Ngành Y tế Quảng Ninh: Vững bước trước những yêu cầu mới

Với những phát triển nhanh chóng trên mọi mặt kinh tế-xã hội, nhu cầu về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh cũng ngày một tăng. Trong những năm gần đây, Ngành y tế tỉnh Quảng Ninh cũng đã có những bước tiến mạnh mẽ và vững chắc, đáp ứng những yêu cầu mới trong công tác y tế của tỉnh.

 Với những phát triển nhanh chóng trên mọi mặt kinh tế-xã hội, nhu cầu về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh cũng ngày một tăng. Trong những năm gần đây, Ngành y tế tỉnh Quảng Ninh cũng đã có những bước tiến mạnh mẽ và vững chắc, đáp ứng những yêu cầu mới trong công tác y tế của tỉnh. 

Đội ngũ y bác sĩ tâm huyết, có trình độ

 
Trong những năm qua, lĩnh vực y tế đã được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm chú trọng và đạt được những thành tựu rõ rệt. Tính chung toàn ngành, tổng số cán bộ y tế gồm 3770 người, trong đó trình độ đại học và trên đại học trên 900 người. Như vậy, tính bình quân trên địa bàn có 8,8 bác sĩ/1 vạn dân, đạt chỉ tiêu của Bộ Y tế đề ra.
 
Trình độ, tay nghề của đội ngũ thầy thuốc không ngừng được nâng cao, thể hiện qua việc đội ngũ y tế tỉnh đã triển khai được nhiều kỹ thuật mới chuyên sâu tương đương với tuyến Trung ương như: phẫu thuật nội soi qua video, phẫu thuật thần kinh, sọ não, lồng ngực (cắt phổi, thực quản), chấn thương chỉnh hình (kết hợp xương, thay chỏm xương đùi), chạy thận nhân tạo, tán sỏi ngoài cơ thể, thay thủy tinh thể bằng phương pháp PACO, vá màng nhĩ… và nhiều kỹ thuật chuyên sâu khác.
 
Thêm vào đó, đội ngũ y bác sĩ đã được trang bị, tiếp cận và sử dụng thành thạo đối với những phương pháp và thiết bị y tế hiện đại như siêu âm Doopler tim/mạch, chụp cộng hưởng từ hạt nhân MRI, chụp cắt lớp vi tính (CT – SCANE), kỹ thuật X-quang thường quy bằng phương pháp kỹ thuật số, kỹ thuật phát hiện, chẩn đoán sớm ung thư,… giúp cứu sống nhiều bệnh nhân hiểm nghèo.
 
Đồng thời, công tác đào tạo được chú trọng để đáp ứng y tế phổ cập và y tế chuyên sâu trên tất cả các lĩnh vực của ngành. Theo số liệu của Sở Y tế, trong 5 năm (2005-2009), ngành đã cử trên 200 người đi học sau đại học, hơn 100 người đi học bác sĩ chuyên tu; nhiều cán bộ được cử đi đào tạo để tiếp nhận, triển khai các kỹ thuật mới, hiện đại tại các bệnh viện đầu ngành trung ương, đào tạo lại hàng trăm lượt cán bộ y tế tuyến xã trong các lĩnh vực y tế công cộng, khám chữa bệnh, cấp cứu thông thường, chăm sóc sức khỏe sinh sản…

          25-2 benh vien tinh 2.jpg 25-2 longap vientinh.jpg

Các bệnh viện được trang bị nhiều thiết bị y tế hiện đại nhằm đem lại 
hiệu quả cao trong công tác khám chữa bệnh (Thiết bị chạy thận nhân tạo 
(ảnh trái) và lồng ấp (ảnh phải) tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh)

Bên cạnh công tác chuyên môn, công tác nghiên cứu khoa học cũng đã có những bước phát triển cả về số lượng và chất lượng. Nhiều đề tài nghiên cứu đã được ứng dụng vào thực tế các đơn vị, giúp cải tiến kỹ thuật và thực hiện những phương pháp chẩn đoán, điều trị mới, tiến bộ nhằm đem lại hiệu quả khám chữa bệnh cao nhất cho mỗi bệnh nhân.
 
Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Phải sâu sát coi người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn như mình đau đớn, lương y như từ mẫu”, các thế hệ thầy thuốc của tỉnh Quảng Ninh đã luôn phấn đấu, không ngừng hoàn thiện bản thân cả về trình độ chuyên môn và tinh thần, trách nhiệm y đức. Toàn ngành y tế đã quán triệt việc thực hiện quy tắc ứng xử trong đơn vị sự nghiệp y tế theo quy định của ngành, thực hiện tốt văn minh giao tiếp giữa nhân viên y tế với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, do vậy tinh thần thái độ phục vụ người bệnh của cán bộ viên chức trong ngành đã được nâng lên rõ rệt, tạo niềm tin và sự hài lòng trong nhân dân.
 
Mạng lưới y tế rộng khắp
 
Quảng Ninh có 3 bệnh viện Trung ương đóng trên địa bàn và ngành than quản lý (Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển, Bệnh viện than Mạo Khê, Bệnh viện than Vàng Danh) có 730 giường bệnh.
 
Tổng số giường bệnh tuyến tỉnh là 1750 giường bệnh với nhiều cơ sở khám chữa bệnh bao gồm 5 bệnh viện đa khoa (Bệnh viện Đa khoa tỉnh, 04 Bệnh viện Đa khoa khu vực: Bãi Cháy, Cẩm Phả, Tiên Yên và Móng Cái); 5 bệnh viện chuyên khoa (Bệnh viện Lao và Phổi, Bệnh viện Bảo vệ sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Y Dược cổ truyền, Bệnh viện Điều dưỡng Phục hồi chức năng và Bệnh viện Sản-Nhi). Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn Trung tâm Chỉnh hình phục hồi chức năng, Trung tâm Vận chuyển cấp cứu và 1 khu điều trị Phong.
 
Với tuyến huyện, Quảng Ninh hiện có 10 Bệnh viện Đa khoa huyện (Đông Triều, Yên Hưng, Hoành Bồ, Cẩm Phả, Vân Đồn, Hải Hà, Bình Liêu, Ba Chẽ, Đầm Hà, Cô Tô). Riêng Bệnh viện Đa khoa huyện Vân Đồn, do đặc thù huyện đảo nên có thêm Phân viện Quan Lạn với 15 giường bệnh. Trong những năm qua, các Trung tâm y tế thuộc 14 huyện, thị xã, thành phố đều được đầu tư nâng cấp và xây dựng mới. Riêng 4 Trung tâm Y tế Bình Liêu, Ba Chẽ, Đầm Hà và Cô Tô còn bao gồm cả hệ khám chữa bệnh có giường bệnh và hệ dự phòng.
 
Ngoài ra còn có 10 Phòng khám đa khoa khu vực và 14 Trung tâm Dân số -Kế hoạch hóa gia đình trực thuộc Chi cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình ở các huyện, thị xã, thành phố. Theo thống kê của Sở Y Tế, tổng số giường bệnh tuyến huyện hiện đạt 860 giường.
 
Nhờ việc đẩy mạnh công tác thực hiện đề án chuẩn y tế xã, 186/186 các trạm y tế xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã đạt chuẩn theo quy định của Bộ Y tế ngay trong năm 2010, về đích trước 5 năm thực hiện các mục tiêu về chuẩn y tế xã so với mục tiêu chung của toàn quốc. Các trạm y tế đều được nâng cấp, xây dựng kiên cố theo quy định của ngành với các phòng chức năng, đầu tư bổ sung trang thiết bị y tế, góp phần triển khai tốt công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân, vệ sinh phòng chống dịch bệnh tại địa phương.

tram y te xa Tien lang huyen Tien Yen.jpg

Trạm y tế xã Hải Lạng, huyện Tiên Yên vừa được đầu tư xây mới 
theo đề án chuẩn y tế xã

