ngành Tư pháp từ Trung ương đến cơ sở, kể cả đội ngũ những người làm nghề Tư pháp như luật sư, công chứng, giám định viên, đấu giá viên, thừa phát lại cần cần quán triệt và thực hiện tốt Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của Ngành Tư pháp, kế tục xứng đáng sự nghiệp của các thế hệ cán bộ Tư pháp đi trước, tăng cường đoàn kết, kiên trì đổi mới, năng động và sáng tạo, hoàn thành xuất sắc công tác Tư pháp trong thời kỳ mới, xứng đáng hơn nữa với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; Kế hoạch của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị, Bộ Tư pháp đã xây dựng và ban hành “Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức Ngành Tư pháp”. Với 5 nội dung cơ bản là chuẩn mực đạo đức với Tổ quốc, với nhân dân, với công tác tư pháp, với đồng nghiệp và với bản thân, Chuẩn mực đạo đức đã và đang đi vào cuộc sống, thấm dần vào từng lĩnh vực công tác của Ngành Tư pháp và trở thành phương châm cho mọi hoạt động nghề nghiệp của cán bộ tư pháp.

Tại Tọa đàm kỷ niệm 68 năm Ngày truyền thống Ngành Tư pháp hôm qua, Bộ Tư pháp đã trao Quỹ hưu trí cho Ban liên lạc hưu trí Bộ Tư pháp và công bố các quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Bổ trợ tư pháp và Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực.Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Trần Văn Quảng cũng công bố các quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm bà Đỗ Hoàng Yến giữ chức Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp và ông Nguyễn Công Khanh giữ chức Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực.

Nhân Kỷ niệm 68 năm Ngày truyền thống Ngành Tư pháp Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã tới chúc mừng Bộ Tư pháp và trao tặng Kỷ niệm chương « Vì sự phát triển của phụ nữ Việt Nam » năm 2012 cho Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, các Thứ trưởng Hoàng Thế Liên, Đinh Trung Tụng, Nguyễn Thúy Hiền, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Trần Văn Quảng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Thanh Thủy, Ủy viên chuyên trách Đảng ủy Bộ Tư pháp Lê Thị Hoàng Yến và chuyên viên cao cấp Dương Thị Thanh Mai. 

Hồng Thúy

Đọc thêm