Rối loạn nhân cách, nguy hiểm đến tính mạng...
Theo giới chuyên môn, MTĐ có tên khoa học là Methamphetamine, tồn tại dưới dạng tinh thể có hình dạng, kích thước giống cánh đường phèn hoặc bột ngọt. Ngoài những tác hại giống như thuốc lắc, “đập đá” còn gây ra cho người chơi ảo giác hoang tưởng, rối loạn hành vi, nhân cách.
Nó kích thích hệ thần kinh, khiến cho người sử dụng không điều khiển được mình, mất ngủ và không ăn được trong vài ngày liên tiếp. Do mất ngủ, thiếu ăn, các cơ quan nội tạng sẽ nhanh chóng bị suy yếu, kiệt quệ... “Đập đá” thường xuyên còn là nguyên nhân gây ra hiện tượng thiếu máu não, thiếu máu cơ tim, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng bản thân.
Nghiêm trọng hơn khi một cán bộ Phòng Cảnh sát điều tra Công an TP.Hà Nội cho biết: Đá càng trắng thì tác động lên hệ thần kinh trung ương của người sử dụng càng khủng khiếp. Hiện nay không chỉ đơn thuần được cô lại từ các loại ma túy tổng hợp khác, nhiều đối tượng sản xuất MTĐ còn cho thêm các phụ gia, hóa chất độc hại vào, vừa làm tăng trọng lượng của MTĐ để kích thích tạo thêm hưng phấn cho người sử dụng.
Ảo giác càng nhanh, càng kéo dài lâu thì điều đó cũng đồng nghĩa với việc thần kinh của các “dân chơi” này sẽ bị phá hủy ngày càng lớn. “Đập đá” liên tục, kéo dài không những sẽ khiến cho người sử dụng không làm chủ được hành vi mà sẽ khiến họ lâm vào tình trạng bị tâm thần, hoang tưởng...
Một khi đã lâm vào tình trạng này thì y học cũng "bó tay", bởi việc cứu chữa, khôi phục hệ thần kinh đã bị tổn thương nặng là vô cùng khó khăn.
Thông tin tại buổi tọa đàm “Những điều cần biết về Methamphetamine” vừa được giới chuyên môn tổ chức mới đây cho thấy, có sự tương quan giữa việc sử dụng Methamphetamine và các vụ tội phạm do chứng ảo giác gây ra.
Theo Bác sỹ Nguyễn Minh Tuấn - Giám đốc Viện Sức khỏe tâm thần Trung ương, MTĐ mạnh hơn rất nhiều so với heroin và các loại ma túy khác. Chất này sẽ làm tổn thương, phá hủy não người sử dụng vì nó tác động trực tiếp vào não làm biến đổi các hoạt động của hệ thần kinh trung ương nên sau khi sử dụng nó, người ta sẽ có hiện tượng hoang tưởng.
Chính hiện tượng hoang tưởng này khiến các “đệ tử” của MTĐ bị rối loạn hành vi. Thực tế, theo Bác sỹ Minh Tuấn, hoang tưởng thường gặp nhất là tưởng bị hại và ghen tuông. Vì vậy, những người lạm dụng chất này thường có hành vi bạo lực với bản thân và gia đình, ra ngoài xã hội thì rất dễ bị kích động nên chỉ cần có va chạm nho nhỏ là họ có thể hành động ngay lập tức, và các hành động này thường không lường trước được.
Khó phát hiện và không dễ cai
Các chuyên gia y tế cho biết, để nhận biết người nghiện MTĐ khó hơn rất nhiều so với heroin. Bởi lẽ, người nghiện MTĐ thường không có biểu hiện, triệu chứng phụ thuộc về mặt cơ thể (vật vã) như người nghiện heroin. Vì thế, chỉ khi nào người sử dụng Methamphetamine có những rối loạn trầm trọng về mặt tâm thần thì gia đình mới đưa đến bệnh viện điều trị. Và khi ấy việc chữa trị và phục hồi là vô cùng khó khăn.
Tuy nhiên, việc sử dụng độc chất này dẫn đến thay đổi hành vi rất rõ. Cụ thể, người nghiện Methamphetamine thường chểnh mảng với công việc, nói nhiều, hoạt động nhiều, thay đổi thái độ đối với mọi người (có thể rất thân thiện với mọi người nhưng cũng rất dễ thay đổi thái độ và có thể gây bạo lực bất cứ lúc nào), đặc biệt khả năng tình dục của họ tăng lên một cách bất thường, do đó nguy cơ lây nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục rất cao.
Thực tế, Bác sỹ Nguyễn Đức Hiền, Phòng khám đa khoa Đức Hiền, Hà Nội, cho hay, bản thân người nghiện MTĐ cũng như gia đình đều cho rằng sử dụng MTĐ không bị nghiện vì nó sẽ được đào thải ra khỏi cơ thể sau khi dùng nên không có hại. Đó là một nhận thức sai lầm.
Theo các chuyên gia y tế về ma túy, việc cai nghiện MTĐ không hề đơn giản, thậm chí còn khó hơn gấp nhiều lần cai nghiện heroin. Bởi, khi nghiện heroin người nghiện bị lệ thuộc nhiều về mặt cơ thể nên biểu hiện rất rõ ràng, nhưng nếu nghiện MTĐ, người nghiện lại lệ thuộc về mặt tâm thần nên biểu hiện rất khó nhận biết và trạng thái mệt mỏi, ủ rũ, trầm cảm đó kéo dài rất dai dẳng và khó bỏ.
Hiện nay, Việt Nam vẫn chưa có một phác đồ chuẩn để cai nghiện các dạng ma túy tổng hợp, trong đó có MTĐ. Bởi vậy, các bác sỹ tâm thần khuyến cáo, khi có các biểu hiện về mặt tâm thần như đã nêu trên, đồng thời với việc biết hoặc nghi ngờ con em mình có sử dụng MTĐ, các bậc cha mẹ nên đưa người thân đến các cơ sở y tế chuyên khoa tâm thần để điều trị kịp thời.
Việc điều trị cũng như cai nghiện MTĐ thành công đòi hỏi phải có thời gian, cũng như kết hợp nhuần nhuyễn các bước, từ giáo dục nhân cách đến điều trị các rối loạn hành vi và phục hồi não bộ, ngoài ra là các liệu pháp về mặt tâm lý, giáo dục, xã hội.
“Một người khi sử dụng ma túy đá thường có triệu chứng nghe thấy tiếng nói trong đầu với nội dung xui khiến, ra lệnh, thậm chí như đang trò chuyện với họ. Đó là triệu chứng “ảo thanh”. Ảo thanh thường mang nội dung xấu, tiêu cực, vì vậy người sử dụng có thể có những hành vi nguy hiểm cho bản thân và những người xung quanh. Loạn thần do ma túy đá thường rất hay tái phát vì bệnh nhân rất dễ tái nghiện. Vì vậy, việc điều trị sau khi cai nghiện ma túy đá là rất quan trọng để người nghiện không tái sử dụng ma túy đá”.(Ths. BS Đinh Hữu Uân- Phó trưởng phòng Đào tạo Bệnh viện Tâm thần Trung ương I)