Hiện các bệnh viện trên địa bàn tỉnh đang tiếp tục được đầu tư mở rộng, nâng cấp quy mô giường bệnh nhằm phấn đấu đến năm 2013, tỉnh Quảng Ninh sẽ không còn tình trạng một giường nhiều người bệnh. Trước mắt, toàn ngành còn đẩy mạnh các giải pháp chống quá tải bệnh viện như sắp xếp bố trí lại các khoa phòng, dành ưu tiên cho bố trí phòng bệnh và  thực hiện tích cực việc phân tuyến kỹ thuật, tăng cường bác sỹ của bệnh viện tỉnh và các bệnh viện khu vực về hỗ trợ chuyên môn cho tuyến trước....
 
Bên cạnh đó, khối dự phòng được đẩy mạnh với 8 đơn vị cấp tỉnh gồm Trung tâm y tế Dự phòng, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế, Trung tâm Kiểm nghiệm, Trung tâm Truyền thông - GDSK, Trung tâm chăm sóc Sức khỏe sinh sản, Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS và Trung tâm Giám định Y khoa và hệ dự phòng của 14 Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Các đơn vị này luôn tăng cường khả năng giám sát, phát hiện, khoanh vùng, dập dịch và xử lý dịch bệnh; công tác phòng, chống dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm được thực hiện tốt, trong những năm qua, không có vụ dịch lớn nào xảy ra trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, việc chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV, bệnh nhân AIDS đã có chuyển biến tích cực, tỷ lệ lây nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn giảm mạnh (chỉ còn dưới 0,3%). Công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình được quan tâm củng cố.
 
Đảm bảo mục tiêu chăm sóc sức khỏe cho người dân
 
Bên cạnh việc đầu tư cho cơ sở vật chất, ngành Y tế cũng tập trung thực hiện tốt việc khám, chữa bệnh cho nhân dân, đặc biệt là khám chữa bệnh cho các đối tượng được hỗ trợ miễn phí Bảo hiểm y tế (người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi) tại tất cả các tuyến; các phác đồ điều trị đối với các bệnh thường gặp cũng như các dịch bệnh nguy hiểm có khả năng lây lan cho cộng đồng được xây dựng cụ thể, góp phần tích cực vào việc ngăn ngừa không để các dịch bệnh nguy hiểm (như cúm A H5N1, H1N1...) lây lan ra cộng đồng.
 
Theo số liệu thống kê của Sở Y tế, năm 2010, số trẻ em dưới 1 tuổi trong đối tượng tiêm chủng mở rộng là 21.896 cháu; ước tính cả năm tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ đạt 97%, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Tổng số trẻ được cân trong độ tuổi đạt 98,6% (cao hơn cùng kỳ năm 2009 là 0,3%). Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi ước đạt 17,9%; giảm 0,8% so với năm 2009 và đạt mục tiêu đề ra năm 2010. Từ năm 2006 đến nay, tỷ lệ sinh bình quân trên địa bàn tỉnh hàng năm giảm 0.03%.
 
Đồng thời, ngành cũng xác định không để xảy ra tình trạng kháng thuốc, lạm dụng thuốc và các tiêu cực khác trong khám, chữa bệnh; chủ động làm tốt việc phân phối, cung ứng thuốc, giá thuốc thông qua các kênh của ngành nhằm đảm bảo sự công bằng trong chi phí sử dụng thuốc của người bệnh...
 
Trước những thành tựu đã đạt được, có thể thấy, ngành y tế tỉnh đang nỗ lực không ngừng để tạo dựng những bước đi ngày càng mạnh mẽ, thực sự xứng đáng với vai trò của những người chiến sĩ áo trắng anh hùng trên trận tuyến chống lại bệnh tật, bảo vệ sự bình yên và sức khỏe của nhân dân vùng mỏ Quảng Ninh./.

Theo QNP

Đọc thêm